1. Sự cần thiết ban hành chính sách
(i) Thực hiện quy định tại Nghị định số 23/2024/NĐ-CP
Công tác lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ trước đây được thực hiện theo quy định của Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT ngày 07/3/2023 của Bộ GTVT, được ban hành trên cơ sở quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 và Điều 16 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Hiện nay, điều khoản này đã hết hiệu lực thi hành theo quy định tại khoản 2 Điều 66 của Nghị định số 23/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ.
Nghị định số 23/2024/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành tại khoản 2 Điều 67 Điều khoản thi hành, trong đó rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực, kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế để bảo đảm không trái với quy định của Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và Nghị định số 23/2024/NĐ-CP.
(ii) Sự cần thiết về việc ban hành các quy định theo pháp luật chuyên ngành làm cơ sở cho việc lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương tổ chức đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn Nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư kinh doanh ngành giao thông vận tải.
Trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành, Bộ GTVT đang nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ lựa chọn Nhà đầu tư xây dựng các Dự án đầu tư kinh doanh lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó có chuyên ngành giao thông đường bộ. Đặc biệt là các công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, đây là các dự án quan trọng quốc gia, nhằm tạo động lực, không gian mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và để đáp ứng nhu cầu vận tải với lưu lượng lớn ở tốc độ cao. Về tiến độ dự án cao tốc, giai đoạn 2017 - 2020 đã hoàn thành một số dự án thành phần và đưa vào khai thác sử dụng; giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc, trạm dừng nghỉ là một bộ phận của công trình đường cao tốc. Việc đầu tư xây dựng đồng bộ trạm dừng nghỉ là bắt buộc và vô cùng cấp thiết để kịp thời
với việc vận hành khai thác đường cao tốc, bảo đảm an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng cao tốc.
Bộ GTVT đã phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm 36 trạm dừng nghỉ, trong đó Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền với 24 trạm dừng nghỉ. Hiện nay, Bộ GTVT đang mời thầu lựa chọn nhà đầu tư 08 trạm theo Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT ngày 07/3/2023 của Bộ trưởng Bộ GTVT. Đối với 16 trạm dừng nghỉ còn lại cần thiết phải xây dựng Thông tư hướng dẫn theo quy định của Nghị định 23/2024/NĐ-CP của Chính phủ (thay thế Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT) làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Ngày 21/02/2024, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 16/CĐ-TTG về đẩy nhanh nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ, công điện có nêu: “… việc vận hành các tuyến đường bộ cao tốc quy mô phân kỳ còn một số hạn chế như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông (như vụ tai nạn xảy ra ngày 18/02/2024 trên tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - La Sơn)” và giao Bộ Giao thông vận tải “Chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu ngay các giải pháp tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, hiệu quả và kiểm soát tốt nhất các hoạt động giao thông để bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ cao tốc quy mô phân kỳ, bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân;…., rà soát bổ sung đầy đủ, đồng bộ các công trình hạ tầng trên tuyến (như hệ thống giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ,…)”. Do vậy, việc đầu tư trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông nhằm hoàn thành đồng bộ phục vụ vận hành, khai thác an toàn trên các tuyến cao tốc là hết sức cần thiết và cấp bách. Để rút ngắn thời gian hoàn thành trạm dừng nghỉ, ngoài việc phải đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng (yêu cầu tăng ca, tăng kíp), công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư cũng cần được rút ngắn tối đa.
Do vậy, việc sớm ban hành các quy định theo pháp luật chuyên ngành nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý pháp luật theo phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải làm cơ sở cho việc lựa chọn nhà đầu tư nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ là hết sức cần thiết và cấp bách, cần được đẩy nhanh tiến độ để kịp thời có cơ sở tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đáp ứng tiến độ vận hành khai thác dự án cao tốc.
2. Chính sách cơ bản
(i) Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn một số nội dung chi tiết về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ, bao gồm:
- Áp dụng tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án đầu tư kinh doanh công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ.
- Tiêu chí đánh giá về hiệu quả đầu tư dự án đầu tư kinh doanh công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ.
(ii) Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
(iii) Bố cục, kết cấu
Bố cục, kết cấu của Thông tư gồm 08 Điều và 02 Phụ lục.
(iv) Nội dung cơ bản của chính sách
Nội dung thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết, mang tính chất đặc thù của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực liên quan đến (i) rà soát tiêu chuẩn để quy định áp dụng theo yêu cầu tại điểm b Khoản 2 Điều 67 Nghị định số 23/2024; (ii) Hướng dẫn các tiêu chí đánh giá về hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực theo Giá trị tối thiểu bằng tiền nộp ngân sách nhà nước phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 47 Nghị định 23/2024/NĐ-CP và theo yêu cầu tại điểm b Khoản 2 Điều 67 Nghị định số 23/2024, cụ thể:
Chính sách 1: Áp dụng tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án đầu tư kinh doanh công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ (Điều 6 dự thảo thông tư).
Căn cứ xây dựng: theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 67 Nghị định số 23/2024/NĐ-CP “Tổ chức rà soát đánh giá việc áp dụng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá về phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư….”, trong đó:
- Đối với công trình trạm dừng nghỉ:
Theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 23/2024/NĐ-CP có 07 tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên qua rà soát chỉ có tiêu chuẩn đánh giá về Giá trị tối thiểu bằng tiền nộp ngân sách nhà nước (Khoản 2 Điều 47) là phù hợp với các công trình trạm dừng nghỉ, việc áp dụng tiêu chuẩn trên cũng phù hợp với các công trình trạm dừng nghỉ đang thực hiện theo quy định của Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT, đồng thời cũng có nghiên cứu trên cơ sở trạm dừng nghỉ của địa phương đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trước đây (trạm dừng nghỉ Hữu Lũng – Lạng Sơn).
- Đối với công trình khác: tùy theo đặc thù phát sinh của công trình để áp dụng 01 trong tổng số 07 tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực quy định tại Điều 47 Nghị định số 23/2024/NĐ-CP.
Chính sách 2: Xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án đầu tư kinh doanh công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ
Căn cứ xây dựng: Đối với tiêu chuẩn áp dụng về Giá trị tối thiểu bằng tiền nộp ngân sách nhà nước tại khoản 2 Điều 47 Nghị định số 23/2024/NĐ-CP quy định yêu cầu “2. Giá trị tối thiểu bằng tiền nộp ngân sách nhà nước căn cứ yêu cầu, tiêu chí đặc thù quy định tại pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.”, do vậy cần có đưa ra tiêu chí đánh giá đối với giá trị tối thiểu bằng tiền nộp ngân sách nhà nước.
- Dự thảo thông tư xây dựng quy định cụ thể tiêu chí đánh giá về Giá trị tối thiểu bằng tiền nộp ngân sách nhà nước theo thang điểm được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 44 Nghị định số 23/2024/NĐ-CP “b) Điểm tối thiểu của tiêu chuẩn, tiêu chuẩn chi tiết không thấp hơn 60% điểm tối đa của tiêu chuẩn đó. Đối với dự án áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, điểm tối thiểu của tiêu chuẩn, tiêu chuẩn chi tiết quy định tại Điều 45 và Điều 46 của Nghị định này không thấp hơn 70% điểm tối đa của tiêu chuẩn đó;”. Đối với các tiêu chuẩn đánh giá được áp dụng khác do Bên mời thầu, Tổ chuyên gia xây dựng cụ thể để phù hợp với quy định tại các phụ lục 2 và 3 ban hành kèm theo Thông tư số 03/2024/TT-BKHĐT ngày 06/3/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định mẫu hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực (Mục 3.3. Tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương)
- Phương pháp xác định giá trị tối thiểu bằng tiền nộp ngân sách nhà nước đối với công trình trạm dừng nghỉ được xây dựng tương tự như Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT (được quy định trong phụ lục VIII Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT hiện vẫn đang còn hiệu lực thi hành). Đối với các công trình khác do Bên mời thầu, Tổ chuyên gia xây dựng cụ thể phù hợp với tính chất cụ thể của công trình.
3. Các nội dung khác
Hiện nay, Hồ sơ dự thảo Thông tư đang được đăng tải tại Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT tại địa chỉ: https://mt.gov.vn/vn/Pages/chitietduthao.aspx?iDuThao=1784.
Bộ GTVT trân trọng gửi thông tin đến các Quý Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý. Ý kiến góp ý xin gửi về Bộ GTVT, địa chỉ: 308E Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội, email: ketcauhatang@mt.gov.vn trước ngày 20/5/2024 để tổng hợp, hoàn thiện Thông tư./.