Sign In

Tự hào với nghĩa vụ thiêng liêng trên quần đảo Trường Sa

21:45 04/05/2024

Bà Nguyễn Thị Lành và con trai Huỳnh Thế Sơn rạng rỡ trên đảo Sinh Tồn. (Ảnh: Quang Tiến)

(Thanhuytphcm.vn) – Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, thời tiết TPHCM nóng như đổ lửa nhưng 168 đại biểu tham gia đoàn công tác thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà dàn DK1/17 lại cảm thấy phấn khởi, trong lòng như có ngàn cơn gió mát lành thổi qua khi được đặt chân lên con tàu KN209 của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam để vượt ngàn hải lý đến với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trưởng thành trong rèn luyện

Rạng sáng 28/4, con tàu KN290 dần dần hiện ra trên mặt biển xanh biếc, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn không ai bảo ai đều gọi tên Huỳnh Thế Sơn, đến từ Phường 15, quận Tân Bình, TPHCM, đang thực hiện nghĩa vụ quân sự trên đảo. Những lời thông báo như reo: “Sơn ơi! Mẹ tới rồi kìa!”, “Sơn chuẩn bị đón mẹ nhé!”… nghe mà ấm lòng lạ. Bà Nguyễn Thị Lành, mẹ Sơn cũng nôn nao, nhấp nhổm trên boong tàu. Bà tâm sự, từ hôm được mời tham gia chuyến hải trình và qua 2 ngày vượt biển, lòng bà rất khó tả, giờ chỉ còn ít phút nữa được gặp con, sao cảm giác lâu quá!

Ông Thái Văn Vũ mang quà cho con trai Ông Thái Văn Vũ mang quà cho con trai

Chiếc cano trung chuyển vừa cập cầu cảng, bà bước xuống thật nhanh để được cán bộ, chiến sĩ dẫn đến nơi Sơn đang làm công tác chuẩn bị đón đoàn. Sau phút bất ngờ, xúc động chực trào nước mắt của một người mẹ đã lâu mới gặp lại con mình, bà Nguyễn Thị Lành cảm nhận được, chàng trai “công tử bột” của mình giờ trông rắn rỏi với làn da ngăm rám nắng, đã trở thành một thanh niên khỏe mạnh, vững vàng. Bà chia sẻ, từ nhỏ, Sơn đã có niềm đam mê biển, ao ước khoác lên mình chiếc áo “lính thủy”. Cứ mỗi lần ăn cơm, Sơn đều mở những bài hát về biển để nghe. Còn gọi Sơn là “công tử bột” vì khi ở nhà, Sơn không biết làm gì ngoài việc lau nhà giúp mẹ mà giờ lại đảm trách hậu cần, “anh nuôi” cho toàn đội. Nghe con kể về việc học tập, rèn luyện, sinh hoạt trên đảo bà không khỏi tự hào khi thấy con mình đã trưởng thành lên rất nhiều, nhanh nhẹn, hoạt bát, tháo vát hơn hẳn, được cấp trên và đồng đội yêu mến, không còn nhút nhát, rụt rè như khi ở nhà. Càng tự hào hơn khi Sơn còn động viên ngược lại mẹ. Sơn bảo, “chút nữa về, mẹ không được khóc nha! Con lớn rồi, là con trai được thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc trên biển đảo làm niềm vinh dự, tự hào của con và của cả gia đình mình đó!”.

Vững vàng trong ý chí

Có mặt tại đảo Tốc Tan C, ông Thái Văn Vũ, cha của chiến sĩ Thái Gia Bảo đến từ xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, vui cười xoa đầu con trai rồi nói “Gấu bông nè con! Để tối ngủ gác chân!”, bởi trong mắt ông, đứa con trai vẫn bé bỏng như ngày nào. Nhận quà từ cha, Thái Gia Bảo rất vui nhưng phong thái vô cùng chững chạc thể hiện qua đôi mắt sâu cương nghị, toát lên một ý chí bền bỉ, vững vàng. Ông Thái Văn Vũ cho biết, trước khi tham gia nghĩa vụ quân sự, Gia Bảo rất cá tính, luôn làm theo ý thích của riêng mình, nhưng nay đã biết suy nghĩ, cân nhắc trong mọi hành động.

