Cùng dự có Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương và địa phương và đông đảo quần chúng nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ân cần hỏi thăm, tặng quà các cựu chiến binh
Phát biểu tại điểm cầu Tuyên Quang, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết Cảng Hàng không Điện Biên trước đây chỉ tiếp nhận được máy bay cỡ nhỏ do chiều dài đường băng ngắn, các trang thiết bị dẫn đường hạn chế, hoạt động bay phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết nên hiệu quả khai thác chưa cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành, địa phương thực hiện nghi thức khánh thành tại điểm cầu Điện Biên.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Điện Biên nói riêng cũng như các tỉnh lân cận trong khu vực Tây Bắc, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên và giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam triển khai thực hiện. Dự án xây mới đường cất hạ cánh dài 2.400m, sân đỗ máy bay và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thiết bị quản lý bay, dẫn đường hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay như Airbus A320, A321; đồng thời, nâng cấp nhà ga đáp ứng công suất khai thác 500.000 hành khách/năm.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.470 tỷ đồng, được khởi công ngày 22/01/2023, đã hoàn thành đưa vào khai thác thương mại từ ngày 02/12/2023.
Dự án hoàn thành rút ngắn thời gian di chuyển giữa mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ với Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế khác trên cả nước; góp phần chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; đặc biệt có ý nghĩa thúc đẩy du lịch khi Điện Biên là tỉnh đăng cai tổ chức năm du lịch quốc gia 2024.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh xúc động chia sẻ: Qua nhiều mùa hoa ban, mang theo ước muốn của nhiều thế hệ lãnh đạo ngành hàng không Việt Nam, thực hiện lời hứa với Thủ tướng Chính phủ tại công trường, đến nay, sau 22 tháng quyết liệt triển khai, ACV đã hoàn thành đưa Dự án cảng hàng không Điện Biên.
Mặc dù dự án không lớn, với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, cộng với 1.500 tỷ đồng giải phóng mặt bằng do tỉnh Điện Biên nhịn ăn, nhịn mặc làm chủ đầu tư, nhưng thành quả ngày hôm nay đem lại niềm vui, niềm tự hào hết sức to lớn, nâng cao nhận thức của ACV trong việc thực hiện nhiệm vụ của một Tổng công ty nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư xây dựng, quản lý khai thác hệ thống cảng hàng không toàn quốc, đặc biệt là thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao đối với hạ tầng CHK vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
Tàu bay A321 đầu tiên hạ cánh tại sân bay Điện Biên.
Đối với hàng không dân dụng, Cảng hàng không Điện Biên nằm trong hệ thống 21 cảng hàng không được giao ACV quản lý, khai thác. Trong nhiều năm qua, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã luôn cố gắng duy trì đảm bảo điều kiện khai thác bay tại Cảng HK Điện Biên để đảm bảo đi lại cho người dân và góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tuy nhiên, trước đây do điều kiện kỹ thuật hạn chế, địa thế lòng chảo đặc biệt, sân bay Điện Biên chỉ có thể tiếp nhận được loại tàu bay nhỏ ATR72 và tương đương, thường xuyên không tiếp nhận được các chuyến bay do điều kiện thời tiết.
Trang thiết bị hiện đại Cảng hàng không Điện Biên
Đến nay, sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên vớiđường cất hạ cánh được xoay trục xây mới có chiều dài 2,4 km, rộng 45m, sân quay 2 đầu, sân đậu tàu bay mới với 4 vị trí, đồng bộ kết cấu bê tông xi măng, đảm bảo tiếp thu các loại tàu bay thế hệ mới A320, A321 hoặc tương đương.
Nhà ga hành khách được mở rộng nâng công suất thiết kế lên 500 nghìn khách/năm, khả năng tiếp thu 1 triệu hành khách/năm đã nâng cao được năng lực khai thác, tạo điều kiện kết nối hiệu quả Điện Biên với các vùng kinh tế khác trên cả nước bằng tàu bay phản lực hiện đại và cũng là tiền đề cho các đường bay quốc tế trong tương lai; góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đồng thời đảm bảo an ninh - quốc phòng của khu vực Tây Bắc của Tổ quốc.
