Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ chính là kiểm soát cán bộ, đảng viên. Sinh thời, Người khẳng định và luôn nhắc nhở: “Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Hiện nay, tư tưởng về cán bộ và công tác cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang tính thời sự và có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là khi chúng ta đã và đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống sự tha hóa quyền lực, chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, “lợi ích nhóm”.
|
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ
Ngay từ những ngày đầu thiết lập chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định mô hình nhà nước của Việt Nam là Nhà nước dân chủ nhân dân. Người viết: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra”(1) và Người nhấn mạnh rằng, bản chất Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân…
Hồ Chí Minh dặn dò cán bộ: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(2). Người còn chỉ rõ cơ chế nhân dân giao quyền cho cơ quan nhà nước thông qua bầu cử theo nguyên tắc: “Việc tuyển cử tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”(3).
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến việc cá nhân nắm quyền lực. Người nhiều lần nhấn mạnh rằng, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Quyền lực có được sử dụng đúng hay không phụ thuộc rất lớn vào cán bộ, mà để có cán bộ tốt, trước hết phải thực hiện tốt công tác cán bộ. Đối với người có quyền lực, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, không phải làm cán bộ để “thăng quan phát tài”, để làm “quan cách mạng”, mà để làm người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân. Người quan niệm “đức” là gốc của cán bộ. Người phê phán cán bộ thoái hóa, mô tả họ là những người “vác mặt quan cách mệnh” để “đè đầu cưỡi cổ nhân dân”, “dán trên trán hai chữ cộng sản” để lòe dân. Đặc biệt, Hồ Chí Minh luôn quan tâm uốn nắn cán bộ, tránh cho họ khỏi đi vào con đường tham ô, lãng phí, quan liêu. Người gọi các tệ nạn đó là “giặc nội xâm”, coi loại giặc này nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm, vì nó phá ta từ bên trong.
Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tha hóa quyền lực, nhất là lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền lực, tham ô, hống hách của cán bộ, đảng viên nói chung, trong công tác cán bộ nói riêng, Người đòi hỏi các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và cán bộ phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”(4). Người cho rằng: Khi đã có chủ trương, đường lối, chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do tổ chức công việc, lựa chọn cán bộ và kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích. Hồ Chí Minh phê bình nhiều cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị mà không quan tâm xem những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”(5) và Người khẳng định: “Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ cấp nào, ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của Nhân dân”(6). Người còn chỉ rõ: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của mỗi cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”(7).
Người đặc biệt nhấn mạnh phải thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát công tác tổ chức cán bộ và cán bộ. Đảng lãnh đạo thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên của mình. Đội ngũ cán bộ tốt sẽ góp phần hoạch định, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối chính trị và mới xây dựng được tổ chức trong sạch, vững mạnh. Người còn chỉ rõ: “Phải kiểm tra công tác của cán bộ, nếu chỉ nghe báo cáo, có khi cán bộ báo cáo không đúng thì lãnh đạo sẽ sai lệch”(8). Hồ Chí Minh rất coi trọng tự phê bình và phê bình trong xây dựng Đảng và trong công tác cán bộ: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”(9).
Hồ Chí Minh coi vấn đề sử dụng cán bộ là một nội dung căn bản của khoa học và nghệ thuật trong công tác cán bộ của Đảng. Tư tưởng bao trùm và xuyên suốt trong việc sử dụng cán bộ là phải biết dùng đúng người, đúng việc, phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng trí thức, trọng mỗi người có ích cho công việc chung của chúng ta. Hồ Chí Minh nêu sáu nguyên tắc căn bản mà Đảng của giai cấp công nhân cần quán triệt trong dùng cán bộ.
