Thực hiện Kế hoạch nghiên cứu Đề tài “Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan tư pháp" của Ban Nội chính Trung ương, ngày 19/7, Ban Chủ nhiệm Đề tài tổ chức Tọa đàm "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan tư pháp” với sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Chủ nhiệm Đề tài. Tham dự tọa đàm có các nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn và một số lãnh đạo cấp Vụ, cán bộ Ban Nội chính Trung ương.
|
Toàn cảnh Tọa đàm |
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thanh Hải cho biết, thời gian qua, tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn biến phức tạp, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, trong đó có các cơ quan tư pháp gây ảnh hưởng nhất định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp, qua đó làm giảm lòng tin của nhân dân vào các cơ quan này; do đó, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) nói chung, PCTNTC trong các cơ quan tư pháp nói riêng, thì cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTNTC trong các cơ quan này.
|
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Chủ nhiệm Đề tài chủ trì Tọa đàm |
Tại buổi Tọa đàm, các ý kiến tham luận đã phân tích rõ ý nghĩa, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTNTC trong các cơ quan tư pháp; nội dung phương thức lãnh đạo, các tiêu chí đánh giá hiệu quả và những kết quả nổi bật về sự lãnh đạo của Đảng trong thời gian qua đối với công tác PCTNTC trong các cơ quan tư pháp. Để nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTNTC trong các cơ quan tư pháp, một số đại biểu đã đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, nhất là các giải pháp về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án… tạo nền tảng pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, hạn chế các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quá trình giải quyết vụ án; tiếp tục hoàn thiện các thiết chế tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân; bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; đồng thời, hạn chế thấp nhất tác động của mối quan hệ hành chính - mệnh lệnh trong hoạt động của các cơ quan tố tụng; kiểm soát quyền lực trong hoạt động của các cơ quan tố tụng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là các chức danh tư pháp ngày càng chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức trong sáng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chính sách, chế độ đãi ngộ để cán bộ tư pháp yên tâm công tác, tránh bị tác động của các cám dỗ, tiêu cực khi thực thi nhiệm vụ.
Kết thúc Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Đề tài ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận; cho rằng các ý kiến tham luận tại buổi Tọa đàm sẽ được Ban Chủ nhiệm đề tài tổng hợp, tiếp thu, nghiên cứu để hoàn thiện kết quả nghiên cứu của Đề tài, đồng thời cho rằng, những giải pháp được đề xuất sẽ là tư liệu rất quan trọng để Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tham khảo trong quá trình tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTNTC và cải cách tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong thời gian tới.
Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)