Sign In

Nhiều vướng mắc trong xây dựng vị trí việc làm

22:24 14/07/2024
Xây dựng vị trí việc làm được xác định là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Tuy nhiên vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Người dân, doanh nghiệp đến bộ phận một cửa Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh Lào Cai giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN

Bộ trưởng Nội vụ đã ban hành hai thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập và về xác định cơ cấu ngạch công chức. Lãnh đạo các bộ, ngành đã ban hành 20 thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 17 thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.

100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành phê duyệt đề án vị trí việc làm

Thực hiện thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, các địa phương đã tích cực xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, tổ chức xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định hướng dẫn vị trí việc làm theo ngành, lĩnh vực bảo đảm tính thống nhất, liên thông, đồng bộ trong hệ thống chính trị gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Xác định việc phê duyệt vị trí việc làm là nhiệm vụ trọng tâm cần sớm hoàn thành với tinh thần “vừa làm, vừa hoàn thiện, không cầu toàn” và thực hiện hiệu quả phân cấp trong việc phê duyệt vị trí việc làm, đến nay, 100% bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành phê duyệt Đề án vị trí việc làm.

Theo tổng hợp của Bộ Nội vụ, danh mục vị trí việc làm trên cơ sở thông tư hướng dẫn của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực gồm: vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính với 840 vị trí, trong đó có 122 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; 656 vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 40 vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; 22 vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

 Vị trí việc làm trong cơ quan thuộc Chính phủ có 31 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; trong đó, vị trí việc làm đã quy định tại thông tư có 10 vị trí; vị trí việc làm áp dụng chức danh, chức vụ tương đương có 21 vị trí. vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung và vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ thì áp dụng các vị trí việc làm theo hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập có 559 vị trí, trong đó có 110 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; 392 vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành; 30 vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; 27 vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

Vị trí việc làm cán bộ, công chức cấp xã có 17 vị trí, trong đó cán bộ chuyên trách 11 vị trí, công chức cấp xã 6 vị trí.

Một số địa phương đã thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quản lý biên chế, xây dựng vị trí việc làm như: Hưng Yên, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Ninh, Đồng Nai, Kon Tum, Quảng Ngãi, An Giang, Hậu Giang, Sơn La, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhiều vướng mắc

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cho biết, một số bộ, ngành có phạm vi quản lý rộng, đối tượng đa dạng, phức tạp và có nhiều cấp quản lý, nhiều tổ chức đầu mối trực thuộc nên việc phê duyệt vị trí việc làm chưa bảo đảm so với tiến độ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo. Do tính chất phức tạp, phụ thuộc vào đặc thù ngành, lĩnh vực, địa bàn, dẫn tới chưa hoàn thiện được bản mô tả vị trí việc làm và khung năng lực của từng vị trí việc làm bảo đảm khoa học, thống nhất.

Thực tế cho thấy nhiều địa phương vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong xây dựng vị trí việc làm. Tỉnh Hưng Yên cho biết, qua quá trình thẩm định, phê duyệt vị trí việc làm theo thông tư hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực, tỉnh này vẫn vướng về danh mục vị trí việc làm.

Hiện nay, danh mục vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị được xác định trên cơ sở các thông tư của bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định, hướng dẫn về vị trí việc làm công chức, viên chức nghiệp vụ chuyên ngành. Theo đó, trong cùng một lĩnh vực ở các cơ quan cấp tỉnh có các vị trí việc làm “chuyên viên”, “chuyên viên chính” và gắn với mỗi vị trí việc làm đó là số lượng biên chế nhất định. Trường hợp cơ quan đó có chức năng, nhiệm vụ của cả 2 vị trí việc làm này nhưng chưa có người đáp ứng điều kiện để đảm nhiệm vị trí việc làm “chuyên viên chính” dẫn đến tình trạng khó khăn trong quá trình sử dụng và quản lý biên chế của đơn vị.

