Tham gia Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đồng chí Đỗ Ngọc An phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Lai Châu
Tại tỉnh Lai Châu, đồng chí Vũ Mạnh Hà, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng đại diện lãnh đạo một số sở ngành, huyện thị tham gia buổi làm việc.
Tại tỉnh Điện Biên, đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở ngành, huyện thị, đại diện một số tổ tiết kiệm vay vốn, đại diện người hưởng lợi chương trình tín dụng chính sách xã hội tham gia buổi làm việc.
Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng được các cấp ủy đảng, chính quyền hai tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện một cách thống nhất và đồng bộ. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai kịp thời, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Các cấp ủy đảng, chính quyền xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động của địa phương, đơn vị.
Sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư được ban hành, Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND hai tỉnh đều kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện. Nguồn vốn tính dụng chính sách xã hội tăng trưởng hàng năm (bình quân trên 12%). Trong điều kiện nguồn lực của hai tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội (giai đoạn 2014 - 2022, Điện Biên tăng 4,5 lần; Lai Châu tăng 7,9 lần). Đồng thời quan tâm tích hợp các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số mô hình hay có thể kể ra như vay vốn tín dụng phát triển chè cây cao tại huyện Tủa Chùa; trồng cà phê huyện Mường Ảng; trồng dứa tại huyện Mường Chà; trồng lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm tại huyện Điện Biên, trồng cây mắc ca tại huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên); trồng chanh leo (tỉnh Lai Châu). Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ngày một hiệu quả, giúp các đối tượng chính sách kịp thời tiếp cận vốn vay, phục vụ sản xuất, tạo việc làm và tham gia học tập, từ đó từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Quang cảnh buổi làm việc tại tỉnh Điện Biên
Kết luận các buổi làm việc, đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao kết quả hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên đã đạt được trong thời gian qua. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, chương trình tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ nghèo giảm hàng năm, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt, niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước ngày càng nâng cao. Trong thời gian tới, Đồng chí đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW, đặc biệt quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội, nhằm tăng nguồn lực cho việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tin bài: Bùi Thị Kiều Ly, Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương