Sign In

Hội thảo: “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023: Ổn định và phát triển thị trường bất động sản”

09:36 21/04/2023
Ngày 21/04/2023, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023: Ổn định và phát triển thị trường bất động sản”, công bố ấn phẩm “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2022”. TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tham dự, đồng chủ trì hội thảo. Đồng chủ trì có TS. Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân. Hội thảo có sự tham dự của hơn 300 đại biểu là Lãnh đạo các bộ, ban, ngành cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức quốc tế.

 

TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu đề dẫn hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn và bất định, kinh tế Việt Nam năm 2022 đã đạt mức tăng trưởng vượt trội ngay sau giai đoạn tăng trưởng suy giảm sâu do đại dịch COVID-19. Lạm phát và kinh tế vĩ mô về cơ bản là ổn định. Tuy nhiên, một số vấn đề của nền kinh tế vẫn còn tồn tại, đặc biệt là sự lành mạnh của hệ thống tài chính tiền tệ còn chưa được cải thiện, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Một trong những điểm nghẽn có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống tài chính tiền tệ là thị trường bất động sản (BĐS) còn nhiều rủi ro bất ổn và chưa được phát triển một cách bền vững.

TS. Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kết luận hội thảo

GS.TS Phạm Hồng Chương cho rằng, thực tiễn trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả tích cực, thị trường BĐS còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, và phát triển thiếu lành mạnh. Thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngược lại, thị trường BĐS thiếu ổn định, giá cả bất hợp lý hoặc trầm lắng kéo dài sẽ có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho người dân và gây ra nhiều hệ lụy xã hội. Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho biết, ấn phẩm “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2022” thể hiện tiếng nói của các nhà khoa học trong trường về các vấn đề của nền kinh tế. Bên cạnh đánh giá tổng quan chung nền kinh tế, đã lựa chọn chủ đề đánh giá thực trạng thị trường BĐS cũng như cảnh báo những rủi ro và bất ổn của thị trường này. Nghiên cứu sẽ là cơ sở quan trọng để đưa ra các khuyến nghị chính sách để ổn định và phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng một cách bền vững.

GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân phát biểu khai mạc

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, năm 2022, kinh tế thế giới đứng trước những thách thức lớn. Kinh tế Việt Nam năm 2022 mặc dù không tránh khỏi những tác động bất lợi nhưng đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Bước sang năm 2023, kinh tế Việt Nam dự báo gặp nhiều khó khăn; yếu tố bất lợi kép từ bên ngoài và bên trong cùng những vấn đề mới phát sinh khó lường, chưa dự báo được tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước ta trong bối cảnh dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng rõ nét hơn; lạm phát vẫn duy trì ở mức cao; rủi ro địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn khiến chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn, bảo hộ thương mại - đầu tư có xu hướng tăng. Cùng với đó, rủi ro tài chính - tiền tệ, thanh khoản, bất động sản toàn cầu còn ở mức cao, tác động đến thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản của Việt Nam. Kết quả Quý I năm 2023 vừa qua đã cho thấy những khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam ngày càng hiện hữu. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần có đánh giá một cách tổng thể, phân tích, dự báo sát tình hình trong và ngoài nước, chủ động đưa ra các kịch bản, giải pháp trọng tâm cho cả trước mắt và lâu dài.

 

GS.TS. Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế quốc dân đã trình bày nội dung ấn phẩm “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2022”

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển nêu rõ, Một trong những điểm nghẽn cần đột phá trong năm 2023 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính là thị trường bất động sản. Nếu giải quyết tốt được thị trường bất động sản sẽ giúp lành mạnh hóa thị trường tiền tệ - vốn, phát triển các ngành công nghiệp liên quan như xi măng, thép, đồng thời giải quyết được số lượng lớn việc làm. Thực tiễn cho thấy, thị trường bất động sản Việt Nam đang cần phải giải quyết các vấn đề lớn, đó là: (i) sự lệch pha về cung cầu nhà ở thương mại và nhà ở xã hội; (ii) giá bất động sản còn cao và còn thiếu sự kiểm soát và điều tiết; (iii) nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về tài chính.

Ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam phát biểu tham luận

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định, Hội thảo hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tính thời sự và cấp thiết cao. Đồng chí đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo tập trung trao đổi, làm rõ các vấn đề quan trọng như: Tập trung vào phân tích, đánh giá làm rõ bối cảnh và các xu hướng lớn của thế giới và khu vực năm 2023 và những năm tiếp theo. Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức vượt qua những thách thức lớn mà các nền kinh tế hiện nay đang cùng phải đối mặt, đặc biệt là từ xu hướng kép vừa suy thoái vừa lạm phát cao đang diễn ra ở nhiều nền kinh tế... Tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ thực chất những yếu tố nào đang đe dọa các nền tảng vĩ mô của kinh tế Việt Nam, những nguy cơ nào đối với các cân đối lớn của nền kinh tế. Đánh giá thực trạng thị trường bất động sản Việt Nam, nhận diện và làm rõ các bất ổn, nguyên nhân của những bất ổn này. Đề xuất các kịch bản phát triển; đưa ra những khuyến nghị, đề xuất về chủ trương, chính sách hoặc các biện pháp cụ thể để chủ động ứng phó, xử lý hiệu quả các vấn đề đang đặt ra đối với Việt Nam cả trong trước mắt 2023 và trong những năm tiếp theo. Đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm ổn định và phát triển thị trường bất động sản, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tham luận

Tại hội thảo, GS.TS. Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế Quốc dân đã trình bày nội dung ấn phẩm “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2022”. Ấn phẩm nhằm mục tiêu tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2022, nêu rõ thành tựu, tồn tại, đánh giá nguyên nhân, phân tích và đề xuất, khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo. Báo cáo cũng đánh giá thị trường bất động sản, cảnh báo nguy cơ bất ổn của thị trường bất động sản, từ đó đề xuất các khuyến nghị về chính sách nhằm ổn định thị trường bất động sản, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.

Phiên thảo luận mở của hội thảo

Hội thảo đã nghe các tham luận: “Cơ hội và thách thức cho kinh tế Việt Nam dưới tác động từ kinh tế thế giới năm 2023” do ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện của IMF tại Việt Nam trình bày; tham luận “Thị trường bất động sản 2022 và giải pháp phát triển” của GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân. Các diễn giả tại hội thảo cũng đã thảo luận sôi nổi về các vấn đề như: Làm rõ bối cảnh quốc tế và những tác động của thế giới đến kinh tế Việt Nam năm 2022; Đánh giá diễn biến kinh tế Việt Nam năm 2022 thông qua các khu vực chính của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực đối ngoại, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách); thành tựu và những hạn chế, đánh giá nguyên nhân của những hạn chế; Đánh giá thực trạng thị trường BĐS trên các khía cạnh khác nhau, chỉ ra những nguy cơ bất ổn trên thị trường BĐS, phân tích nguyên nhân của các bất ổn; Phân tích những cơ hội và thách thức trong năm 2023; đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023 từ đó khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo; Đề xuất các khuyến nghị chính sách và hệ thống các giải pháp cụ thể nhằm ổn định và phát triển thị trường BĐS, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, những phân tích xác đáng, có tính khoa học sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học để giúp Kinh tế Việt Nam vững vàng vượt qua thách thức và tận dụng hiệu quả các cơ hội. TS. Nguyễn Minh Sơn cũng đánh giá cao ấn phẩm “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2022” là cơ sở quan trọng để đưa ra khuyến nghị chính sách để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Những ý kiến tại hội thảo hôm nay sẽ được các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ chắt lọc để đưa vào các chủ trương chính sách phát triển kinh tế nước ta trong năm 2023 và những năm tới./.

Quang cảnh hội thảo

Trung tâm Thông tin Phân tích và Dự báo kinh tế

 

Tag:

File đính kèm