Đó là: Thứ nhất, phải hiểu biết rõ cán bộ. thường xuyên xem xét, đánh giá cán bộ để phát hiện nhân tài và người thoái hóa, biến chất. Thứ hai, phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng. Nếu người có tài mà không dùng đúng tài của họ, cũng không được việc. Tất nhiên phải thận trọng, tránh sai lầm trong cất nhắc cán bộ. Thứ ba, phải khéo dùng cán bộ. Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Nên phải biết tùy tài mà dùng người cho đúng. Thứ tư, phải phân phối cán bộ cho đúng. Phải dùng người đúng chỗ, đúng việc. Thứ năm, phải giúp cán bộ cho đúng để họ có điều kiện, cơ hội phát huy hết khả năng, điều kiện thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Phải luôn luôn kiểm tra, giám sát, kiểm soát cán bộ. Giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi họ lúc họ làm được việc. Chăm sóc, động viên họ khi họ hoặc người thân trong gia đình họ ốm đau, gặp khó khăn, hoạn nạn. Thứ sáu, phải thương yêu, giữ gìn, bảo vệ cán bộ. Đồng thời, Hồ Chí Minh cũng nêu ra năm phương thức cơ bản trong sử dụng cán bộ: Một là, chỉ đạo: Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ. Nhưng phải luôn luôn tùy theo hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về phương hướng công tác, cách thức công tác, để cho họ phát triển năng lực và sáng kiến của họ đúng với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hai là, nâng cao: Luôn luôn tìm cách cho họ học thêm lý luận và cách làm việc, làm cho tư tưởng, năng lực của họ ngày càng tiến bộ. Ba là, kiểm tra: Thường xuyên kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Bốn là, cải tạo: Khi họ sai lầm thì dùng cách thuyết phục giúp cho họ sửa chữa. Năm là, giúp đỡ: Phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc. Khi họ đau ốm, phải có thuốc thang. Tùy theo hoàn cảnh mà giúp họ giải quyết vấn đề gia đình. Những điều đó rất quan hệ với tinh thần cán bộ và sự thân ái đoàn kết, tính đạo đức, tính nhân văn trong Đảng.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, thì nghệ thuật dùng cán bộ rất quan trọng, Người chỉ rõ: “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”(10). Và Người khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(11). Hồ Chí Minh cũng lưu ý và nhấn mạnh ba điểm quan trọng trong công tác cán bộ: Thứ nhất, khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, chính kiến của mình. Thứ hai, khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc, có gan nhận và chịu trách nhiệm của mình. Thứ ba, không nên tự tôn, tự đại, mà phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới.
Hồ Chí Minh cho rằng, để làm tốt công tác cán bộ phải dựa trên cơ sở duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học của chủ nghĩa MácLênin và thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ. Người chỉ rõ: “tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung”(12) và Người lý giải rõ: “Vì sao cần phải có tập thể lãnh đạo? Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của vấn đề đó. Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì vấn đề đó được thấy rõ khắp mọi mặt.
Mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm”(13) và “Việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi, thì cần phải giao cho một người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy”(14). thực hành dân chủ là vấn đề cơ bản nhất trong công tác cán bộ, nhằm khai thác sức mạnh của tập thể trong xây dựng đội ngũ cán bộ. thực chất của nguyên tắc tập trung dân chủ chính là yêu cầu người làm công tác tổ chức cán bộ và cán bộ, đảng viên phải biết gắn trách nhiệm với quyền hạn được trao. Hồ Chí Minh cho rằng, khi trở thành Đảng cầm quyền, nắm trọn công tác tổ chức cán bộ thì nhiều cán bộ, đảng viên lại thiếu rèn luyện, tu dưỡng dẫn đến tha hóa quyền lực.
Ngay khi Cách mạng tháng tám thành công, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trên Báo Cứu quốc ra ngày 12/10/1945, với bút danh Chiến thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án tệ nạn này: “... Dân ghét các ông Chủ tịch, các ông Ủy viên vì cái tật ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng, có được mấy khẩu súng lục trong túi lúc nào cũng lăm le muốn bắn, đeo chiếc kiếm bên mình lúc nào cũng chỉ chực muốn chặt người ta. Người ta còn bĩu môi nói đến bà “phủ trưởng” nọ bận quần áo chẽn, tóc cắt ngắn cưỡi ngựa đi rong khắp chỗ mà chẳng có việc gì, người ta còn thì thào chỉ chỏ ông tỉnh trưởng kia vác ô tô đưa bà “tỉnh trưởng” đi chơi mát mỗi buổi chiều”(15).
Sau đó, ngày 17/10/1945, trong “thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhiều người phạm những lỗi lầm rất nặng nề, trong đó có hàng loạt lỗi lầm chung quanh việc lạm dụng khi có quyền lực trong tay” và cậy thế mình trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng, phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân” và Người đã nghiêm khắc phê phán những cán bộ vừa mới nắm giữ chức quyền đã vác mặt “quan cách mạng” với những biểu hiện: “trái phép, Cậy thế, Hủ hóa, tư túng, Chia rẽ, Kiêu ngạo”(16). Đến năm 1952, Hồ Chí Minh lại chỉ rõ: “Điều đó tỏ rõ ra ở mỗi khuyết điểm như: Không nắm vững chính sách trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh; không phân biệt rõ ràng bạn và địch, bệnh quan liêu, công thần và nạn tham ô, hủ hóa khá nặng...”(17) và Người cảnh báo: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(18).
Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ chính là kiểm soát cán bộ, đảng viên. Người luôn nhắc nhở phải bảo đảm sự thống nhất về bản chất của mối quan hệ quyền lực trong hệ thống chính trị. Điều này còn được thể hiện ở tính nhất quán trong các bản Hiến pháp qua các thời kỳ. Tính nhất quán đó được minh chứng bằng tính ổn định của thể chế suốt nhiều thập kỷ qua. Đó là: Vai trò lãnh đạo, vị trí cầm quyền chỉ do Đảng Cộng sản Việt Nam nắm giữ và mối quan hệ kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. trước lúc ra đi, Người còn khẳng định và nhắc nhở: “Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm thuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(19) và “Đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất cần thiết và rất quan trọng”(20). Công tác cán bộ phải có vai trò quyết định trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”...
Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ vẫn mang tính thời sự và có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi chúng ta đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống sự tha hóa quyền lực, chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, “lợi ích nhóm”,... nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nâng cao năng lực lãnh đạo, trình độ cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Song, thật là vô lý, nếu chúng ta đòi hỏi Hồ Chí Minh phải trả lời tất cả mọi vấn đề mà cuộc sống hiện nay đang đặt ra. Nhưng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là lý luận và phương pháp luận khoa học, là thế giới quan và nhân sinh quan đúng đắn đối với nhân loại mà cho tới nay chưa có học thuyết nào thay thế được; và là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng ta.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về liêm, chính trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên
2.1. Liêm của đội ngũ cán bộ, đảng viên
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần luận bàn về cần, kiệm, liêm, chính. theo Người, “Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy, mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”(21). Người còn luận giải đầy đủ và sâu sắc hơn về “liêm” với những điểm chủ yếu như “Liêm là trong sạch, không tham lam”(22) và chỉ rõ sự vận động, phát triển của khái niệm này: “Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là Liêm, chữ liêm ấy, chỉ có nghĩa hẹp. Cũng như ngày xưa trung là trung với vua. Hiếu là hiếu với cha mẹ mình thôi. Ngày nay, nước ta là Dân chủ, Cộng hòa, chữ Liêm có nghĩa rộng hơn; là mọi người đều phải Liêm. Cũng như trung là trung với tổ quốc, hiếu là hiếu với nhân dân; ta thương cha mẹ ta, mà còn phải thương cha mẹ người, phải cho mọi người phải biết thương cha mẹ”(23). Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm và nhấn mạnh đến sự liêm của cán bộ, đảng viên. Trong “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đảng xác định ba tiêu chuẩn chung của cán bộ, trong đó chỉ rõ tiêu chuẩn về sự liêm của cán bộ trong quan hệ với tổng thể của cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và nhấn mạnh: “Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng”(24). Nghị quyết Hội nghị trung ương 7 (khóa XII) “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” nhấn mạnh thêm về “tinh thần phục vụ nhân dân dân của cán bộ, công chức, viên chức”(25). Qua hơn 40 năm thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và đứng trước nhiều thời cơ, vận hội mới. Tại Đại hội XIII, Đảng đã quyết định những vấn đề lớn về sự phát triển của đất nước và công tác xây dựng Đảng thời gian tới, trong đó tiếp tục nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ và sự liêm của cán bộ, đảng viên. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Không để lọt những người không xứng đáng, không bảo đảm tiêu chuẩn, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp…”(26). “Giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; đồng thời, có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”(27).
