Bà Đào Phạm Hoàng Quyên, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Phú Yên cho biết, trong thời gian qua các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến từng thôn xóm, buôn làng, khu phố, cơ quan, doanh nghiệp… về những tiện ích của Đề án 06, ứng dụng định danh điện tử VNeID, sử dụng các nhóm dịch vụ công liên thông và những điểm mới của Luật Căn cước 2023. Mặt khác, còn trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện các quy trình, thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2; tổ chức tập huấn, phổ biến, chia sẻ các mô hình, điển hình, cách làm hay, sáng tạo trong hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 tại các địa phương trong tỉnh.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, nhiều đơn vị có số lượng hồ sơ dịch vụ công cao như: Công an tỉnh Phú Yên tiếp nhận giải quyết thông báo lưu trú; thủ tục làm con dấu mới và cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu; đăng ký – cấp biển kiểm soát môtô, xe gắn máy; cấp, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh tích hợp giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế hộ gia đình; Sở GTVT cấp – đổi giấy phép lái xe…
Trong triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, đã thực hiện gần 66% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, 68,2% đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH; 95,5% đối tượng hưởng chế độ BHXH một lần và 100% đối tượng hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp. Sở Nội vụ Phú Yên tiếp tục triển khai thực hiện việc rà soát, cập nhật, bổ sung trường thông tin trên phần mềm cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đơn vị, cập nhật đầy đủ các tiêu chí thông tin trong hồ sơ theo mẫu sơ yếu lý lịch hợp nhất và thực hiện đồng bộ lên cơ sở dữ liệu quốc gia đảm bảo 100% “đúng, đủ, sạch, sống”. Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám – chữa bệnh bảo hiểm y tế sử dụng CCCD, Sở Tư pháp tiếp tục phối hợp TAND, Công an, Cơ quan thi hành án dân sự các cấp tăng cường xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đảm bảo đầy đủ, kịp thời, chính xác để thực hiện việc cấp lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID; BHXH phối hợp Công an tỉnh xác thực 99,37% thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Cũng theo bà Đào Phạm Hoàng Quyên, bên cạnh việc phối hợp Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an) và Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) hoàn thành việc kết nối VNeID và đã mở chức năng lý lịch tư pháp cho tỉnh Phú Yên hoạt động chính thức từ ngày 20/10/2024; Sở Y tế đang cùng Sở TT&TT thực hiện việc cấp email công vụ, đồng thời phối hợp Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ cấp chữ ký số từ xa cho viên chức ngành Y tế để triển khai giải pháp KIOSK y tế thông minh, sổ sức khoẻ điện tử qua VNeID và các yêu cầu nhiệm vụ khác có liên quan.
Trao đổi với PV Báo CAND về kết quả phát triển công dân số, Thượng tá Đào Minh Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Phú Yên cho biết, đến cuối tháng 10/2024, đơn vị này và Công an 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã thu nhận 924.857 hồ sơ để nghị cấp căn cước, 606.504 tài khoản định danh điện tử và đã kích hoạt 407.232 tài khoản. Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp các hội, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh triển khai nhập dữ liệu trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho 54.734 hội viên nông dân, 65.812 hội viên người cao tuổi, 8.847 hội viên cựu chiến binh, 834 hội viên chữ thập đỏ, 6.689 người có công, 74.468 thông tin người lao động.
Trong số 16/44 mô hình điểm phục vụ Đề án 06 đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Phú Yên có nhiều mô hình thu hút sự quan tâm của đông đảo công dân như: triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu; khám – chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID; truyền thông nội bộ cho cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước; quản lý lưu trú tại các cơ sở kinh doanh lưu trú; cơ sở có kinh doanh có điều kiện về ANTT.
Điều đáng ghi nhận là các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên quán triệt công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, tăng cường các biện pháp phòng, chống nguy cơ gây sự cố mất an toàn, an ninh thông tin trong quá trình hoạt động trên môi trường mạng, nên mọi hoạt động đều đảm bảo, chưa phát hiện dấu hiệu bất thường và sự cố an ninh, an toàn thông tin.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong đẩy mạnh thực hiện Đề án 06, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã thẳng thắn nhìn nhận khó khăn, vướng mắc và những hạn chế cần khắc phục. Cơ sở hạ tầng của ngân hàng ở khu vực nông thôn, miền núi chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, người dân còn lo ngại về an ninh, an toàn thông tin khi tiếp cận công nghệ mới, sử dụng các dịch vụ nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng; tỷ lệ thu nhận và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 còn thấp, ảnh hưởng đến tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Mặt khác, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm vẫn còn 5.217 người tham gia BHXH, y tế, thất nghiệp ở Phú Yên chưa đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; các cơ sở khám – chữa bệnh ở Phú Yên chưa triển khai phần mềm khám sức khỏe lái xe điện tử; số lượng tin báo, tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID còn thấp; thói quen, tâm lý và kỹ năng số của một số người dân chưa đáp ứng yêu cầu làm việc trên môi trường số.
Nhiều biện pháp cụ thể đã được UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới để thực hiện hiệu quả Đề án 06, góp phần tích cực trong đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.