Sign In

Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ nhất

20:22 20/09/2023

(MPI) - Trình bày báo cáo một số nội dung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên và kế hoạch hoạt động của hội đồng điều phối vùng các tháng cuối năm 2023 tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ nhất, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, để phát huy hiệu quả vai trò của Hội đồng điều phối vùng trong thúc đẩy liên kết vùng để đạt được các mục tiêu phát triển chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ là thành viên Hội đồng và Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng Tây Nguyên xây dựng dự thảo Kế hoạch các tháng cuối năm 2023.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn

Hội nghị diễn ra ngày 20/9/2023 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên, gồm: Lâm Đồng, Đắc Lắk, Đắc Nông, Kon Tum và Gia Lai.

Theo báo cáo được Thứ trưởng Trần Duy Đông trình bày tại Hội nghị, Tây Nguyên là địa bàn địa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, là “phên dậu phía Tây của Tổ quốc” là “nóc nhà của Đông Dương”, thuộc tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng như GRDP bình quân đầu người năm 2022 gấp 11 lần so với năm 2002, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2002-2020 đạt gần 8%/năm và cao nhất so với các vùng.

Tuy nhiên, quy mô kinh tế vùng Tây Nguyên còn những hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế như GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội, chưa địa phương nào trong vùng tự cân đối được ngân sách, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rất thấp, giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao; khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân tộc chậm được thu hẹp.

Tình trạng di dân tự do vào Tây Nguyên ngày càng phức tạp; đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết. Tỷ lệ che phủ rừng giảm mạnh và không đạt mục tiêu đề ra; rừng tự nhiên suy giảm cả về diện tích và chất lượng. Nguồn nước có nguy cơ cạn kiệt, tình trạng khô hạn diễn biến thất thường. Giáo dục, đào tạo chuyển biến chậm; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp. Công tác chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ y tế cơ bản còn thấp so với mức trung bình cả nước. Liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược (giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng số) chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quan điểm xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại; đồng thời, Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện thể chế, cơ chế tổ chức điều phối, liên kết phát triển vùng, tiểu vùng; điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách, đặc thù về phát triển vùng Tây Nguyên.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, để đạt được các mục tiêu chung cho Vùng theo những định hướng nêu trên, từng bước xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng đủ mạnh, hiệu quả và khả thi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin gợi ý và đề nghị các thành viên Hội đồng điều phối Vùng và các đại biểu tập trung thảo luận vào một số nội dung chủ yếu như nghiên cứu các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, huy động hiệu quả nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông; phân cấp, phân quyền cho các địa phương chủ động thực hiện các dự án liên vùng kết nối, các dự án cao tốc; về một số chính sách phát triển kinh tế rừng, tạo động lực cho các thành phần kinh tế tham gia vào bảo vệ và phát triển rừng, rà soát, có ý kiến về việc trồng các loại cây ăn quả có tán như cây rừng trên đất quy hoạch cho lâm nghiệp nhưng đang sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, đề xuất giải pháp về tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên nước; tăng khả năng trữ và lưu giữ nước của các công trình hồ chứa, bảo đảm an ninh nguồn nước cho vùng; giải pháp tăng cường hợp tác trong quản lý, chia sẻ lợi ích từ tài nguyên nước; chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp gắn với nông nghiệp; các chính sách về phát triển nguồn nhân lực;…

Về kế hoạch hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên các tháng cuối năm 2023, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 827/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, theo đó đã đề ra 9 nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu của Hội đồng điều phối vùng trong đó nhấn mạnh việc phối hợp phải đảm bảo nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch, phù hợp với quy định pháp luật, việc phối hợp được thực hiện thông qua các quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên cũng đã ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng tại Quyết định số 47/QĐ-HĐĐPTN ngày 20/7/2023, theo đó quy định 07 phương thức điều phối về lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; Đầu tư phát triển; Đào tạo và sử dụng lao động; Xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển vùng; Giải quyết vấn đề liên kết vùng; Kế hoạch điều phối liên kết vùng; Cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên.

Hội đồng điều phối vùng làm việc theo chế độ tập thể, thảo luận, trao đổi ý kiến để thống nhất đối với các vấn đề chung của vùng, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; Chủ tịch Hội đồng có ý kiến kết luận cuối cùng. Như vậy, Hội đồng điều phối vùng được xác định không phải là một cấp hành chính nhưng là mô hình tổ chức mới để xem xét, giải quyết những vấn đề quan trọng của vùng, góp phần tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc mà địa phương trong vùng chưa thể giải quyết được, đồng thời có thể cho ý kiến đối với những vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong vùng.

Để phát huy hiệu quả vai trò của Hội đồng điều phối vùng trong thúc đẩy liên kết vùng để đạt được các mục tiêu phát triển chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ là thành viên Hội đồng và Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh trong vùng Tây Nguyên xây dựng dự thảo Kế hoạch các tháng cuối năm 2023 và bảo đảm nguyên tắc phù hợp với tiến độ các nhiệm vụ đã được giao tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW; Phù hợp với Quyết định số 827/QĐ-TTg và Quyết định số 47/QĐ-HĐĐPTN; Các nhiệm vụ mang tính thường xuyên của các Bộ hiện đang triển khai thực hiện và các nhiệm vụ đã được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hội nghị được nghe Công bố Quyết định thành lập Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên và ra mắt Hội đồng; nghe các bài trình bày tham luận của các bộ, ngành, địa phương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, nói đến Tây Nguyên không chỉ nói đến phát triển kinh tế mà còn là sự bình yên và phát triển, cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn. Đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên và những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện như kết nối giao thông nội vùng và giữa vùng với khu vực phụ cận như thành phố Hồ Chí Minh, ven biển miền Trung; phối hợp thu hút đầu tư vì sự phát triển chung cả khu vực; tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, tăng cường liên kết vùng nguyên liệu; thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến vướng mắc liên quan đến rừng; nhiệm vụ kết nối giao thông; các tuyến đường liên kết giữa các địa phương; phối hợp trong xúc tiến đầu tư với mục tiêu thu hút đầu tư chung cho cả Vùng và tính toán xem nhà đầu tư muốn đầu tư vào lĩnh vực gì trên địa bàn; việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, bên cạnh việc tạo sinh kế ổn định phải bảo tồn văn hóa; vấn đề chuyển đổi số; vấn đề quy hoạch./.

Tag:

File đính kèm