Dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn; Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị Lê Quang Tùng; Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình Vũ Đại Thắng; Trung tướng Thái Đại Ngọc, Tư lệnh Quân khu 5; Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành trung ương, lãnh đạo 14 tỉnh/thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và đại diện các đại học, trường đại học trong vùng.
Quang cảnh Hội nghị
Ngày 03/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 29/12/2022, tại Nghị quyết số 168, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai thực hiện Nghị quyết số 26.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đều đã có Kế hoạch hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168 của Chính phủ, với mục tiêu xác định: Đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao;… Và tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao;…”.
Nhìn nhận về giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Bộ trưởng đánh giá: Chất lượng giáo dục, đào tạo từng bước được nâng cao và đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận. Mặc dù vậy, giáo dục và đào tạo của vùng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức như: nhiều chỉ số về phát triển còn thấp hơn mức trung bình của cả nước; chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đồng đều giữa các địa phương trong Vùng, … và vẫn còn đầy thách thức, nhiều khó khăn khác cần tiếp tục nhận diện, có giải pháp phù hợp để khắc phục và phát triển trong thời gian sắp tới.
“Do đó, Hội nghị ngày hôm nay, Bộ GDĐT mong muốn sẽ cùng với các địa phương thảo luận, nhận diện bức tranh giáo dục vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ hiện nay; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những việc đã làm được trong thời gian qua và trên cơ sở đó cùng nhau đề ra các giải pháp để phát triển giáo dục vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Các địa phương đã quan tâm thì tiếp tục quan tâm hơn. Các Bộ, ngành sẽ tăng cường sự thấu hiểu, đồng hành và hỗ trợ để các địa phương thực hiện thành công các mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo”, Bộ trưởng nói.
Nhiều chỉ số giáo dục và đào tạo thấp hơn bình quân cả nước
Báo cáo về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Trong giai đoạn 2011-2022, quy mô và mạng lưới các cấp học được đầu tư phát triển đồng bộ, đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho người dân, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương trong vùng và cả nước. Toàn vùng hiện có 12.322 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn báo cáo tại Hội nghị
Các địa phương đã chú trọng công tác huy động trẻ đến trường và học sinh nhập học đúng độ tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh đi học đúng độ tuổi ở cấp học đều gia tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo và trẻ 5 tuổi đều thấp hơn so với bình quân của cả nước và không đồng đều giữa các địa phương trong vùng. Trong đó, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường của vùng thấp nhất cả nước. Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi các cấp Tiểu học tăng 1,1% so với năm học 2010-2011 tương đương so với bình quân của cả nước. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục các cấp học đều thấp hơn bình quân của cả nước.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từng bước được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa. Tuy nhiên, tỷ lệ kiên cố hóa của Vùng thấp hơn 0,5% so với trung bình cả nước và tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu đạt thấp hơn 0,1% so với trung bình cả nước.
Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học tăng dần hằng năm và cao hơn so với bình quân của cả nước. Mặc dù kết cấu hạ tầng các cấp học đã được quan tâm đầu tư. Vẫn có hiện tượng thiếu phòng học cục bộ tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, vẫn còn 1.036 phòng học nhờ, mượn (chiếm 17,4% tổng số phòng học nhờ, mượn trên cả nước), tập trung chủ yếu tại cấp học Mầm non và Tiểu học.
Năm học 2021-2022, toàn vùng có 258.255 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông, thường xuyên, tăng 12.598 giáo viên so với năm học 2010-2011. Tuy nhiên, giống như các vùng khác, tỷ lệ giáo viên/lớp các cấp học trong vùng đều thấp hơn định mức theo quy định của Bộ GDĐT; cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu tại các địa phương, trường học.
