Ngay
từ khi giành được độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa,
trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng
định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ
những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có
quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Kể từ đó đến
nay, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm thúc đẩy và bảo đảm quyền con người
được thực hiện.
Từ một quốc gia phụ
thuộc vào viện trợ nước ngoài, Việt Nam đã trở thành một trong những
nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, và góp phần vào duy trì an
ninh lương thực trong khu vực và thế giới. Từng nằm trong nhóm các nước
nghèo nhất thế giới, nhưng Việt Nam đã vươn mình trở thành một trong các
nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất.
Trong giai đoạn từ năm 1989 tới 2023, GDP bình quân đầu người của Việt
Nam đã tăng gấp 40 lần. Trong vòng 20 năm kể từ năm 1993, hơn 40
triệu người đã thoát cảnh đói nghèo. Và trong vòng 15 năm kể từ năm
2005, tỷ lệ nghèo đa chiều đã giảm một nửa. Những kết quả trên đây được
bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Năm
2022, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio
Guterres đã khẳng định những kết quả đó là “minh chứng rõ nét cho sự
quật cường và nỗ lực của người dân Việt Nam, và cho các chính sách lấy
người dân làm trung tâm của phát triển”.
Liên
quan đến Cơ chế UPR, đến nay Việt Nam luôn tham gia đầy đủ các chu kỳ
báo cáo và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các khuyến nghị nhận được (các
đợt đánh giá định kỳ phổ quát chu kỳ 1, 2 và 3 của Việt Nam đã lần lượt
được thực hiện vào tháng 5/2009, 2/2014 và 1/2019).
Trên
cơ sở triển khai hiệu quả các khuyến nghị đã được chấp thuận trong chu
kỳ 3, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch tổng thể với phân công cụ thể cho
các cơ quan liên quan cũng như cơ chế rà soát tiến độ, và đánh giá kết
quả. Báo cáo Chu kỳ IV của Việt Nam cho thấy đã có 239 trên tổng số 241
(99,2%) các khuyến nghị được chấp thuận đã được hoàn thành hoặc triển
khai một phần.
Cụ thể, Việt Nam đã
có những nỗ lực quan trọng để tăng cường các khuôn khổ pháp lý nhằm bảo
đảm tốt hơn quyền con người. Đồng thời, tiến trình xây dựng pháp luật
ngày càng minh bạch và bao trùm với sự tham gia rộng rãi của người dân.
Tiêu biểu như trong quá trình dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, thông qua
các kênh trực tiếp và trực tuyến, đã có hơn 12 triệu lượt góp ý và phản
hồi về dự thảo.
Trước sự phát triển
nhanh chóng của truyền thông đại chúng, internet và mạng xã hội ở Việt
Nam đã giúp tăng cường tự do báo chí, tự do ngôn luận, và quyền tiếp cận
thông tin.
Trong giai đoạn thực
hiện báo cáo Chu kỳ IV, số lượng người sử dụng internet ở Việt Nam đã
tăng 21%, đạt hơn 78 triệu người dùng. 25 triệu thuê bao di động được
đăng ký mới, và mạng 4G đã bao phủ xấp xỉ 99,8% dân số Việt Nam.
Song
song đó Việt Nam luôn đề cao quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, đồng
thời thúc đẩy sự bình đẳng giữa các tôn giáo và nghiêm cấm mọi hình thức
kỳ thị, phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo. Tháng 12/2023, Tòa thánh
Vatican đã bổ nhiệm Đại diện Thường trú đầu tiên và thiết lập Văn phòng
đại diện thường trú tại Việt Nam, một bước tiến đáng kể trong quan hệ
Việt Nam-Vatican.
Việt Nam cũng quan
tâm đến các quyền tự do lập hội, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, xóa
đói, giảm nghèo, bình đẳng giới, phát triển bền vững,... Hiện nay ở
Việt Nam có khoảng 72.000 hội đang hoạt động và có những đóng góp đáng
kể vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội cũng như góp phần hỗ trợ tích
cực đời sống người dân trong nước.
Các gói an sinh xã hội trị giá gần 88.000 tỷ đồng, chiếm 1% GDP quốc
gia, đã được phân bổ hiệu quả cho các nhóm cụ thể. Tính đến cuối năm
2023, bao phủ bảo hiểm y tế đã chiếm khoảng 94% dân số Việt Nam… Nếu như
năm 2021 chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam xếp thứ 87 trong số 146
quốc gia thì đến năm 2023, Việt Nam đã tăng lên 15 bậc, xếp thứ 72.
Theo Báo cáo Phát triển Con người mới nhất của UNDP, xếp hạng chỉ số
phát triển con người của Việt Nam tiếp tục tăng từ 115 lên 107. Việt Nam
được xếp trong nhóm có chỉ số phát triển con người cao. Những kết quả
trên đây cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trong vấn
đề bảo đảm quyền con người, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 hoành
hành trong những năm vừa qua.
Tuy
nhiên với thái độ thù địch, thiếu thiện chí, nhằm thực hiện mưu đồ đen
tối chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, một số tổ chức, cá nhân đã lợi
dụng sự kiện Việt Nam thực hiện Báo cáo quốc gia theo Cơ chế UPR chu kỳ
IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc để không ngừng tấn công, đưa
thông tin sai lệch về quyền con người ở Việt Nam.