Bên cạnh đó, việc có nhiều vị trí việc làm chuyên ngành trong cùng một lĩnh vực (như tại thanh tra sở làm nhiệm vụ thanh tra - pháp chế nên có đến 20 vị trí việc làm; phòng văn hóa, thông tin cấp huyện có đến 20 vị trí việc làm;...) mà số lượng biên chế thường chỉ ở mức tối thiểu theo quy định nên sẽ khó khăn cho tỉnh xác định vị trí, chức trách, nhiệm vụ công việc nào giữ ngạch, hạng vị trí việc làm tương ứng... Thông tư hướng dẫn danh mục vị trí việc làm của một số bộ, ngành chưa bao quát hết vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý nên địa phương gặp khó khăn khi phê duyệt vị trí việc làm đối với các đơn vị này.

Sở Nội vụ Hưng Yên đề nghị Bộ Nội vụ và các bộ, ngành có liên quan sớm tham mưu sửa đổi, ban hành đồng bộ các quy định có liên quan để việc xây dựng vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị đạt hiệu quả cao.

Các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Lâm Đồng, thành phố Cần Thơ đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành quan tâm, hướng dẫn về vị trí việc làm, đặc biệt là vị trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị hiện chưa có hướng dẫn cụ thể của các bộ quản lý ngành; hướng dẫn định mức biên chế công chức đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số làm cơ sở để địa phương bố trí công chức thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu. Rà soát, xây dựng lại định mức người làm việc đối với một số ngành nghề như giáo dục và đào tạo, kiểm lâm, lĩnh vực giao thông,... cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét báo cáo Chính phủ phân cấp để các địa phương chủ động quyết định danh mục vị trí việc làm, do mỗi địa phương cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ các phòng ban có tính chất, mức độ phức tạp khác nhau. Việc quy định chung danh mục cho 63 tỉnh, thành phố, dẫn đến nhiều vị trí chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cách thức điều hành, quản lý tại các đơn vị trực thuộc.

Trước các đề nghị này, Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực rà soát các thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, trong trường hợp cần thiết sẽ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP và các nghị quyết của Chính phủ, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đang hoàn thiện và ban hành thông tư hướng dẫn về định mức biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Sau khi các thông tư được ban hành sẽ làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Xây dựng vị trí việc làm cần triển khai đồng bộ

Theo Bộ Nội vụ, để việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cải cách chính sách tiền lương, tiến tới trả lương theo vị trí việc làm theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW thì việc xây dựng vị trí việc làm cần triển khai đồng bộ, thống nhất, bảo đảm tính liên thông giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong cả hệ thống chính trị và phải đáp ứng một số yêu cầu. Cụ thể, xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm cần đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Thường trực Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Các vị trí việc làm cần được xây dựng với mức độ khái quát cao theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương, có tính đến mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động, phạm vi đối tượng phục vụ, quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của công việc theo chức năng, nhiệm vụ tương ứng với từng ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức.

Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và các yêu cầu về xây dựng vị trí việc làm, các bộ quản lý ngành lĩnh vực đã xây dựng, lấy ý kiến các địa phương và ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức, viên chức thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý, làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương phê duyệt vị trí việc làm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm tính thống nhất, liên thông giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong cả hệ thống chính trị.

Báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, xây dựng vị trí việc làm là vấn đề rất khó và phức tạp, đến nay cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt đề án vị trí việc làm nhưng còn nặng về hình thức, chưa bảo đảm chất lượng; đồng thời Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế chưa trình Bộ Chính trị thông qua hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị, dẫn đến khó khăn và chưa bảo đảm đủ điều kiện để thực hiện trả lương mới theo vị trí việc làm. Đây là một trong 4 vướng mắc, bất cập dẫn đến chưa thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công từ ngày 1-7 (mới thực hiện 4/6 nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW đã rõ, đủ điều kiện).

Tag:

File đính kèm