Sign In

Nhiều trường cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang đào tạo và liên kết đào tạo nhân lực bán dẫn

16:11 25/04/2024
Chiều 24/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. rao đổi về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu góp ý về những công việc cần triển khai của các cơ sở đào tạo, các bộ ngành, và các địa phương, "để mở chiến dịch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có, điều chỉnh phù hợp để đạt mục tiêu đề ra nhưng không xáo trộn quá nhiều".

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, các đồng chí: Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam; Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị nhận định, công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Từ năm 2001 đến năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD, tính đến năm 2023. Ngành bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á để đặt trụ sở, nhà máy.

Việt Nam có một số lợi thế chính để khẳng định mình đã sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn, như quyết tâm chính trị cao; môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; lực lượng lao động có chất lượng; có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.

Với bối cảnh và lợi thế trên, Việt Nam đang có cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Để nắm bắt và hiện thực hóa được cơ hội này Việt Nam cần triển khai nhanh trong thời gian không nên quá 24 tháng và tập trung vào 3 nội dung cốt lõi: Hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực; đồng bộ hạ tầng điện, nước, giao thông, cáp quang, công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn trong thời gian ngắn, các đại biểu cho rằng nên tận dụng nền tảng sẵn có của các cơ sở đào tạo; đội ngũ giảng viên; nhân lực công nghệ thông tin, điện tử... để đào tạo bổ sung về công nghệ bán dẫn; đồng thời, hình thành các trung tâm, khoa, viện, phòng nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Các đại biểu cũng đề xuất cơ chế chính sách đào tạo, thu hút nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn; phát triển các ngành phụ trợ công nghiệp bán dẫn; các nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp... nhằm tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Trao đổi về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, không phải bây giờ chúng ta mới làm, mà cách đây 2 nhiệm kỳ, đặc biệt là nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ cũng đã bàn nhiều vấn đề nhân lực. 

Đến nay, câu chuyện về chất lượng nhân lực, theo lãnh đạo Bộ LĐTBXH vẫn nguyên tính thời sự và việc xác định lựa chọn nội dung này vào thời điểm hiện nay “là đúng và trúng”.

“Chúng ta đang có tư duy và tầm nhìn xa, điều này đòi hỏi phải hành động mau lẹ hơn cùng với những công việc cụ thể với 3 vấn đề cốt lõi mà như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu, trong đó vấn đề lớn nhất đó là yếu tố con người”, ông Dung nhấn mạnh, nhiều quốc gia trên thế giới cũng cần điều này như chúng ta.

Liên quan đến chuỗi giá trị và công nghệ bán dẫn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, cơ bản có 3 vấn đề như báo cáo nêu, thứ nhất là thiết kế, thứ hai là sản xuất, thứ ba là phân loại, đóng gói và thử nghiệm.

“Vấn đề chúng ta lựa chọn gì?”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu và phân tích, trong báo cáo và đề dẫn của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề cập tương đối rõ nội dung này, thiết kế vẫn là vấn đề khó nhất và đầu tư nhiều nhất, nhưng thu lợi cũng lớn nhất, còn lại các phần khác như phân loại, đóng gói… thì đây chính là lợi thế của chúng ta.

Quay trở lại vấn đề đạo tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Cũng phải tính toán trên cơ sở cung và cầu, để tính toán cho phù hợp, không nên tập trung vào một lĩnh vực cụ thể”.

Bộ trưởng cũng đồng tình với việc xác định nội hàm đào tạo và đối tượng đào tạo trong Đề án là đại học và trên đại học, “nhưng chúng ta cũng phải tính toán để có hướng đi phù hợp cho từng giai đoạn; cũng cần tập trung vào 5 vấn đề: đào tạo cơ bản dài hạn, đào tạo chuyển đổi, đào tạo nâng cao, đào tạo lại, đào tạo trực tiếp”.

“Thực tiễn chúng ta có nhiều trường cao đẳng, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang đào tạo và liên kết đào tạo nhân lực bán dẫn; đề nghị không nên bỏ phí nguồn nhân lực này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.


Tag:

File đính kèm