Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công an, Thiếu tướng, TS. Lê Minh Thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo có lãnh đạo các cục, đơn vị chức năng của Bộ Công an; lãnh đạo các trường CAND; Công an các đơn vị địa phương cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài lực lượng CAND.
Đề dẫn hội thảo, Đại tá, TS. Nguyễn Mạnh Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần CAND cho biết: Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/ĐUCA ngày 28/10/2014 của Đảng ủy Công an Trung ương và Chỉ thị số 13/CT-BCA ngày 28/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong CAND, công tác đào tạo của các học viện, trường CAND đã có nhiều chuyển biến tích cực, mạnh mẽ.
Đáng chú ý, việc xây dựng, phát triển chương trình đào tạo trong CAND được chú trọng, đổi mới, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nội dung chương trình đào tạo bảo đảm tính khoa học, hiện đại, góp phần nâng cao tính chủ động và khả năng tự học, tự nghiên cứu của học viên, phân định kiến thức giữa các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, phân định kiến thức đại cương, cơ sở ngành và kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành.
Cùng với đó, chương trình đào tạo cũng giảm lý thuyết, tăng thực hành, chú trọng đào tạo pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn, bồi dưỡng năng lực sáng tạo, phát huy phẩm chất cá nhân, đạo đức nghề nghiệp, lòng yêu nghề, khả năng tự học; nâng cao trình độ ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác... Tuy nhiên, cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng chương trình đào tạo trong CAND vẫn còn bộc lộ một số tồn tại và đang đứng trước nhiều thách thức..
Thảo luận tại hội thảo, các ý kiến đã chia sẻ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, cách làm hay giữa các cơ sở đào tạo trong và ngoài lực lượng Công an về công tác xây dựng chương trình đào tạo; kiến nghị biện pháp tháo gỡ, khắc phục tồn tại, hạn chế, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng chương trình đào tạo góp phần xây dựng uy tín, vị thế của các học viện, trường CAND.
Nhiều ý kiến đề xuất Cục Đào tạo và các đơn vị chức năng của Bộ Công an nghiên cứu rà soát các quy định của Nhà nước, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH liên quan đến xây dựng chương trình đào tạo, kiểm định chương trình đào tạo để tham mưu Bộ Công an và hướng dẫn triển khai thực hiện thống nhất trong CAND; tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống ngành nghề đào tạo ở các trình độ trong CAND đặc biệt chú trọng các ngành, chuyên ngành đào tạo ở lĩnh vực kỹ thuật phù hợp với xu thế thời đại, xây dựng chương trình đào tạo ở các trình độ, nội dung chương trình đào tạo được gắn chặt với sử dụng, phân công, bố trí đội ngũ cán bộ hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Công an 4 cấp...
Từ góc độ thực tiễn, Đại tá Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh đã đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy trong các học viện, trường CAND, trong đó trọng tâm là tuyển chọn và thu hút giảng viên có năng lực cao, đồng thời thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và cập nhật kiến thức với phương châm giảng viên phải là tấm gương về phẩm chất đạo đức và chính trị, đồng thời tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các trường CAND với các đơn vị địa phương để khảo sát nhu cầu thực tiễn và xây dựng chương trình đào tạo; nâng cấp cơ sở vật chất và thiết bị giảng dạy để đáp ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo điều kiện cho việc đổi mới công nghệ dạy học và kết nối hệ thống giáo dục.
Đại tá, TS. Trần Xuân Tân, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CSND II cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải đổi mới chương trình đào tạo trình độ trung cấp trong CAND, qua đó khắc phục những bất cập hiện tại. Theo Đại tá Trần Xuân Tân, cần tổng kết và sửa đổi Thông tư số 02/2019 để cập nhật nội dung đào tạo, đảm bảo tỷ lệ thực hành chiếm từ 55-75% khối lượng chương trình. Ngoài ra, cũng cần xây dựng hướng dẫn cụ thể hơn về khâu “bài tập lớn” trong chương trình đào tạo; thực hiện quy trình đánh giá và chỉnh lý chương trình định kỳ để phù hợp với tiến bộ khoa học và nhu cầu thực tiễn trong công tác phòng, chống tội phạm; sớm tổng kết và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo trong CAND theo Quyết định số 7712/QĐ-BCA-X02 để đáp ứng yêu cầu mới của công tác đào tạo trong CAND.
Thượng tá, TS. Nguyễn Công Kiên, Trưởng phòng Quản lý đào tạo và bồi dưỡng nâng cao, Trường Đại học ANND kiến nghị các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Công an, đặc biệt là Cục Đào tạo cần đưa ra các tiêu chí rõ ràng cho từng nhóm ngành, gắn kết lý thuyết với thực tiễn công tác hiện tại, trong đó, chương trình cần chú trọng nâng cao năng lực ngoại ngữ và tin học cho học viên, đồng thời bổ sung các kiến thức về công nghệ hiện đại để đáp ứng những thách thức từ các loại tội phạm công nghệ cao và cập nhật các ngành, chuyên ngành mới như An ninh mạng và phòng chống tội phạm mới...
Phát biểu tổng kết hội thảo, Thiếu tướng, TS. Lê Minh Thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần CAND đã đề nghị Bộ phận thư ký hội thảo tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến tham luận; phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an nghiên cứu đề xuất những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn công tác Công an để tham mưu hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục, đào tạo nói chung, về chương trình đào tạo nói riêng để phù hợp với đặc thù của lực lượng CAND. Trên cơ sở đó, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Báo cáo tổng luận để báo cáo Hội đồng lý luận Bộ Công an, Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an nhằm phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ huy toàn diện các mặt của công tác Công an.