Trong những năm qua, chất lượng giáo dục phổ thông có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh lên lớp ở cấp Tiểu học và cấp THCS có chiều hướng gia tăng và cao hơn bình quân cả nước. Tuy vậy, tỷ lệ học sinh lên lớp cấp THPT của Vùng lại thấp nhất cả nước. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cấp THCS và cấp THPT đều thấp hơn so với quân cả nước.
Giáo dục mũi nhọn của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2013 -2023, số học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia của vùng là 5.645 học sinh (đạt 53,3% tổng số thí sinh tham dự, chiếm 23,3% tổng số giải trong cả nước) và 84 giải tại Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế (chiếm 23,3% tổng số giải của cả nước).
Quy mô đào tạo đại học và sau đại học tăng dần qua các năm, đứng thứ ba trong sáu vùng kinh tế - xã hội. Toàn vùng hiện có toàn vùng có 44 trường đại học. Bình quân hằng năm, có hơn 31.000 sinh viên và hơn 2.400 học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng trao đổi tại Hội nghị
Chất lượng lao động của vùng ngày càng được cải thiện với tỷ lệ lao động có bằng cấp/chứng chỉ của vùng năm 2021 đạt 25,8%. Trong đó, tỷ lệ lao động lao động trong lĩnh vực kinh tế biển được đào tạo các trình độ đạt khoảng 68% (tăng 39,6% so với năm 2010). Tuy nhiên, tỷ lệ lao động có bằng cấp vẫn thấp hơn 0,3% so với mức bình quân chung của cả nước.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ GDĐT xác định một số mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030.
Cụ thể, nâng cao trình độ dân trí và thu nhập của người dân trong vùng là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của các địa phương trong vùng và cả nước. Tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng cơ bản chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa.
Nâng cao chất lượng giáo dục, bao gồm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực ngoại ngữ, tin học; cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhân lực của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của vùng; tăng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao cho đồng bào, tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển vùng. Nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn ở Vinh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Nha Trang trở thành những trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới.
Đến năm 2030, các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục, đào tạo của vùng không ngừng được nâng cao; khoảng cách về chất lượng giáo dục, đào tạo giữa các địa phương dần được thu hẹp và tiệm cận với mặt bằng chung của cả nước. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt khoảng 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 35 - 40%.
Vừa phát triển giáo dục mũi nhọn, vừa quan tâm đến công bằng giáo dục
Hội nghị ghi nhận các ý kiến tham luận, thảo luận từ lãnh đạo các địa phương: Nghệ An, Quảng Trị, Khánh Hoá, Phú Yên, Thừa Thiên Huế. Các ý kiến trao đổi tập trung làm rõ những kết quả của giáo dục từng địa phương thời gian qua, cùng với đó là những khó khăn, hạn chế và giải pháp để phát triển giáo dục và đào tạo của từng địa phương, gắn với phát triển giáo dục vùng trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng trao đổi tại Hội nghị
Một số kiến nghị đã được các địa phương gửi tới Chính phủ, các Bộ, ngành. Trong đó, tập trung vào vấn đề tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nhất là đầu tư cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo cho triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; bổ sung biên chế giáo viên và có cơ chế chính sách phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; tiếp tục có chính sách khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội hoá vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo; chính sách phân luồng sau THCS, quan tâm chính sách và nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên…
Đại diện một số cơ sở giáo dục đại học trong vùng kiến nghị các Bộ, ngành nghiên cứu trên cơ sở Nghị quyết 26 có các chính sách tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, cần sớm có quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học trong vùng, qua đó nâng cao tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học - hiện nay tỷ lệ này của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đang thấp nhất cả nước.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tinh thần của Nghị quyết 26 đặt ra những định hướng phát triển rất quan trọng, mục tiêu cao và kỳ vọng lớn với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trong đó xác định giải pháp đột phá là phát triển nguồn nhân lực. Với định hướng và mục tiêu như vậy, theo Bộ trưởng những nhiệm vụ đặt ra cho ngành Giáo dục rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. “Chúng ta cần xác định kết quả giáo dục sẽ rất quan trọng trong thực hiện thành công Nghị quyết 26”, Bộ trưởng nêu rõ.
