Sign In

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc với tỉnh Yên Bái

16:15 13/04/2023
(MPI) - Sáng ngày 13/4/2023, Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Yên Bái nhằm triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công táckiểm tra một số công trình, dự án tại tỉnh Yên Bái

Theo chương trình công tác, sau khi đi kiểm tra công trình cầu Giới Phiên, thành phố Yên Bái; Khu công nghiệp Trấn Yên; nút giao IC13, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công tác đã làm việc với tỉnh Yên Bái về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 và quý I/2023.

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước; Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022, quý I/2023; nhấn mạnh đến những kết quả đạt được về kinh tế, về kế hoạch đầu tư công và đưa ra kiến nghị, đề xuất cụ thể.

Năm 2022, tốc độ tăng GRDP đạt 8,62%, cao hơn trung bình của cả nước; đứng thứ 8/14 tỉnh trong khu vực. Tốc độ tăng ngành nông nghiệp đạt khá: 5,95%, cao nhất trong Vùng và là bệ đỡ cho phát triển của tỉnh. Du lịch tiếp tục phục hồi và tăng khá, lượng khách du lịch đến tỉnh gấp 2,0 lần so với năm 2021,... Có 31/32 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; Công tác an sinh, bảo đảm xã hội tiếp tục được quan tâm.

Trong 3 tháng năm 2023, tỉnh đã đạt được một số kết quả như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2023 đạt 6,04% (đứng thứ 7/14 tỉnh trong vùng). Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,48%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,75%; Dịch vụ tăng 5,16%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,26%.

Sản xuất công nghiệp khởi sắc: Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 8,58% so với cùng kỳ năm 2022; Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 3.629 tỷ đồng, bằng 21,5% kế hoạch, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Thương mại dịch vụ có xu hướng phục hồi tích cực: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.454,7 tỷ đồng, bằng 25,3% kế hoạch, tăng 14,9% (tương đương 837,1 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước những khó khăn, thách thức hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra và để đạt được điều này thì chúng ta cần nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong những quý tiếp theo. Đồng thời nhấn mạnh, để tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư và xây dựng trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 phân công các đồng chí Thành viên Chính phủ trực tiếp làm việc với từng địa phương để nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả và thực chất nhằm tháo gỡ và phục hồi phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái với sự sáng tạo, tư duy đổi mới, bài học hay. Báo cáo của tỉnh Yên Bái khá đầy đủ, toàn diện, phản ánh đúng tình hình thực tế trong năm các năm 2021, năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023 và hoàn toàn nhất trí với các kết quả, nhận định và đánh giá của Tỉnh.

Yên Bái có vị trí trung tâm của vùng núi và trung du Bắc bộ Việt Nam và là cửa ngõ miền Tây Bắc, nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh - Hải phòng, tỉnh có diện tích tự nhiên lớn, trên 6.886 km2 (đứng thứ 6/14 toàn Vùng).

Về cơ sở hạ tầng kết nối đồng bộ, với mạng lưới giao thông đường bộ tương đối phát triển, nhất là các tuyến cao tốc và quốc lộ theo cả trục dọc và trục ngang: cao tốc Nội Bài - Yên Bái, các quốc lộ QL32, 32C, QL37, QL70, QL2D; đường thủy nội địa trên sông Hồng và vùng hồ Thác Bà, sông Chảy; đường sắt (tuyến đường sắt xuyên Á Hà Nội - Yên Bái - Trung Quốc); tỉnh đã được tiếp cận thuận tiện nhiều cơ sở hạ tầng kết nối liên vùng (Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, cửa khẩu quốc tế Yên Bái...).

Nguồn tài nguyên thiên nhiên khoáng sản tương đối đa dạng, phong phú về chủng loại như vật liệu xây dựng, khoáng chất công nghiệp, kim loại và nước khoáng; Tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn, tỷ lệ che phủ rừng cao, 63% là lợi thế phát triển nông - lâm sản gắn với vùng nguyên liệu, dược liệu, sản phẩm đặc hữu. Tiềm năng cho phát triển du lịch về sinh thái - văn hóa, tham quan vãn cảnh, du lịch trải nghiệm… gắn với hồ Thác Bà và các di sản văn hóa đặc trưng của 30 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, tỉnh có những khó khăn, thách thức như là tỉnh miền núi, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, quy mô kinh tế tương đối nhỏ so với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc (GRDP theo giá so sánh năm 2022 đứng thứ 9/14 toàn vùng), xuất phát điểm kinh tế thấp, dân số ít (đứng thứ 7/14 toàn vùng), hệ thống cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ, thường xuyên chịu tác động của thiên tai, trong khi nguồn lực đầu tư hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Môi trường đầu tư chưa thuận lợi, chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các dự án (đặc biệt là dự án FDI) có quy mô lớn để tạo ra các sản phẩm chủ lực. Sản xuất công nghiệp chưa bền vững, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực; Chưa phát triển du lịch xứng đáng với tiềm năng vốn có, nhất là du lịch hồ Thác Bà.

