Sign In

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp

17:40 16/03/2023
Ngày 14/3/2023 tại trụ sở Ban Kinh tế Trung ương đã triển khai 02 cuộc Tọa đàm phục vụ Đề án “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp” (sau đây gọi tắt là Đề án) trình Ban Bí thư. Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Biên tập xây dựng Đề án chủ trì tọa đàm.

Tham dự tọa đàm vào buổi sáng có sự tham dự của các chuyên gia đến từ các cơ quan nhà quản lý quản lý trong lĩnh vực liên quan; vào buổi chiều có sự tham dự của một số chuyên gia và đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong phát triển và đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp và các thành viên Thường trực Tổ Biên tập Đề án.

Đồng chí Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển phát biểu làm rõ mục đích, ý nghĩa và kế hoạch triển khai Đề án; nêu các vấn đề lớn liên quan đến phát triển nhà ở xã hội nói chung và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực nhà ở xã hội nói riêng cần xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học.

Đồng chí Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm

Đồng chí Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển hoan nghênh các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp đã tham dự tọa đàm trong bối cảnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp đang ngày càng trở nên cấp thiết ở nước ta. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XIII; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 vừa được Chính phủ ban hành đều đã định hướng  thúc đẩy phát triển nhà ở, nhà ở cho công nhân, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành ít nhất khoảng 1 triệu căn nhà ở xã hội. Đồng chí mong muốn các đại biểu nêu ý kiến thẳng thắn, tập trung vào: (1) Khái niệm, nội hàm tên và phạm vi xây dựng báo cáo của Đề án; (2) Vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ của cơ chế, chính sách và nguồn lực đề phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp; (3) Kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm của các doanh nghiệp về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp từ đó đề ra các giải pháp về tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

GS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân phát biểu tại tọa đàm

Buổi Tọa đàm thu được nhiều ý kiến phân tích với góc độ chuyên môn như: Về mở đường, tạo điều kiện, cơ chế cho các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường đầy tiềm năng; phát triển nhà ở theo hướng thương mại, phát triển thị trường, quy hoạch đô thị. Nhiều nội dung được tham vấn xuất phát từ thực tiễn được các chuyên gia quan tâm như khía cạnh xã hội của nhà ở thu nhập thấp; bài toán về thị trường nhà ở; xác định đúng đối tượng của nhà ở có thu nhập thấp.  

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện các doanh nghiệp đã tham gia trao đổi, thảo luận với nhiều ý kiến sâu sắc, nhiều phân tích chuyên sâu xoay quanh các vấn đề về nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp như: Tên gọi của Đề án, khái niệm và nội hàm của “Nhà ở xã hội”, “Nhà ở cho người thu nhập thấp”, “nhà ở vừa túi tiền”, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ, đồng bộ các cơ chế, chính sách pháp luật liên quan như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư; thực trạng tồn tại, những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp để từng bước tháo gỡ tồn tại, hướng đến giải quyết vấn đến cung và cầu cho nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Tọa đàm thu được nhiều ý kiến phân tích với góc độ chuyên môn như: Quan điểm về phát triển nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cách tiếp cận về nhà ở xã hội phù hợp với văn hóa của  người Việt Nam (là sở hữu hay chỉ cho thuê); tạo điều kiện, cơ chế cho các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường đầy tiềm năng; phát triển nhà ở theo hướng thương mại có giá thành phù hợp để đáp ứng nhu cầu của những người không đủ điều xét mua nhà ở xã hội; phát triển thị trường, quy hoạch gắn với phát triển nhà ở xã hội; phát triển nhà ở xã hội trong tổng thể thị trường bất động sản và nhà ở; góp phần an sinh xã hội, thị trường bất động sản phát triển cân đối, bền vững hơn; xác định đối tượng mua nhà ở xã hội; vấn đề chuyển nhượng nhà ở xã hội sau 5 năm, v.v. 

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV phát biểu tại tọa đàm

Các chuyên gia cũng thảo luận sôi nổi về các vấn đề liên quan như: Kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển nhà ở xã hội của các địa phương như Hải Phòng; sự quan tâm của chính quyền địa phương về bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; thực trạng nhà ở cho công nhân lao động;  những bài học trong tạo điều kiện phát triển Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ tiết kiệm xã hội của các nước phát triển trên thế giới như Hàn Quốc, Singapore, Đức, Trung Quốc cũng nên được tham khảo, làm kinh nghiệm cho nước ta trong giai đoạn hiện nay; các ý kiến chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ doanh nghiệp trong nước đầu tư nhà ở xã hội…

Ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng phát biểu tại tọa đàm

Kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển cảm ơn các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp dự tọa đàm đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc. Đồng chí nhấn mạnh, các ý kiến tại tọa đàm hôm nay sẽ được ghi nhận, tổng hợp để phục vụ công tác xây dựng báo cáo Đề án trình Ban Bí thư./.

Quang cảnh tọa đàm

 

Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế

Tag:

File đính kèm