Sign In

Hội thảo Hợp tác quốc tế phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch

17:22 02/10/2024
(MPI) - Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 và Lễ Kỷ niệm 05 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), chiều ngày 01/10/2024 đã diễn ra Hội thảo Hợp tác quốc tế phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch.

Tham gia Hội thảo có ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC; đại diện các tập đoàn bán dẫn như Qorvo, Cadence, Marvell Việt Nam và các trường đại học như Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu. Ảnh: MPI

Hội thảo là một trong những hoạt động ý nghĩa nhằm triển khai chương trình “Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, xây dựng, trình và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu khai mạc, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan, bộ ngành liên quan và các doanh nghiệp bán dẫn để có thể triển khai ngay việc đào tạo nguồn nhân lực và kỹ sư ngành bán dẫn.

NIC cũng đã phối hợp chặt chẽ với nhiều tập đoàn công nghệ như Cadence, Qorvo, Siemens, Google, Samsung,… triển khai các chương trình đào tạo cũng như thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D), từng bước hình thành hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam.

Hợp tác giữa Nhà nước - Viện, trường - Doanh nghiệp là đòn bẩy cho sự phát triển và đổi mới chưa từng có trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam, đồng thời cũng là yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển đột phá nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn, đào tạo 50.000 nghìn kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030 (trong đó 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư trong đóng gói, kiểm thử và lĩnh vực khác), ông Võ Xuân Hoài chia sẻ.

Ông Võ Xuân Hoài cũng bày tỏ vui mừng trước những thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa NIC với các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Cadence, Qorvo, Marvell, Siemens... trong việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, xây dựng hệ sinh thái, phát triển nguồn nhân lực, cấp học bổng và đào tạo sinh viên tài năng trong lĩnh vực bán dẫn. Sự hợp tác toàn diện này mở ra những cơ hội chưa hội chưa từng có cho các sinh viên, kỹ sư Việt Nam gia nhập ngành công nghiệp đầy tiềm năng này.

Nhân dịp này, Phó Giám đốc NIC đề nghị các tập đoàn công nghệ tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa các giải pháp bán dẫn sáng tạo; triển khai các chương trình đào tạo cho sinh viên, kỹ sư, nhà nghiên cứu công nghệ bán dẫn; giới thiệu các công nghệ mới nhất và phù hợp cho cộng đồng bán dẫn tại Việt Nam; phối hợp với NIC cấp học bổng cho sinh viên tài năng muốn theo đuổi ngành bán dẫn; thúc đẩy niềm say mê và trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng thực hành cho sinh viên, giảng viên ngành bán dẫn.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Hội thảo cũng nhận được sự tham dự của đại diện các tập đoàn công nghệ lớn để chia sẻ về một số yêu cầu cơ bản của kỹ sư thiết kể vi mạch và những hỗ trợ, hợp tác của tập đoàn để giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch. Đại diện Trường Đại học Khoa học tự nhiên và Đại học Bách khoa đều đánh giá cao và cảm ơn sự hợp tác của NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc kết nối các viện, trường và doanh nghiệp để giúp đào tạo cho các sinh viên, học sinh có cơ hội được tiếp cận nhiều khóa học, chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Các trường cũng nhấn mạnh tiềm năng của việc tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế để nhanh chóng, kịp thời nắm lấy cơ hội làm chủ công nghệ bán dẫn dựa vào niềm đam mê và quyết tâm cao; chung tay xây dựng môi trường thuận lợi cho các sinh viên được phát huy năng lực đổi mới sáng tạo và hiện thực hóa những ước mơ của thế hệ kỹ sư trẻ trong ngành bán dẫn.

Hội thảo không chỉ thúc đẩy hợp tác quốc tế phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn mà còn là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là một giải pháp quan trọng để phát huy khâu đột phá về giá trị con người Việt Nam trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội./.

Tag:

File đính kèm