Cho rằng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có các đặc điểm khác với các vùng còn lại, do đó định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của vùng phải có điểm khác, điểm riêng, Bộ trưởng đề cập cụ thể tới một số định hướng.
Theo đó, đây là vùng đa dạng với 3 tiểu vùng rõ nét, vì vậy, ngoài liên kết vùng còn phải quan tâm đến liên kết tiểu vùng. Với một vùng có đường bờ biển dài, từ khoá “biển” phải được nhấn mạnh, tận dụng trong phát triển, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bởi khi kinh tế biển càng phát triển thì nhân lực cho kinh tế biển càng đòi hỏi cao hơn. Kinh tế biển, đảm bảo quốc phòng - an ninh biển phải trở thành nội dung nghiên cứu, đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận Hội nghị
Với sự dạng trong nội bộ vùng, Bộ trưởng cho rằng, giáo dục và đào tạo Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phải tính đến yếu tố đa dạng này để vừa quan tâm phát triển giáo dục mũi nhọn, vừa tính đến công bằng trong giáo dục cho các vùng miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng hải đảo.
Một trong những đặc điểm của giáo dục vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là truyền thống hiếu học - nhắc tới đặc điểm này, Bộ trưởng đồng thời cũng chỉ ra, nơi nào sự hiếu học càng cao sự căng thẳng của việc học hành càng lớn. Do đó, bên cạnh phát huy hiếu học, các địa phương trong vùng cần điều chỉnh cách thức phát triển nhân tài theo các mô hình mới của thời đại.
Một số thách thức với giáo dục vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ được Bộ trưởng nhắc tới đó là thách thức cần nâng cao chất lượng, thách thức của công bằng giáo dục, thách thức từ sự phân bổ chưa đều về tỷ lệ ngoài công lập, thách thức khi dù là vùng giao lưu quốc tế thuận lợi nhưng quốc tế hoá trong giáo dục còn chưa tương xứng.
Về các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Bộ trưởng nhấn mạnh đầu tiên tới việc tập trung quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng. Trong đó, 2 đại học vùng là Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng cần phát triển hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và mạnh của vùng trong thời gian sắp tới. Nghiên cứu để có giải pháp cho các trường đại học địa phương, các trường cao đẳng sư phạm. Trong viêc quy hoạch, Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương quan tâm quy hoạch đảm bảo đất cho giáo dục mầm non, phổ thông.
Đối với các giải pháp về điều kiện đảm bảo chất lượng, Bộ trưởng đề nghị các địa phương trong vùng quan tâm đảm bảo cơ sở vật chất và hướng tới hiện đại hoá cơ sở vật chất; phát triển đội ngũ giáo viên về cả số lượng và chất lượng; phát triển trường nội trú, quan tâm giáo dục dân tộc, đảm bảo chất lượng giáo dục miền núi, vùng khó khăn, hải đảo; quan tâm tới giáo dục chuyên biệt, đảm bảo sự công bằng trong giáo dục.
Là vùng có tỷ lệ người học đại học thấp nhất trong các vùng kinh tế - xã hội, theo Bộ trưởng các địa phương cần có giải pháp để tăng tỷ lệ này, trong đó có giải pháp về đầu ra, việc làm để gia tăng người học đại học . “Đây là vấn đề dân trí nhưng cũng là nhân lực chất lượng cao”, Bộ trưởng nói, đồng thời lưu ý các địa phương về việc đổi mới công tác phát hiện, bồi dưỡng nhân tài.
Về một số nhiệm vụ trước mắt các địa phương cần tập trung, Bộ trưởng lưu ý tới việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; chuẩn bị điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 các năm tiếp theo; chuẩn bị tốt cho cho năm học mới, trong đó có vấn đề đảm bảo cung ứng đầy đủ sách giáo khoa.