(MPI) - Ngày 24/10/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đã tham dự Lễ Kỷ niệm 30 năm hợp tác và phát triển nông thôn giữa Việt Nam và Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD). Dự buổi Lễ còn có lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Bắc Kạn, Cao Bằng; đại diện từ Liên Hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển.
|
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu tại Lễ Kỷ niệm. Ảnh: MPI |
Điểm lại những thành tựu nổi bật của 30 năm hợp tác Việt Nam - IFAD, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nêu rõ, IFAD đã liên tục hỗ trợ phát triển chính thức cho Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo, góp phần giúp Việt Nam khắc phục những tàn tích của các cuộc chiến tranh.
Trở thành thành viên của IFAD từ năm 1977, trong suốt chặng đường hợp tác lâu dài, Việt Nam đánh giá cao IFAD đã luôn nỗ lực xem xét kỹ lưỡng, ủng hộ việc tăng mức tài trợ của IFAD cho các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn và xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Các cuộc trao đổi đoàn công tác giữa lãnh đạo hai bên đã giúp tăng cường sự hiểu biết, cập nhật các chính sách mới, góp phần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và thực hiện các chương trình, dự án.
Cho đến nay, IFAD đã hỗ trợ triển khai dự án tại các tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số và tỷ lệ nghèo cao với tổng ngân sách là khoảng 690 triệu USD, trong đó IFAD đầu tư 405 triệu USD vốn IFAD và huy động các nhà đồng tài trợ khác.
Văn phòng quốc gia của IFAD tại Việt Nam cũng đóng vai trò hỗ trợ tích cực, giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án. Các dự án đầu tư được đánh giá là phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng như chiến lược phát triển nông thôn mới của Chính phủ. Thứ trưởng Đỗ Thành Trung hoan nghênh việc Văn phòng đại diện IFAD tại Hà Nội đã được IFAD lựa chọn để nâng cấp thành Trung tâm điều phối IFAD ở khu vực Mê-kông.
Trong 30 năm qua, Việt Nam đã thực hiện công cuộc tái thiết đất nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với sự hỗ trợ của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế. IFAD không chỉ là nhà tài trợ luôn đưa ra các sáng kiến đổi mới sáng tạo trong đầu tư phát triển khu vực nông nghiệp, mà còn luôn tôn trọng chính sách phát triển của Việt Nam, cùng có chung nhận thức cần tăng trưởng kinh tế để xóa đói giảm nghèo đã mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển.
Thứ trưởng khẳng định, Chính phủ Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn trân trọng sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính của IFAD thời gian qua; mong muốn IFAD sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đảm bảo công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững cũng như công cuộc phát triển tại Việt Nam.
|
Giám đốc Quốc gia IFAD tại Việt Nam Ambrosio Barros phát biểu. Ảnh: MPI |
Ông Ambrosio Barros, Giám đốc Quốc gia IFAD tại Việt Nam đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ giảm nghèo ấn tượng Việt Nam đạt được trong hai thập kỷ qua, trở thành một chủ thể kinh tế quan trọng hàng đầu trong khu vực ASEAN và trên trường quốc tế.
Ông Ambrosio Barros cho biết, các chương trình của IFAD không chỉ tập trung phát triển nông nghiệp, tài chính, đổi mới và phát triển nông thôn mà còn đặt người dân là trung tâm; và nông nghiệp là động lực, tiềm năng để thúc đẩy giảm nghèo, ổn định an ninh lương thực.
Quan hệ đối tác IFAD - Việt Nam được thể hiện qua các mục tiêu chung, sự tin tưởng lẫn nhau và các can thiệp có kết quả cao, mang lại thay đổi lớn trong giảm nghèo và cải thiện sinh kế cho người dân. IFAD đã tập trung vào các đổi mới sáng tạo theo yêu cầu của thị trường, cải cách tổ chức và đề xuất chính sách cũng như việc xây dựng năng lực cho chính quyền địa phương, các tổ nhóm nông dân và cộng đồng địa phương.
“Văn phòng IFAD tại Việt Nam cam kết hợp tác với các cơ quan của Chính phủ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường cường sự hiện diện để hỗ trợ Việt Nam thành công thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở các vùng nông thôn, đảm bảo tăng trưởng công bằng ở vùng đồng bằng dân tộc thiểu sổ và thúc đẩy bền vững môi trường”, ông Ambrosio Barros nhấn mạnh.
|
Phó Chủ tịch IFAD Guoqi Wu phát biểu. Ảnh: MPI |
Phó Chủ tịch IFAD Guoqi Wu cho biết, cam kết của IFAD đối với Việt Nam không chỉ liên quan đến phát triển kinh tế, mà còn ưu tiên lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu cho hộ nông dân quy mô nhỏ và tạo cơ hội cho cộng đồng áp dụng các phương pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và trang bị công cụ, kiến thức.
IFAD cũng đã tạo điều kiện cho phụ nữ và thanh niên nông thôn, bao gồm những người hưởng lợi là dân tộc thiểu số, tham gia tích cực vào quá trình phát triển bền vững.
Ông Guoqi Wu cho rằng, với những kinh nghiệm của mình, Việt Nam có thể là nước tiên phong, đi đầu trong chia sẻ kinh nghiệm, thông lệ tốt nhất và truyền cảm hứng cho các quốc gia khác trong nỗ lực giảm nghèo. IFAD sẽ tiếp tục hành trình với Việt Nam, tận dụng và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ tối tác để xây dựng một tương lai công bằng và bền vững hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau.
|
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho Văn phòng IFAD tại Việt Nam Ảnh: MPI |
Nhân dịp này, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho Văn phòng IFAD tại Việt Nam nhằm ghi nhận những thành tích đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển ngành kế hoạch và đầu tư Việt Nam.
IFAD cũng đã trao tặng kỷ niệm chương “Tác nhân Thay đổi” cho ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bà Nguyễn Yến Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại vì những đóng góp quan trọng vào những thay đổi trong hoạt động của chương trình IFAD tại các địa phương./.
Trong 30 năm qua, IFAD đã hỗ trợ hơn 16 dự án tại Việt Nam nhằm cải thiện cuộc sống cho hơn 735.000 hộ gia đình. Những dự án này tập trung vào các hoạt động có tác động to lớn với các khu vực nghèo nhất và khó khăn ở các vùng nông thôn, giúp giải quyết những thách thức và cơ hội mới của một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, cấu trúc kinh tế đang thay đổi và sự đô thị hóa gia tăng. Hiện nay, IFAD đang đầu tư 86 triệu USD vào Việt Nam, trải rộng trên hai dự án đang được thực hiện là Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tại Bắc Kạn và Cao Bằng (CSSP) và Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bến Tre và Trà Vinh (CSAT). |
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư