Sign In

Thứ trưởng Trần Quốc Phương làm việc với Đoàn Điều IV, Quỹ Tiền tệ Quốc tế

13:49 19/06/2024
(MPI) - Ngày 19/6/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã có buổi làm việc với Đoàn Điều IV, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do ông Paulo Medas làm Trưởng đoàn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Trưởng đoàn tham vấn và giám sát kinh tế vĩ mô Việt Nam của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Paulo Medas. Ảnh: MPI

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chào mừng ông Mission Chief và Đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời thông tin, chia sẻ về những vấn đề được Đoàn quan tâm về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam; chính sách tài khóa và tiền tệ; chính sách thu hút đầu tư; kiểm soát lạm phát;…

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, đây là nền tảng quan trọng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng và năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng là 6 - 6,5%. Việc thực hiện mục tiêu đề ra trong năm 2024 cũng tạo đà quan trọng cho việc thực hiện mục tiêu đưa ra tại kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; tiến tới thực hiện mục tiêu đưa đất nước trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.

Về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, Thứ trưởng cho biết, Chính phủ Việt Nam thực hiện chủ trương kết hợp hài hòa và đồng bộ cả hai chính sách này. Hiện Việt Nam cũng đang nghiên cứu các giải pháp để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Chính sách tài khóa vẫn còn dư địa có thể triển khai, trong đó tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Về các vấn đề tác động ảnh hưởng đến lạm phát như dự kiến tăng lương vào tháng 7/2024, điều chỉnh giá dịch vụ nhà nước kiểm soát liên quan đến giáo dục, y tế, điện…, Thứ trưởng cho biết, Chính phủ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đánh giá, tính toán, đưa ra kịch bản điều hành giá để đưa ra mức tăng phù hợp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra từ 4 - 4,5%.

Về các tác động ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin, trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn và biến động nhưng tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam những tháng gần đây vẫn ở mức tốt. Điều này cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam tiếp tục được củng cố; nhiều nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, nhiều tiềm năng và dư địa trong trung và dài hạn. Cùng với các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu nước ngoài như hoàn thiện thể chế, chính sách; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; một số chính sách đã được ban hành và gần đây nhất là Luật Đất đai (sửa đổi); hệ thống các quy hoạch quốc gia đã được phê duyệt, trong đó đưa ra các danh mục dự án với tầm nhìn dài hạn để các nhà đầu tư nghiên cứu, đầu tư;... cho thấy những triển vọng trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI

Thứ trưởng cũng đã thông tin, chia sẻ về việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu và cho biết, Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; là một trong những quốc gia tham gia Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và các vấn đề rủi ro môi trường. Nhu cầu của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu là rất lớn. Do vậy, Việt Nam mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các đối tác, các nhà đầu tư trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra.

Ông Paulo Medas cảm ơn Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã dành thời gian tiếp đón Đoàn và đã có những thông tin trao đổi rất cởi mở; đồng thời bày tỏ ấn tượng trước những kết quả đạt được của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, biến động như hiện nay nhưng Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả tốt trong thu hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu.

Ông Paulo Medas cũng bày tỏ ấn tượng về những cải cách của Việt Nam; nhấn mạnh các yếu tố tác động đến nền kinh tế như cơ cấu dân số, biến đổi khí hậu; cải cách thể chế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; công tác phòng chống tham nhũng, quản trị nhà nước;… đồng thời khẳng định, các vấn đề được trao đổi, thảo luận sẽ được Đoàn công tác nghiên cứu, bổ sung để đưa vào báo cáo của Đoàn./.

Tag:

File đính kèm