|
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội thảo. |
Dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Trung ương, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, thời gian qua, bên cạnh những điểm sáng tích cực trong công tác phụ nữ, cũng còn không ít những hạn chế, thách thức đặt ra, cần được tiếp tục quan tâm giải quyết trong thời gian tới. Nhiều vấn đề xã hội tiếp diễn ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ và công tác phụ nữ, như: nghèo đói; biến đổi khí hậu; biến đổi chức năng gia đình; già hóa dân số; các vấn đề an ninh trật tự, đạo đức xã hội liên quan đến an toàn của phụ nữ, trẻ em (lừa đảo, mất an toàn trên môi trường mạng; mua bán phụ nữ, trẻ em; bạo lực gia đình, đặc biệt là các vụ xâm hại, bạo lực với phụ nữ, trẻ em ngày càng phức tạp, nghiêm trọng…).
Bên cạnh đó, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp so với số lượng và tiềm năng của lực lượng lao động nữ cũng như so với yêu cầu phát triển của đất nước; còn nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đang thiếu vắng sự tham gia của phụ nữ ở vai trò lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu.
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá một cách toàn diện kết quả thực hiện công tác phụ nữ thời gian qua, tiếp tục chỉ ra những điểm mạnh và những điểm bất cập cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện dưới nhiều góc độ, chiều cạnh khác nhau, từ góc độ quản lý nhà nước, thực tiễn địa phương và từ các chuyên gia, nhà khoa học, góp phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW và Chỉ thị 21-CT/TW về công tác phụ nữ.
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, những năm qua, Hội đã có sự đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động với phương châm: xuất phát từ cơ sở, gần cơ sở, sát cơ sở, sát từng đối tượng phụ nữ, thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ; tích cực phấn đấu vì bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ.
Nhằm phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh, tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên và xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị thời gian tới, các cấp hội phải dám thay đổi, trước hết là thay đổi nhận thức và thói quen hành động, trang bị cho mình những kỹ năng số trở thành yêu cầu cấp bách để phụ nữ Việt Nam phát huy tốt hơn nữa vai trò, đóng góp của mình trong kỷ nguyên số.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, tham gia tích cực, có hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ. Nhiều tấm gương phụ nữ được xã hội ghi nhận, tôn vinh; nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ, bình đẳng giới ngày một tốt hơn, đội ngũ cán bộ phụ nữ ngày càng trưởng thành, có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động, quan tâm chăm lo, hỗ trợ cho phụ nữ trong cuộc sống, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn…
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai tin tưởng phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp to lớn không chỉ cho phát triển đất nước, mà còn cho sự trưởng thành, tiến bộ của sự nghiệp bình đẳng giới, của từng phụ nữ, từng gia đình Việt Nam. Chúng ta đã làm được nhiều việc có kết quả nhưng cũng còn nhiều việc đòi hỏi phải nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm cao để đạt được kết quả như mong muốn, điều quan trọng đó là phụ nữ Việt Nam phải có cơ hội để được bình đẳng, được tham gia vào hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện, nhất là Luật Bình đẳng giới, Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em được quan tâm lồng ghép trong nhiều đạo luật như: Bộ luật Lao động, Luật Bầu cử, các luật về an ninh xã hội, Luật Hôn nhân và gia đình, giáo dục, y tế...
Tại Hội thảo, các chuyên gia nhà khoa học, quản lý đã tập trung thảo luận và đánh giá quá trình xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác phụ nữ, phát huy vai trò của phụ nữ trong tình hình mới; đánh giá việc tổ chức, hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong thực hiện công tác phụ nữ, bình đẳng giới, phát huy vai trò của phụ nữ. Đồng thời, đề xuất các quan điểm, giải pháp nhằm xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; đóng góp cho việc tổng kết, đánh giá, bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, định hướng của Đảng, tổng kết 40 năm thực hiện đường lối Đổi mới và chuẩn bị một bước cho việc xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng…
P.V