Tham dự Hội thảo có khoảng 150 đại biểu là đại diện các cơ quan tham mưu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; một số bộ, ban, ngành; các tổ chức trong nước và quốc tế có liên quan đến chủ đề hội thảo; các thành viên Tổ Biên tập xây dựng Đề án sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu; các hội, hiệp hội và doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn
Phát biểu khai mạc và đề dẫn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, hội thảo hôm nay nằm trong các hội thảo về các nhóm nguồn lực, để có thêm luận cứ phục vụ cho xây dựng Đề án sơ kết 05 năm thực hiện nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị Khóa XII về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Đồng chí cho biết, để triển khai công tác sơ kết, hiện nay Ban Kinh tế Trung ương đã nhận được đầy đủ báo cáo của 63 tỉnh thành, các đảng đoàn, ban cán sự đảng các cơ quan và Ban sẽ tổng hợp, hoàn thiện các báo cáo trình Bộ Chính trị.
TS. Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam phát biểu chào mừng
Trên cơ sở đó, đồng chí Nguyễn Đức Hiển nêu gợi mở để các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng thảo luận, phân tích, làm rõ, chỉ ra các nguyên nhân khách quan, chủ quan về các vấn đề quan trọng như: (1) Thực tiễn triển khai quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 39; đặc biệt là quan điểm về đa dạng hóa các hình thức huy động, sử dụng nguồn lực ngoài nhà nước trong lĩnh vực tài chính, cơ chế về PPP; những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai một số cơ chế chính sách đặc thù được nêu ra trong các chủ trương của Đảng như Nghị quyết 29 về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nghị quyết 06 về đô thị…; (2) Những định hướng để khơi thông nguồn lực ngân sách nhà nước; về phân bổ các nguồn lực phát triển kinh tế trong các ngành, lĩnh vực; vấn đề quản lý nợ công (3) Đánh giá thực tiễn về vấn đề tài chính, tiền tệ, lĩnh vực ngân hàng; (4) Sự phát triển, việc quản lý các thị trưởng vàng, ngoại tệ, trái phiếu và các thị trường khác để khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực này; (5) Đánh giá các mô hình quốc tế để tham khảo trong thực tiễn Việt Nam (6) Các ý kiến phân tích, đề xuất về mô hình để khơi thông các nguồn lực hiện có, thu hút nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế.
TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phát biểu tham luận
Trước đó, ông Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Tổng Biên tập VnEconomy nhấn mạnh tầm quan trọng của hội thảo hôm nay; mong muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia kinh tế, tài chính và thông tin thực tiễn từ cộng đồng doanh nghiệp về phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính để phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn mới, nhất là các vấn đề mới như tài chính xanh, NetZero…, qua đó có thêm luận cứ khoa học, thực tiễn giúp Ban Kinh tế Trung ương thực hiện nhiệm vụ sơ kết Nghị quyết 39.
Ông Lê Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Dự báo, Thống kê, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tham luận
Ông Chử Văn Lâm cũng cho biết, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và VnEconomy sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan liên quan để đem đến những thông tin xác thực, hiệu quả, giúp cộng đồng hiểu thêm về các vấn đề phát triển bền vững kinh tế đất nước.
Tại hội thảo, các đại biểu đã báo cáo tham luận về một số nội dung lớn như: Nguồn lực tài chính bảo đảm phát triển kinh tế ổn định, bền vững; Hoạt động điều hành chính sách tiền tệ và cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng nhằm khơi thông nguồn lực tài chính đối với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2019-2024; Huy động các nguồn tài lực cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2019-2024 theo Nghị quyết 39. Bên cạnh đó, đại diện các nhà đầu tư nước ngoài cũng trình bày một số kiến nghị, đề xuất để tạo cơ chế thu hút các nguồn lực tài chính.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV phát biểu tham luận
Các phiên thảo luận của Hội thảo đã thu được nhiều ý kiến đề xuất, khuyến nghị. Phiên thảo luận 1 về “Mô hình và các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội nhằm khơi thông nguồn lực tài chính phát triển kinh tế - xã hội” tập trung phân tích về các nguồn lực của nền kinh tế bao gồm tài chính công, thị trường tiền tệ, thị trường vốn, và các nguồn lực khác như đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, bảo hiểm, đất đai..., những vướng mắc, rào cản cần tháo gỡ. Từ đó, đưa ra các gợi ý, khuyến nghị về mô hình, chính sách, cơ chế, nhằm phát huy, nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương phát biểu tham luận
Phiên thảo luận 2 về “Thu hút và phát huy hiệu quả tài chính xanh, tài chính khí hậu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới” tập trung vào 3 nhóm vấn đề trọng tâm của tài chính xanh bao gồm thị trường tín dụng xanh; thị trường trái phiếu, cổ phiếu xanh; thị trường carbon – tín chỉ carbon; phân tích thực trạng, tiến trình, những khó khăn của các thị trường này từ góc nhìn của các chủ thể là doanh nghiệp, quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính. Trên cơ sở đó, hiến kế các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy phát triển bền vững tài chính xanh, cung ứng hiệu quả nguồn vồn xanh cho nền kinh tế.
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cảm ơn các đại biểu, chuyên gia và các doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, có trách nhiệm về cách tiếp cận đầy đủ về phát huy, sử dụng đồng bộ các nguồn lực tài chính. Hội thảo đã thu được nhiều ý kiến về đa dạng hóa các nguồn lực, trong đó có nguồn lực tư nhân, nguồn lực quốc tế…; các ý kiến về cách thức khai thác, đầu tư phân bổ; cho rằng cần có cách tiếp cận mạnh dạn và có thí điểm. Một số ý kiến bàn về đa dạng hóa, đồng bộ hóa các nguồn lực; cách tiếp cận các định chế mới; về thay đổi cơ chế về thu hút các quỹ đầu tư. Một số ý kiến đồng tình cần coi thể chế, chính sách là nguồn lực quan trọng; sớm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách vượt trội, các mô hình đặc thù. Các đại biểu cũng thảo luận về đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; tiếp cận tài chính xanh, tài chính khí hậu…
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, Ban Kinh tế Trung ương, Tổ Biên tập sẽ tiếp thu, tổng hợp và chắt lọc các ý kiến tại Hội thảo hôm nay trong quá trình xây dựng Đề án sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW nói riêng và các báo cáo chuyên đề tham mưu cho Đảng nói chung./.
Quang cảnh Hội thảo
Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế