Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính; lãnh đạo, cán bộ phụ trách Đề án 89 của các cơ sở giáo dục đại học.
Quang cảnh hội nghị
Ngày 18/01/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030 (Đề án 89).
Đề án đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên đại học, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, trong đó 7% giảng viên được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; 3% giảng viên được đào tạo trong nước và phối hợp giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học nước ngoài đạt chuẩn chất lượng khu vực và thế giới; thu hút được ít nhất 1.500 nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc trong nước, ngoài các cơ sở giáo dục đại học đến làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; phấn đấu 80% giảng viên các trường thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao đạt trình độ thạc sĩ trở lên, được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài và trong nước đạt chuẩn chất lượng khu vực và thế giới, cơ cấu hợp lý; đến 2030, phấn đấu 100% cán bộ quản lý và giảng viên được bồi dưỡng nâng cao năng lực, trong đó chú trọng các năng lực của giảng viên về: phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại, nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Đất nước ta đang trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, như: Phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước; tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, nhất là đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ và chuyên gia các ngành kỹ thuật, công nghệ mũi nhọn…
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị
Đánh giá Đề án 89 và những đề án trước đó có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, góp phần triển khai các nhiệm vụ của Nghị quyết 29, Kết luận số 91, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đồng thời cho rằng, muốn nâng cao chất lượng giáo dục đại học, yếu tố quan trọng và cốt lõi nhất chính là đội ngũ giảng viên. Đồng thời, muốn nâng cao năng lực quản trị giáo dục đại học, cũng cần nâng cao năng lực đội ngũ quản lý.
Sau 5 năm triển khai Đề án 89 với những nỗ lực và kết quả ban đầu, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, cần nhìn lại, cùng thảo luận, tìm giải pháp, thống nhất hướng đi trong thời gian tới để thực hiện tốt hơn, đảm bảo các mục tiêu đề ra.
Theo báo cáo của Vụ Giáo dục đại học, nguyên tắc triển khai nhiệm vụ đào tạo của Đề án 89 không phân biệt trường công, trường tư. Tất cả các giảng viên đủ điều kiện đi học theo Đề án và cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu cử đi đào tạo theo Đề án đều được chấp nhận. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục đại học hoàn toàn chủ động quyết định đối tượng người học, số lượng người học, ngành học, cơ sở đào tạo, học trong nước hay học ở nước ngoài.
Kết quả thực hiện tính đến tháng 11/2024, tổng số người đang học theo Đề án là 451 người, trong đó có 274 người được đào tạo trong nước và 177 người đào tạo ở nước ngoài.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Đỗ Anh Dũng báo cáo tại hội nghị
Đánh giá cao những lợi ích của Đề án 89, GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng, việc phát triển đội ngũ giảng viên ngày càng có năng lực, có trình độ, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước là vô cùng quan trọng. Đây cũng là mục tiêu mà Trường Đại học Phenikaa luôn chú trọng để có thêm nguồn lực đào tạo đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng giảng dạy.
Là một trong những nghiên cứu sinh được đi học tại nước ngoài với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, theo Quyết định 322/2000/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, PGS.TS Nguyễn Hưng Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cho biết, đây là cả quá trình nỗ lực và sự ưu ái rất nhiều mà Chính phủ đã dành cho ngành Giáo dục. Nhà trường cũng đã có 16 thầy cô đi học theo Đề án.
“Thời của chúng tôi đã trải qua nhiều khó khăn, đến nay, tôi thấy được Đề án 89 đã được tháo gỡ và thuận lợi rất nhiều. Tôi nghĩ rằng các thầy cô hãy đặt mình ở vị trí những nhà quản lý để chia sẻ và thấu hiểu hơn. Chúng ta phải cảm thấy mình là những người may mắn và không thể so sánh Đề án với một chương trình học bổng của một trường hay một quốc gia được. Nhìn nhận như vậy, chúng ta sẽ tháo gỡ những vướng mắc để thực hiện tốt hơn”, PGS.TS Nguyễn Hưng Quang chia sẻ.
GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa trao đổi tại hội nghị
Cho rằng việc tăng cường đội ngũ giảng viên bằng liên kết đào tạo với các trường uy tín trên thế giới là một trong những cách để tháo gỡ nút thắt, PGS.TS Nguyễn Hưng Quang cho biết, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đang liên kết với Đại học Hiroshima, Nhật Bản và mong muốn là cơ sở đào tạo cho các nghiên cứu sinh có nhu cầu đến học tập theo chương trình liên kết của Đề án 89.
Đại diện Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc triển khai Đề án 89 đã mang lại những ý nghĩa rất quan trọng, đó là tạo động lực phát triển đội ngũ giảng viên, góp phần gia tăng tỉ lệ nghiên cứu sinh, tỉ lệ tiến sĩ, nâng cao chất lượng giảng viên về số lượng và thực chất; gia tăng tính quốc tế; tạo môi trường thi đua học tập; Tạo nguồn giảng viên có chất lượng phục vụ đào tạo và nghiên cứu.
Tuy nhiên, một số giảng viên hiện nay chưa sắp xếp được kế hoạch học tập, nên chưa chủ động trong việc đăng ký tham gia Đề án 89, cùng với một số giảng viên chủ động tự túc học phí để tham gia các chương trình đào tạo tiến sĩ cả trong và ngoài nước. Điều này làm hạn chế nguồn giảng viên để cử đi học mặc dù đã thực hiện triển khai khảo sát nhu cầu từ trước.
Nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Chính phủ và Bộ GDĐT giúp đỡ cho các Trường Đại học tư thục trong việc đào tạo nâng cao trình độ giảng viên, cán bộ quản lý của trường, ông Lê Văn Mẫn, Phó Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, Đại học Thành Đông chia sẻ, chất lượng đội ngũ giảng viên có vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Trường Đại học Thành Đông mới bước đầu thực hiện Đề án 89, nhưng đây là cơ hội tốt để phát triển đội ngũ, đáp ứng yêu cầu phát triển Nhà trường trong những năm tới.
Đại biểu trao đổi tại hội nghị
Giai đoạn 2025-2030 dự kiến nhà trường cử đi đào tạo 30 Tiến sĩ, trong đó 7 giảng viên đi đào tạo trong nước, 23 giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài.
Tại hội nghị, lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học, Vụ Kế hoạch tài chính, Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GDĐT đã giải đáp những vướng mắc, chia sẻ, thông tin để các đại biểu hiểu rõ và thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn yêu cầu cần làm tốt một số công việc trong thời gian tới. Trong đó, trước hết cần thống nhất nhận thức, vai trò quan trọng của phát triển đội ngũ giảng viên.
Theo Thứ trưởng, điểm mới của Đề án 89 là giao quyền chủ động cho các nhà trường, nâng cao năng lực quản lý trong vận hành các chính sách mới. Vì thế, các cơ sở giáo dục đại học cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc phát triển đội ngũ giảng viên, mang lại lợi ích trước tiên cho trường của mình. Đội ngũ giảng viên cũng cần nhận thức rõ đây là nâng cao trình độ cho mình, cho trường và cho đất nước. Các Bộ, ngành, cơ quan chủ quản phải tạo điều kiện tối đa để các trường có giảng viên được tham gia học tập, nâng cao năng lực.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục Hợp tác quốc tế chủ trì thảo luận tại hội nghị
Thứ trưởng yêu cầu, các trường đại học phải đổi mới cách làm, quy định chính sách nội bộ để phát triển chiến lược đội ngũ giảng viên, quy hoạch đội ngũ giảng viên, chuẩn bị sớm, tạo mọi điều kiện cho ứng viên tham gia.
Đồng thời, cần khai thông tất cả các điểm nghẽn về chính sách, quy trình, có thông tin minh bạch, rõ ràng, làm tốt công tác truyền thông…
Các cơ sở giáo dục đại học cần hỗ trợ tối đa bằng tất cả các giải pháp. Cần có sự tham gia của các đơn vị chuyên môn, tìm kiếm cơ hội cho nghiên cứu sinh, tạo điều kiện, hỗ trợ giảng viên trong đào tạo, chuẩn bị năng lực ngoại ngữ, định hướng nghiên cứu, là cầu nối để đẩy mạnh hợp tác quốc tế…
Đối với các đơn vị của Bộ GDĐT, Thứ trưởng yêu cầu, dựa trên kiến nghị của các trường, cần nhìn lại, phân tích, so sánh, để có căn cứ đề xuất, từng bước nâng cao hiệu quả của Đề án.