2.2. Chính của đội ngũ cán bộ, đảng viên
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà”(28). Kế thừa và phát triển những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn coi trọng phẩm chất “chính” của cán bộ, đảng viên. “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” nhấn mạnh, cán bộ phải “trung thực, không cơ hội”(29). trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta xác định nhiệm vụ và giải pháp: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”(30). Hiện nay, công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng cùng những thay đổi nhanh chóng của bối cảnh, tình hình thế giới và khu vực, với rất nhiều thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen, đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi rất cao đối với việc thực thi phẩm chất “chính” của cán bộ, đảng viên. Để có thể giữ gìn sự ngay ngắn, đứng đắn trong thực thi chức trách, nhiệm vụ, người cán bộ, đảng viên không chỉ cần có bản lĩnh vững vàng, mà còn phải có đủ năng lực tư duy, năng lực hành động để thật sự “chính danh”, xứng đáng với trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho, vì mục tiêu phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân. Theo đó, nội hàm của khái niệm “chính” cũng cần có sự phát triển, mở rộng, không chỉ có cái cốt lõi là sự ngay thẳng, mà còn phải bao gồm cả những phẩm chất để bảo đảm thực thi sự ngay thẳng trong thực thi chức trách, nhiệm vụ, như dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung.
2.3. Tác hại của sự bất liêm, bất chính của đội ngũ cán bộ, đảng viên
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên là Bất liêm”(31). “Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút hoặc trộm của công làm của tư”, cũng là bất liêm. Người còn chỉ rõ những hành vi của cán bộ trái với chữ “liêm”, bao gồm: “Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm). Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm, là tham vật úy lạo. Gặp giặc mà rút ra, không dám đánh là tham sinh úy tử. Đều trái với chữ Liêm”(32). Cán bộ tham vọng quyền lực sẽ dùng mọi thủ đoạn để có quyền lực và dùng quyền lực, thẩm quyền được giao của mình để trục lợi, như trục lợi về vật chất, tinh thần, danh tiếng, địa vị. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối lập với “chính” là “tà”. Người chỉ rõ, đi liền với “chính” là “thiện”; đi liền với “tà” là “ác”. Như vậy, có thể hiểu, “ác” là “bất thiện”, “tà” là “bất chính”. Người chỉ dẫn: “Trên quả đất có hàng muôn triệu người. Song số người ấy có thể chia thành hai hạng: Người thiện và người Ác. Trong xã hội, tuy có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia thành hai thứ: Việc Chính và việc tà. Làm việc Chính, là người thiện. Làm việc tà, là người Ác”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “bất liêm” gây tác hại rất lớn đối với đất nước, là hiểm nguy của đất nước. Người còn dẫn câu nói của Mạnh tử: “Cụ Mạnh tử nói: “Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy”(33). Như vậy, ngay cả người bình thường, không là cán bộ lãnh đạo, quản lý, mà “bất liêm” cũng sẽ gây tác hại lớn và nguy hại cho đất nước. Do đó, nếu cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, mà “bất liêm”, sẽ gây nguy hại rất lớn cho chế độ, đất nước, dân tộc. trong những hành vi “bất liêm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, tham lam là hành vi nguy hiểm vào bậc nhất, rất đáng xấu hổ và là có tội đối với đất nước, dân tộc: “Mọi người phải nhận rằng tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”(34). Thậm chí, Người còn trích câu nói của Khổng tử: “Người mà không liêm, không bằng súc vật”(35).
Kẻ bất liêm, tất yếu sẽ có những hành vi bất chính, điều này gây ra tác hại rất khôn lường. Những cán bộ bất liêm, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, sẽ làm giảm sút nghiêm trọng lòng tin của nhân dân đối với chế độ, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị; làm giảm uy tín chính trị, thanh danh và vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước, cản trở sự phát triển vững mạnh của đất nước, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
2.4. Mối quan hệ giữa cần, kiệm, liêm, chính
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm. Cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần. Có Kiệm mới Liêm được. Người viết: “Kiệm là thế nào? Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”(36). “Có Kiệm mới có Liêm được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam”(37).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiết kiệm bao gồm tiết kiệm nguyên liệu, tiền bạc, lương thực, giấy bút và thời gian, vì thời giờ là tiền bạc. “tiết kiệm thời giờ của mình, lại phải tiết kiệm thời giờ của người”(38), không làm mất thời giờ của người khác. Người nhấn mạnh: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn”; “tiết kiệm phải kiên quyết không xa xỉ. Việc đáng làm trong một giờ, mà kéo dài đến 2, 3 giờ là xa xỉ. Hao phí vật liệu, là xa xỉ(39). Đặc biệt, Người còn dạy: “Ăn ngon, mặc đẹp trong lúc đồng bào đang thiếu cơm, thiếu áo, là xa xỉ”(40).