Như việc xuyên tạc rằng: “tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tệ
đi và lần này cũng như vậy, sau buổi báo cáo này tình trạng nhân quyền
vẫn như vậy chứ không thể cải thiện được”. Ngay trong ngày 7/5, khi phái
đoàn Việt Nam chính thức tham gia Phiên đối thoại một nhóm người Việt
Nam ở nước ngoài do thiếu thông tin, có cái nhìn thiếu thiện chí, cực
đoan, phản động đã xuống đường biểu tình trước Trụ sở Liên hợp quốc đưa
ra những yêu sách vô lý.
Cuộc biểu
tình được tổ chức khủng bố Việt Tân livestream trên mạng xã hội và có sự
xuất hiện năng nổ, nhiệt tình của Nguyễn Văn Đài, người đã từng bị Tòa
án nhân dân Thành phố Hà Nội vào tháng 4/2018 xét xử sơ thẩm về tội “Hoạt động
nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, theo quy định” tại Điều 79,
Khoản
1, Bộ luật Hình sự năm 1999 và phải chịu mức án 15 năm tù và bị phạt
quản chế 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt. Tháng 6/2018, Nguyễn
Văn Đài đã xuất cảnh sang Đức nhưng với bản chất cố hữu sẵn có từ đó
tới nay Nguyễn Văn Đài thường xuyên có những hoạt động chống phá Đảng,
Nhà nước ta.
Dễ dàng nhận thấy mục
tiêu của cuộc biểu tình nói trên là nhằm xuyên tạc tình hình nhân quyền ở
Việt Nam, đồng thời chống phá Đảng, Nhà nước ta, hạ thấp uy tín của
Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Tại cuộc biểu tình nói trên các yêu
sách đưa ra vẫn lặp lại những luận điệu quen thuộc và vô căn cứ như đòi
nhà cầm quyền “ngưng bắt bớ, đàn áp người dân”, “trả tự do cho những
người bất đồng chính kiến, tù nhân lương tâm”.
Những
người được nhóm biểu tình xướng tên vẫn là những “gương mặt thân quen”
trong các chiến dịch xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam, đó là Lê Đình
Lượng, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Thúy Hạnh. Nực cười là khi hô vang
tên Lê Thị Công Nhân, người điều hành biểu tình còn vô tình hoặc không
biết nên gọi nhầm là Phạm Công Nhân, song cả nhóm biểu tình vẫn đồng
loạt hô theo mà không một ai lên tiếng đính chính! Thực tế những đối
tượng chống phá, phản động được nêu tên tại cuộc biểu tình đều đã được
cộng đồng biết đến nhờ các tội trạng được xét xử công khai trước đó. Như
với Lê Thị Công Nhân, năm 2007 đã bị Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử
về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
(Điều 88 - Bộ luật Hình sự) cùng với Nguyễn Văn Đài và phải chấp hành
hình phạt 4 năm tù giam, quản chế 3 năm sau khi chấp hành xong bản án.
Hoặc
như đối tượng Lê Đình Lượng đã có hành vi lôi kéo người khác vào tổ
chức khủng bố Việt Tân, lợi dụng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ nhiều bài
viết xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Năm
2018, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử Lê Đình Lượng về tội “Hoạt
động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và xử phạt Lê Đình Lượng 20 năm
tù, phạt quản chế bị cáo 5 năm kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù.
Với đối tượng Trần Huỳnh Duy Thức, năm 2010 Hội đồng xét xử phúc thẩm
Tòa án nhân dân Tối cao bác đơn kháng cáo kêu oan, y án 16 năm tù giam, 5
năm quản chế tại địa phương đối với y. Còn Nguyễn Thúy Hạnh, năm 2021
đã bị cơ quan chức năng khởi tố, tạm giam về tội “Làm, tàng trữ, phát
tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình
sự năm 2015.
Điểm sơ qua một số
thông tin như vậy cũng đủ cho thấy các đối tượng mà cuộc biểu tình bênh
vực, bảo vệ đều có hành vi vi phạm pháp luật, được xét xử công khai,
minh bạch, đúng người, đúng tội.
Dù
vậy, với những kết quả đã đạt được, được cộng đồng quốc tế công nhận và
đánh giá cao, có thể khẳng định mọi âm mưu, thủ đoạn hòng xuyên tạc,
chống phá của các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, cực đoan, phản động
sẽ không thể thay đổi được thực tế và thành tựu cũng như những nỗ lực
của Việt Nam trong công tác nhân quyền suốt nhiều năm qua.
Thời
gian tới, Đảng, Nhà nước ta xác định tiếp tục tập trung xây dựng nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính công và
củng cố dân chủ ở cơ sở; tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ
các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; tiếp
tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác với các nước và các cơ chế nhân quyền
Liên hợp quốc trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng
Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; đẩy mạnh giáo dục về
quyền con người, thông qua đào tạo, nâng cao năng lực cho các cán bộ,
công chức, doanh nghiệp và người dân; tiếp tục thực hiện các mục tiêu
phát triển bền vững của Liên hợp quốc và các quốc gia; cải thiện khả
năng thụ hưởng các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, và văn hóa
cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương…
Việt
Nam cũng khẳng định quan điểm sẵn sàng giải đáp, cung cấp thông tin xác
thực, nhấn mạnh nguyên tắc đối thoại, hợp tác, tôn trọng khác biệt;
đồng thời nhấn mạnh không có một mô hình chung cho tất cả các nước, mỗi
nước tùy theo đặc thù, điều kiện của mình sẽ có con đường phát triển
riêng. Việt Nam tự tin tiếp bước trên con đường đã chọn để xây dựng đất
nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh,
người dân được thụ hưởng các quyền con người cơ bản./.
HÀ NHÂN (nhandan.vn)