Chất lượng nguồn nhân lực thấp (năm 2021, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở đã qua đào tạo lên đạt 22,2%, đứng thứ 11/14 toàn Vùng), chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển, nhất là ở các lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, chế tạo, đổi mới, sáng tạo.

Địa hình chia cắt mạnh, tỷ lệ che phủ rừng cao, diện tích đất phát triển công nghiệp thấp, suất đầu tư và chi phí xây dựng, thường xảy ra lũ quét, lũ ống gây hư hỏng. Đời sống của một bộ phận người dân, nhất là địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu các định hướng phát triển trong giai đoạn tới. Một là, đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp trong toàn hệ thống chính trị xã hội và nhân dân, đồng thời triển khai thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 16/2/2022 và Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Hai là, đẩy nhanh việc tổ chức lập quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp để định hướng, sắp xếp, tổ chức về mặt không gian, tạo cơ hội phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, định hình không gian phát triển và cơ cấu ngành, lĩnh vực bền vững, phù hợp theo hướng giảm dần tỷ trọng công nghiệp (cần tập trung vào phương thức sản xuất bền vững, có giá trị cao hơn trong chế biến lâm sản, vật liệu xây dựng), tăng dần tỷ trọng dịch vụ (nhất là lĩnh vực du lịch, logistic), phát huy các lợi thế về sản xuất nông - lâm - thủy sản do thổ nhưỡng, khí hậu mang lại.

Ba là, huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhất là giao thông liên kết phát triển Vùng, cả nội Vùng với các tỉnh lân cận và với thành phố Hà Nội; Phát triển hành lang kinh tế gắn với hành lang giao thông; Ưu tiên đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu dịch vụ thương mại (kho bãi, logistics...), quy hoạch và đầu tư xây dựng cảng cạn (ICD).

Bốn là, phát triển dịch vụ, du lịch gắn với Bản sắc văn hóa đặc sắc dân tộc vùng cao, du lịch danh thắng, du lịch văn hóa - tâm linh.

Năm là, tiếp tục mở rộng quy mô của nhóm ngành công nghiệp khai khoáng gắn với ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, tập trung phát triển các ngành công nghiệp năng lượng sạch và công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông lâm theo hướng tinh chế. Bên cạnh đó, tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển một số ngành công nghiệp tương lai như: dược sinh học, công nghệ thông tin và kỹ thuật số,... Xây dựng là ngành phát triển đi liền với công nghiệp, tạo nên cơ sở hạ tầng nền tảng, phục vụ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Sáu là, đẩy mạnh thực hiện nông nghiệp hiệu quả cao, gắn với với chế biến nông sản, hướng đến Yên Bái trở thành nơi cung cấp các sản phẩm nông nghiệp cho Vùng Thủ đô. Tiếp tục bảo vệ rừng và đẩy mạnh tận dụng lợi thế phát triển kinh tế rừng (trồng rừng sản xuất, xuất khẩu nguyên liệu gỗ công nghiệp, phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu, phát triển khu lâm nghiệp công nghệ cao...).

Bảy là, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư có chọn lọc thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tám là, tạo sinh kế, việc làm cho đồng bào dân tộc, ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện hiệu quả chương trình MTQG.

Chín là, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài nguyên trên địa bàn Tỉnh, nhất là đất và nước; Bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước đầu nguồn và diện tích rừng theo quy hoạch.

Tỉnh cần chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới; bên cạnh đó phát triển thị trường lao động theo hướng ưu tiên phát triển lao động trong các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao sẽ có nhu cầu lao động rất lớn, điều này mở ra cơ hội việc làm lớn cho lao động trong và ngoài tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ghi nhận các nhóm kiến nghị của tỉnh và khẳng định, trên quan điểm sẽ hỗ trợ địa phương tốt nhất, Bộ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo với Chính phủ xem xét, giải quyết. Đồng thời đề nghị tỉnh Yên Bái sớm có báo cáo đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng theo đề cương tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào nhóm vấn đề cần thiết phải xử lý, giải quyết, tháo gỡ và đề xuất cụ thể với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân công các cơ quan liên quan xử lý cụ thể theo thẩm quyền./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tag:

File đính kèm