Thành phần Đoàn công tác Việt Nam có sự tham gia của lãnh đạo cấp vụ, cục thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh Tiền Giang, Cà Mau, đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội.
Nhận lời mời của Dự án Thích ứng với Biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (MCRP) do GIZ và SECO chủ trì, Đoàn công tác Việt Nam do đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng Đoàn đã có chuyến khảo sát học tập kinh nghiệm về chính sách liên kết phát triển vùng, quy hoạch, phát triển đô thị bền vững, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng tại Cộng hòa Liên bang Đức và Liên bang Thụy Sĩ từ ngày 06 đến ngày 17 tháng 5 năm 2023. Thành phần Đoàn công tác Việt Nam có sự tham gia của lãnh đạo cấp vụ, cục thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh Tiền Giang, Cà Mau, đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội.
Trong chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm, Đoàn công tác Việt Nam đã có 19 buổi làm việc và học tập, trao đổi với các tổ chức, cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ của Cộng hòa Liên bang Đức và Liên bang Thụy Sỹ, hiệp hội và khu vực tư nhân tại các thành phố Bonn, Dusseldorf và Hamburg của Cộng hòa Liên bang Đức, thành phố Basel và Bern của Liên bang Thụy Sĩ. Tại buổi thăm và làm việc với Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), đồng chí Nguyễn Đức Hiển và Đoàn công tác Việt Nam đã trọng tâm trao đổi, chia sẻ về các lĩnh vực phát triển năng lượng và lâm nghiệp.
Ảnh 1: Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển và Đoàn công tác làm việc tại Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ)
Làm việc với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), ba lĩnh vực ưu tiên đã được Đồng chí Nguyễn Đức Hiển và Đoàn công tác trao đổi, bao gồm: (1) Đào tạo nghề; (2) Chính sách về môi trường và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; (3) Năng lượng.
Ảnh 2: Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển và Đoàn công tác thăm và làm việc với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ)
Tại buổi làm việc với Bộ Kinh tế, Công nghiệp, Hành động Khí hậu và Năng lượng Bang Nordrhein-Westfalen, Đồng chí Nguyễn Đức Hiển và Đoàn công tác Việt Nam bày tỏ ấn tượng với tiềm lực, vị thế của Bang Nordrhein-Westfalen, cảm ơn những kinh nghiệm mà phía Bang chia sẻ về nỗ lực nhằm bảo vệ khí hậu, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và các giải pháp đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2045; cung cấp thông tin về việc Việt Nam đang trong trong quá trình hoàn thiện thể chế để phát triển 6 vùng kinh tế và đề nghị chia sẻ kinh nghiệm về quản lý phát triển đô thị, phát triển hạ tầng liên vùng, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn.
Ảnh 3: Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển và Đoàn công tác làm việc và trao đổi với Hiệp hội Quản lý cấp thoát nước Emschergenossenschaft
Làm việc với Hiệp hội Quản lý cấp thoát nước Emschergenossenschaft, Đoàn công tác Việt Nam đã được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quá trình xây dựng chiến lược và kinh nghiệm trong quản trị nước, phục hồi dòng sông Emscher, quản lý thoát nước, chống ngập và xử lý nước thải. Đồng thời, trình bày chi tiết về dự án được đánh giá là lớn nhất và thành công nhất của Hội là Dự án cải tạo sông Emscher. Đại diện Hiệp hội cũng chia sẻ kinh nghiệm về việc huy động sức mạnh cộng đồng và sự đồng thuận của người dân trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Trong chuyến thăm và làm việc với Hiệp hội vùng đô thị Ruhr, Đoàn đã được nghe giới thiệu về các dự án của Hiệp hội, cụ thể: (1) Dự án xây dựng chiến lược về cơ sở hạ tầng xanh; (2) Dự án công viên tại vùng Ruhr. Đoàn công tác Việt Nam đánh giá cao về những dự án mà Hiệp hội đã triển khai, đồng thời mong muốn phía bạn chia sẻ thêm về các vấn đề: thể chế cho phát triển hạ tầng xanh; tính bắt buộc của hạ tầng xanh trong quy hoạch và chính sách kết hợp giữa “hạ tầng xám” và “hạ tầng xanh”, nhất là trong bối cảnh ko thể chuyển đổi ngay.