“Cần, tức là siêng năng, chăm chỉ dẻo dai”(41). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cần” được thể hiện ở sự siêng năng trên các phương diện chính là: Học tập, suy nghĩ, làm việc. Người còn chỉ rõ, “cần” gồm từng người siêng năng, cả nhà siêng năng, cả làng, xóm siêng năng, cả nước siêng năng, sẽ có vai trò, tác dụng to lớn đối với sự tiến bộ, ấm no, phồn thịnh, giàu mạnh của từng người, gia đình, làng xóm và đất nước. “Cần thì việc gì, dù khó khăn mấy cũng làm được”(42). “Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khỏe… Người siêng năng thì mau tiến bộ. Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no. Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng năng thì nước mạnh, giàu”(43). “Cần với Kiệm, phải đi đôi với nhau, như hai chân của một con người”(44). Theo đó, “cần” mà không “kiệm” cũng như “kiệm” mà không “cần” sẽ gây tác hại rất lớn.
Quan hệ giữa “liêm” với “kiệm” và “cần” trong đạo đức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, có vai trò, tác dụng to lớn. Bởi vì, hoạt động của đội ngũ này liên quan trực tiếp đến sự trong sạch, vững mạnh, uy tín chính trị của Đảng, Nhà nước và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển vững mạnh của đất nước, đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Giữa các phẩm chất “chính”, “cần”, “kiệm”, “liêm” của mỗi người nói chung, của đội ngũ cán bộ nói riêng, có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong đó, “cần”, “kiệm”, “liêm” là gốc rễ của “chính”(45). Theo chiều ngược lại, “chính” lại là một yếu tố rất quan trọng, cùng với “cần”, “kiệm”, “liêm” tạo nên từng cán bộ và đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”, hoàn thiện về mọi mặt. Người viết: “Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn”(46).
Đặc biệt, “liêm” và “chính” của đội ngũ cán bộ, đảng viên có mối quan hệ mật thiết với nhau. Sự “liêm” của cán bộ là gốc rễ, động lực để cán bộ rèn luyện, là cơ sở cho sự thẳng thắn, đứng đắn, cương trực (chính) của cán bộ. Điều này có nghĩa là, trong mọi hoạt động thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và trong sinh hoạt thường nhật, người cán bộ không có suy nghĩ và hành vi khuất tất, mờ ám (chính), khi và chỉ khi họ đã tuân thủ những yêu cầu nghiêm khắc của sự “liêm”, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn lối sống trong sạch, lành mạnh, không tham lam (liêm).
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.6, tr.232.
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2000, t.4, tr. 64-65.
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.12, tr.375.
(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG-ST, H.2002, t.12, tr.375.
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CCTQG-ST, H.2000, t.5, tr.122.
(6) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG-St, H.2002, t.13, tr.83.
(7) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1995, t.5, tr.636.
(8) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1996, t.9, tr.309.
(9) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CCTQG-ST, H.2002, t.5, tr.272.
(10) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1995, t.5, tr.320.
(11) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG-ST, H.2011, t.5, tr.280.
(12) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXb. CTQG-ST, H.2002, t.5, tr.620.
(13) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1995, t.5, tr.619.
(14) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1995, t.5, tr.619.
(15) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG-ST, H.2011, t.4, tr.51.
(16) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1995, t.4, tr.65 - 66.
(17) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG-ST, H.2002, t.7, tr.414-415.
(18) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG-ST, H.2000, t.12, tr.557-558.
(19) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG-ST, H.2011, t.15, tr.611-612.
(20) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG-ST, H.2002, t.12, tr.511.
(21) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr.252.
(22) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr.640.
(23) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr.640.
(24) Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. CTQG, H.1997, tr.79.
(25) Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng trung ương Đảng, H.2018, tr.68.
(26) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. CTQG-ST, H.2021, t.2, tr.243.
(27) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.2, tr.243.
(28) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 643.
(29) Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Sđd, tr.79.
(30) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.1, tr.187.
(31) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG-ST, H.2011, t.5, tr.262,
(32) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG-ST, H.2011, t.6, tr.127.
(33) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr.641.
(34) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr.641.
(35) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr.641
(36) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr.636.
(37) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr.640.
(38) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr.637.
(39) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr.637.
(40) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr.632.
(41) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr.632.
(42) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr.632.
(43) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.632.
(44) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr.636.
(45) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr.643.
(46) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr.643.
|
PGS. TS. Vũ Văn Phúc
9Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương)