Sign In

Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương khảo sát việc thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW tại Thành phố Hồ Chí Minh

08:34 23/08/2023
Chiều ngày 22/8/2023, Đoàn khảo sát của Ban Kinh tế trung ương do đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban làm trưởng đoàn đã làm việc với Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) về việc thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới (Chỉ thị số 37-CT/TW).

Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và cán bộ, chuyên viên của các Vụ, đơn vị, Ban Kinh tế Trung ương. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải, đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, cùng đại diện các sở, ngành địa phương. 

Đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban phát biểu tại  buổi làm việc với Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Sau khi Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư được ban hành, TP.HCM đã quán triệt, triển khai Chỉ thị một cách kịp thời, đồng bộ đến cơ sở, đến các cấp, các ngành với những nội dung phù hợp để tổ chức thực hiện. Hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên trong quan hệ lao động, UBND TP.HCM đã ban hành Đề án “Phát triển quan hệ lao động tại TPHCM giai đoạn 2022 – 2026”. Đề án đề ra các nhóm giải pháp phát triển quan hệ lao động sẽ triển khai thực hiện, đó là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và hỗ trợ quan hệ lao động của cơ quan Nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong quan hệ lao động; thúc đẩy các hoạt động đối thoại và thương lượng tập thể; nâng cao năng lực và hiệu quả các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp, tham vấn ba bên trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến quan hệ lao động. Thành phố đã hình thành và phát huy có hiệu quả cơ chế chủ động ngăn ngừa các vụ tranh chấp lao động tập thể có thể dẫn đến đình công tự phát,…hình thành và phát huy hiệu quả bước đầu một số thiết chế căn bản để xây dựng quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Kết quả trong 04 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố đã chuyển biến tích cực, quy mô về số vụ, số lượt người tham gia tranh chấp lao động giảm qua các năm. Tính chất tranh chấp lao động đã ôn hòa hơn, thời gian diễn ra các vụ việc tranh chấp giảm, không để diễn ra tình trạng tranh chấp lây lan.

Tuy nhiên, số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách của Thành phố còn mỏng (khoảng 400 người) chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình công nhân, là là thách thức rất lớn khi có tổ chức đại diện khác được thành lập ở doanh nghiệp trong tương lai (hiện trung bình một cán bộ công đoàn phải phụ trách khoảng 50 công đoàn cơ sở, trung bình 2,5 cán bộ công đoàn phụ trách 10.000 đoàn viên công đoàn).

Đồng chí Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại buổi làm việc

Trong giai đoạn mới, TPHCM tiếp tục quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 37-CT/TW về tăng cường xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Xác định nhiệm vụ định kỳ có trọng tâm, trọng điểm, chiều sâu gắn liền với Chương trình công tác năm của Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An đánh giá cao nỗ lực của TP.HCM trong thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW (nhất là trong một thời gian diễn ra đại dịch COVID-19) với nhiều điểm mới như: thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng, tổ chức chính trị – xã hội và quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM; mô hình tổ công nhân tại các khu nhà trọ… Đặc biệt, TP.HCM có chính sách riêng rất tiến bộ cho người lao động như xây dựng nhà ở và các thiết chế văn hoá cho người lao động. Đồng chí Phó Trưởng Ban đề nghị TP.HCM tập trung nâng cao vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức Đảng, nhất là tại các khu công nghiệp; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở; tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền để nâng cao nhận thức, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động; thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể một cách thực chất trong xác lập điều kiện lao động.

Buổi sáng cùng ngày, Đoàn công tác đã khảo sát tại 02 doanh nghiệp tại Khu chế xuất Tân Thuận là: Công ty cổ phần VNG (Vinagame) và Công ty TNHH hệ thống truyền động NIDEC Việt Nam (là công ty FDI của Nhật Bản)./.

Tin, ảnh: Hữu Tuấn, Vụ Xã hội

Tag:

File đính kèm