Tại buổi làm việc với Sở Kinh tế và đổi mới Hamburg, Đoàn đã nghe trao đổi và thảo luận về chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới trong các lĩnh vực chủ chốt như năng lượng tái tạo, y tế, hàng không vũ trụ, đồng thời hỗ trợ ngành hàng hải thịnh vượng của Hamburg. Trong đó có kinh nghiệm xây dựng và phát triển mạng lưới liên kết năng lượng tái tạo Hamburg, phát triển hydrogen xanh. Cảm ơn những chia sẻ của phía bạn, đồng chí Nguyễn Đức Hiển và Đoàn công tác Việt Nam đánh giá những kinh nghiệm về mô hình quản lý cảng biển cũng như chính sách về đổi mới sáng tạo và phát triển năng lượng tái tạo của Hamburg sẽ rất cần thiết cho việc xây dựng chính sách về chuyển dịch năng lượng và phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Phía Việt Nam Mong muốn có sự hiện diện của đại diện chính quyền thành phố Hamburg tại hội thảo tới tại Việt Nam về chuyển dịch năng lượng do Chính phủ Việt Nam tổ chức.
Làm việc với Sở Quy hoạch đô thị và cảnh quan Hamburg, hai bên đã cùng trao đổi các chủ đề, bao gồm những chiến lược và phương thức tiếp cận mà Hamburg đã và đang xây dựng, thực hiện để thích ứng với những điều kiện đang thay đổi do tác động của biến đổi khí hậu và bối cảnh quy hoạch và phát triển đô thị.
Tiếp tục chương trình làm việc, buổi chiều ngày 11 tháng 5, Đoàn công tác Việt Nam đã có buổi làm việc với Chính quyền Bang Basel với sự tham dự của Giám đốc Sở Môi trường và Năng lượng Basel; Đại diện Hội Kiểm soát Ô nhiễm Nước và Bảo vệ Môi trường Nước và Giám đốc phụ trách Thành phố bọt biển tại Basel. Tại buổi làm việc, Đoàn đã nghe Giám đốc Sở Môi trường và Năng lượng Basel chia sẻ kinh nghiệm về chính sách năng lượng và khí hậu của Bang, những thách thức trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sử dụng có trách nhiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, quản lý rác thải, cải thiện chất lượng nước và không khí. Ngoài ra, Đoàn còn được nghe Đại diện Hội Kiểm soát Ô nhiễm Nước và Bảo vệ Môi trường Nước và Giám đốc phụ trách Thành phố bọt biển tại Basel trình bày và thảo luận về kinh nghiệm xây dựng và thực hiện phương thức tiếp cận thành phố bọt biển của Thụy Sĩ nói chung và chiến lược thành phố bọt biển hiện đang được Bang Basel thực hiện nói riêng. Chiến lược này nhằm tăng cường khả năng thích ứng của thành phố với điều kiện thời tiết cực đoan thông qua tận dụng hệ thống tự nhiên và nhân tạo để thẩm thấu, lưu trữ và làm chậm dòng chảy của nước mưa: thiết kế và duy trì hạ tầng xanh để lưu trữ và quản lý nước mưa.
Tại buổi làm việc với Tổ chức vùng đô thị ba quốc gia, Đoàn công tác Việt Nam đã được nghe đại diện Bang Basel trình bày về hợp tác giữa ba quốc gia: Thụy Sỹ, Pháp và Đức; sự điều phối giữa Thụy Sỹ, Pháp và Đức nhằm tăng cường hợp tác để giải quyết những thách thức chung của khu vực biên giới ba nước.
Tại cuộc làm việc với Hiệp hội liên kết chính quyền bang phía Bắc Thụy Sỹ, Đoàn công tác Việt Nam đã nghe trình bày về chức năng, nhiệm vụ của Hiệp hội. Hiệp hội là một diễn đàn thúc đẩy hợp tác, điều phối giữa bảy bang phía Bắc Thụy Sỹ, liên kết phát triển vùng trong nhiều lĩnh vực bao gồm phát triển kinh tế, giao thông, năng lượng, môi trường và giáo dục. Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường của Hiệp hội, đại diện Hiệp hội cho biết, Hiệp hội luôn nhận thức vấn đề bảo vệ môi trường không chỉ là nhiệm vụ của từng khu vực mà phải có sự hợp tác liên vùng. Hiệp hội đã ban hành Hiến chương về khí hậu với 7 lĩnh vực trọng tâm: tăng cường tiết kiệm năng lượng; sử dụng năng lượng tái tạo, giảm bớt khí thải giao thông, đặc biệt giao thông cá nhân; giới hạn phát thải tại các vùng kinh tế dịch vụ; quy hoạch về lãnh thổ giảm bớt quãng đường di chuyển; các biện pháp thân thiện với khí hậu được đưa vào quy hoạch; thúc đẩy về đổi mới tạo ra cơ hội về chuyển đổi số; quan trắc môi trường.
Làm việc với Mạng lưới các Tổ chức về Năng lượng và Khí hậu và Dự án Quy hoạch Đô thị ba vùng đất Project 3-Land, Đoàn công tác Việt Nam đã nghe trình bày và trao đổi về chức năng nhiệm vụ của Mạng lưới các tổ chức về năng lượng và khí hậu, cơ cấu tổ chức, mục tiêu, mục đích, chiến lược để đạt tới sự phát triển bền vững cho khu vực; nghe phần trình bày về Dự án Quy hoạch Đô thị ba vùng đất Project 3-Land; tham quan cây cầu giữa ba quốc gia nằm giữa Weil và Huningue. Trong buổi làm việc và chuyến thăm, các đại biểu đã tìm hiểu về các hoạt động, sáng kiến, dự án, tác động của Mạng lưới các Tổ chức về Năng lượng và Khí hậu và Dự án Quy hoạch Đô thị ba vùng đất Project 3-Land đối với phát triển kinh tế xã hội của vùng.
Làm việc với Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), đồng chí Nguyễn Đức Hiển đã phát biểu đánh giá cao về những hỗ trợ của Thụy Sĩ cho Việt Nam thông qua SECO, trao đổi về các dự án hiện tại, cơ hội hợp tác trong tương lai, nhất là hỗ trợ của SECO cho hoàn thiện thể chế và chính sách phát triển bền vững, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Các thành viên Đoàn công tác Việt Nam cũng thông tin thêm về dự án ASCB hợp tác giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và SECO. Trao đổi với Đoàn công tác Việt Nam, đại diện SECO đồng tình cao và cho biết, hiện nay, SECO đã ban hành Chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2024 với Việt Nam và các đề xuất của Việt Nam rất tốt cho triển khai cụ thể chương trình này.
Ảnh 4: Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển chủ trì làm việc với Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO)
Làm việc với với Nghị sĩ Quốc hội Liên bang Thụy sĩ, Bà Natalie Imboden, Thành viên Đảng Xanh, Đoàn công tác Việt Nam đã nghe trình bày về sáng kiến “Vì khí hậu lành mạnh”, Quỹ Khí hậu.., bao gồm các bước thực hiện một sáng kiến, vai trò của Quốc hội và Hội đồng Liên bang, tác động tiềm tàng của sáng kiến đối với chính trị và xã hội Thụy Sỹ. Bà Natlie cũng thông tin cho biết, vào tháng 6/2023, Quốc hội Thụy Sĩ sẽ bỏ phiếu về việc thông qua Luật Bảo vệ khí hậu và chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng luật này.
Ảnh 5: Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển chủ trì làm việc với Nghị sĩ Quốc hội Liên bang Thụy Sỹ, Bà Natalie Imboden, Thành viên Đảng Xanh,
Tại buổi làm việc với Tổng cục Khí tượng và Khí hậu Liên bang Thụy Sỹ, hai bên đã trao đổi, thảo luận về dữ liệu thời tiết và cảnh báo về thời tiết, xử lý dữ liệu để dự báo thời tiết, quan trắc khí hậu và dự báo khí hậu, vận hành và sử dụng công nghệ, kỹ thuật để chung cấp thông tin chính xác và tin cậy. Theo chương trình làm việc, sau đó Đoàn đã có buổi làm việc với Tổng cục Môi trường Liên bang, trong đó hai bên đã trao đổi và thảo luận về quy định phòng chống ngập úng tại Thụy Sỹ, trách nhiệm của các cấp chính quyền, luật, quy định, hướng dẫn, vai trò của liên bang, bang và chính quyền đô thị trong quản lý ngập úng, biến đổi khí hậu, hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chuyến công tác thăm, khảo sát và trao đổi kinh nghiệm của Đoàn công tác Việt Nam tại Công hòa Liên bang Đức và Liên bang Thụy Sĩ do Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển làm Trưởng Đoàn theo lời mời của GIZ và SECO đã thành công tốt đẹp, được các cơ quan và tổ chức quốc tế đánh giá cao. Kết quả chuyến công tác đã góp phần tăng cường vị thế của Ban Kinh tế Trung ương – cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng cũng như củng cố và tăng trường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Cộng hòa Liên bang Đức và Liên bang Thụy Sĩ./.
Tin bài và ảnh: Trung tâm TT,PT&DBKT phối hợp với Thư ký Đoàn Công tác.