Sign In

Hội nghị Logistics Việt Nam 2023: Logistics Việt Nam - Con đường phía trước

11:52 05/10/2023

(MPI) - Ngày 05/10/2023 đã diễn ra Hội nghị Logistics Việt Nam 2023 với chủ đề “Logistics Việt Nam - Con đường phía trước”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Hội nghị diễn ra hai phiên thảo luận với chủ đề “Nhận định xu hướng logistics của Việt Nam” và “Tạo cơ hội cho logistics phát triển trong tương lai”. Tại các phiên thảo luận này, các chuyên gia tập trung phân tích về tầm quan trọng để có một hệ thống các chính sách/quy định rõ ràng và thuận lợi trong việc định hình ngành logistics ở Việt Nam; các sáng kiến của chính phủ nhằm thúc đẩy môi trường thuận lợi cho tăng trưởng, thu hút đầu tư và thúc đẩy khả năng cạnh tranh; tác động của các hiệp định thương mại quốc tế tới ngành logistics Việt Nam....

Phân tích sự thay đổi toàn cầu đang diễn ra trong chuỗi cung ứng, nhấn mạnh đến việc di dời các cơ sở sản xuất; cơ hội thu hút FDI và trở thành trung tâm sản xuất/phân phối được ưa chuộng; những thách thức và chiến lược để Việt Nam tận dụng sự thay đổi toàn cầu này và củng cố vị thế của mình trong mạng lưới chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Đồng thời, tập trung đánh giá về tình hình phát triển hạ tầng logistics Việt Nam; nhận diện và tìm giải pháp cho những thách thức hạn chế phát triển logistic; về sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử trên toàn cầu và tác động của nó đối với ngành logistics; những thách thức và cơ hội; chiến lược thực hiện đơn hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng để đạt được mục tiêu giao hàng nhanh hơn và chính xác hơn; chia sẻ tầm quan trọng của công nghệ/đổi mới trong việc thúc đẩy hiệu quả và khả năng cạnh tranh trong ngành logistics; về tầm quan trọng ngày càng tăng của tính bền vững và thực tiễn chuỗi cung ứng xanh trong ngành hậu cần; tầm quan trọng của các sáng kiến thân thiện với môi trường trong việc đạt được một hệ sinh thái logistics tuần hoàn và bền vững hơn.

Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, thông qua các phiên thảo luận, các chuyên gia, các doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ tập trung thảo luận, làm rõ thực trạng, cơ hội, thách thức, cũng như đưa ra các giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics Việt Nam trong tương lai. Các ý kiến sẽ là những thông tin đầu vào quý giá cho quá trình hoạch định chính sách.

Đồng thời khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là cơ quan tham mưu chiến lược cho Đảng, Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô, sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Chính phủ hoàn thiện thể chế và xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn; tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững; cũng như thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài, tận dụng cơ hội của dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển; phát triển nhanh hạ tầng cơ sở và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm tạo điều kiện cho ngành logistics Việt Nam phát triển, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư lĩnh vực logistics trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu. Ảnh: MPI

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, từ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, hàng loạt văn bản chỉ đạo đã được ban hành trong thời gian gần đây như Nghị quyết 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam; Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, giảm chi phí logistics đáp ứng được với sự vận hành của nền kinh tế trong giai đoạn mới, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển dịch vụ logistics nói riêng và nền kinh tế nói chung cho cả giai đoạn đến năm 2025 và các năm tiếp theo…

Theo các quan điểm chỉ đạo này, logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Những ý kiến phân tích, trao đổi, thảo luận của các chuyên gia đến từ các cơ quan hoạch định chính sách và các doanh nghiệp hàng đầu sẽ đóng góp thông tin đầu vào hữu ích cho lộ trình tiếp theo như tinh thần chỉ đạo tại Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, đó là chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến 2045 và các kế hoạch hành động./.

Tag:

File đính kèm