Chiến sĩ Võ Thành Trung vui mừng đón mẹ trên đảo Trường Sa lớn. (Ảnh: Quang Tiến) Chiến sĩ Võ Thành Trung vui mừng đón mẹ trên đảo Trường Sa lớn. (Ảnh: Quang Tiến)

Được hỏi có nhắn nhủ gì cho các em sắp đến tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự không? Gia Bảo vui vẻ trải lòng: Nghĩa vụ quân sự không chỉ là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi thanh niên Việt Nam, mà còn là một sự trải nghiệm và rèn luyện về cả thể chất lẫn tinh thần, phẩm chất đạo đức... Đây cũng là một cơ hội để bản thân mỗi thanh niên phải vượt qua, vững vàng đón nhận những thử thách, vươn tới những thành công trong tương lai.

“Toàn tàu chú ý, tàu sắp cập cảng Trường Sa lớn!”, khi nghe tàu thông báo, có lẽ vui mừng hơn ai hết là bà Trần Kim Châu, cư ngụ tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, có con đang thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc trên đảo. Cũng như bao tấm lòng của người mẹ khác, bà nhanh chóng lên boong tàu. Tàu vừa cập cảng, bà nhanh chân theo các cán bộ, chiến sĩ đến khu vực tiếp đoàn. Đến nơi con trai đang đứng gác, phút hội ngộ sau khi vượt hơn ngàn hải lý ra thăm làm bà chợt khóc. Nhưng ngay lập tức, bà lánh sang hướng khác vì hiểu rằng con đang gánh trên mình trọng trách thiêng liêng.

Ông Thái Văn Vũ trao cho con trai Thái Gia Bảo chiếc khăn rằn của quê hương Củ Chi anh hùng trước khi rời đảo Tốc Tan C Ông Thái Văn Vũ trao cho con trai Thái Gia Bảo chiếc khăn rằn của quê hương Củ Chi anh hùng trước khi rời đảo Tốc Tan C

Sau khi hoàn thành phiên gác, Võ Thành Trung, con trai bà Trần Kim Châu vội vàng tìm mẹ. Tay bắt mặt mừng và được sự đồng ý của cấp trên, Võ Thành Trung dẫn mẹ đi một vòng giới thiệu với đồng đội, nơi học tập, rèn luyện, nghỉ ngơi... Được lợi thế về thời gian vì Trường Sa lớn là nơi đoàn dừng chân lâu nhất, bà Trần Kim Châu được dịp ngắm nhìn từng đường nét trưởng thành, tác phong chững chạc của con trai. Bà cảm nhận được một ý chí vững vàng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của con mình sau hơn 1 năm xa gia đình đến một môi trường mới. Võ Thành Trung chia sẻ, ai đi xa lúc đầu cũng rất nhớ gia đình, nhưng là thanh niên cũng cần có bản lĩnh, đi để cống hiến, đi để trưởng thành và đến được đây, hoàn thành nhiệm vụ góp phần bảo vệ biển đảo quê hương lại càng là một niềm tự hào mà không phải ai cũng có được.

Khép lại chuyến hải trình, không riêng gì bà Nguyễn Thị Lành, ông Thái Văn Vũ, bà Trần Thị Kim Châu và toàn đoàn, ai cũng mang về cho mình một niềm tin mãnh liệt vào các lực lượng trú đóng nơi hải đảo biên cương của Tổ quốc. Nơi đầu sóng, ngọn gió xa xôi ấy, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân luôn kiên cường bám biển, giữ đảo. Ở những nơi đó có:

“Sao trên mũ là đất trời Tổ quốc

Sắc cờ trên vai sáng mãi niềm tin

Đường ta đi có lý tưởng dẫn đường

Ngọn cờ Đảng là vầng dương chiếu sáng”

(Một bài thơ được khắc trên đảo Cô Lin)

Lâm Thạch Anh

Tag:

File đính kèm