Thay mặt chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên gửi lời cảm ơn đến các cấp ngành, các đơn vị thi công, sự ủng hộ, đồng thuận của các hộ dân đã nhường đất cho dự án. Để hôm nay có dự án sân bay to, đẹp hơn.
Theo ông Lê Thành Đô, đây là sự kiện chính trị quan trọng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Xác định đây là dự án trọng điểm, tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo do Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban. Chỉ sau 7 tháng đã bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư triển khai dự án.
Nhờ sự nỗ lực của các đơn vị liên quan, đặc biệt là sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên chỉ trong 14 tháng, các hạng mục chính của dự án đã được hoàn thành và đón chuyến bay đầu tiên bằng tàu bay A321 từ TP.HCM ra Điện Biên ngày 2/12. Đây là tiền đề giúp tỉnh phát triển hơn nữa, nhất là các mặt tỉnh có thế mạnh như du lịch, giúp kết nối với các tỉnh ngày càng phát triển. Với địa phương đây cũng là sự kiện Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Điện Biên và ngày truyền thống ngành GTVT.
Chủ tịch tỉnh Điện Biên đề nghị Bộ GTVT tiếp tục đầu tư hệ thống đường bộ, nhất là cao tốc Sơn La - Điện Biên đã được phê duyệt, giúp kết nối Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội, các tỉnh của Lào để phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh Điện Biên cam kết phối hợp thực hiện, khai thác hiệu quả các dự án.
Nghi thức gắn biển công trình tại cảng hàng không Điện Biên.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự kiện khánh thành 4 dự án lớn hôm nay đã góp phần từ đã giúp cả nước khánh thành và đưa vào khai thác thêm 729 km đường cao tốc chỉ trong nửa đầu nhiệm kỳ này, nâng tổng số đường cao tốc của cả nước lên 1.892 km và đang triển khai thi công 37 dự án/dự án thành phần trải dài trên cả nước với tổng chiều dài 1.658 km phấn đấu để đến năm 2025 cả nước có khoảng 3000 km đường cao tốc.
“Việc chúng ta đồng loạt khánh thành Dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên và 3 dự án đường cao tốc: Tuyên Quang - Phú Thọ; Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 chính là minh chứng rõ nét cho quyết tâm của Chính phủ, ngành GTVT trong việc hoàn thành mục tiêu đột phá về cơ sở hạ tầng”, Thủ tướng cho biết.
Theo Thủ tướng, các dự án được khánh thành hôm nay có đặc điểm chung là xuất hiện vướng mắc cần tháo gỡ, quy mô vốn lớn đòi hỏi sự tham gia của nhiều nguồn vốn khác nhau; biến động giá vật liệu xây dựng, thậm chí sân bay Điện Biên phải nghiền đá để làm vật liệu đắp nền; thi công trong điều kiện dịch bệnh.
“Tuy nhiên với sự nỗ lực cao độ, cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần vượt nắng, thắng mưa, ý chí kiên cường, làm việc 3 ca 4 kíp, thi công xuyên Tết…vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cả 4 dự án đều đã về đích đúng tiến độ. Điều này đã truyền cảm hứng to lớn và để lại những bài học quan trọng cho các công trình khác”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá.
Thủ tướng thăm nhà ga cảng hàng không Điện Biên.
Điều đặc biệt 4 dự án này, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, là việc Bộ GTVT, Ủy ban quản lý vốn nhà nước và UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức triển khai đúng tiến độ, chất lượng đã thể hiện thành công chủ trương phân cấp cho địa phương, huy động nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước.
“Tôi đánh giá cao, ghi nhận và biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Bộ GTVT, của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, của các tỉnh, thành phố được giao thực hiện dự án, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, địa phương, các Ban quản lý dự án; chính quyền và nhân dân 6 tỉnh có dự án đi qua đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện Dự án”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung khai thác hiệu quả các dự án vừa hoàn thành, triển khai sớm các trạm dừng nghỉ phục vụ nhân dân; tiếp tục tập trung đầu tư cải thiện đời sống nhân dân vùng dự án; thực hiện duy tu, bảo dưỡng, hoàn thiện các hạng mục còn lại, trong đó có việc hoàn trả các đường công vụ; thanh quyết toán công khai minh bạch, chống thất thoát…
T.H