(MPI) - Ngày 27/10/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tiếp ông Matthias Cormann, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác phát triển Kinh tế (OECD) nhằm cập nhật tình hình triển khai hợp tác giữa OECD và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian qua; đưa ra các giải pháp tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
|
Tại buổi tiếp. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chào mừng ông Matthias Cormann có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam; tham dự Diễn đàn Bộ trưởng OECD - Đông Nam Á năm 2023 với chủ đề “Đầu tư bền vững và chất lượng: Động lực mới cho quan hệ đối tác OECD - Đông Nam Á”. Đồng thời cảm ơn OECD đã phối hợp, triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật với Việt Nam nói chung và với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng trong thời gian qua.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, Việt Nam và cho biết, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức theo tình hình chung của thế giới, trong đó có những khó khăn và thách thức chưa có tiền lệ. Nhưng với sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt và quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ, đồng hành của cộng đồng quốc tế, trong đó có OECD, Việt Nam đang dần lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng.
Việt Nam luôn coi trọng và cảm ơn sự hỗ trợ của OECD trong nghiên cứu, xây dựng chính sách, trong đó có Báo cáo Đánh giá đa chiều của Việt Nam (MDR), phục vụ quá trình xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025 và Báo cáo đánh giá khung chính sách đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Báo cáo Kinh tế Việt Nam.
Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn OECD, với nguồn lực, kinh nghiệm và uy tín của mình sẽ tham gia hỗ trợ Việt Nam phân tích xu hướng, phát triển, thúc đẩy hoạt động hợp tác, thu hút đầu tư, tiến tới hình thành các hệ sinh thái toàn diện, phù hợp với chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc của Việt Nam như ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, linh kiện điện tử, chuyển đổi số; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; phát triển bền vững, ứng phó với biển đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, tài chính xanh, hydrogen xanh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm tài chính.
Đồng thời mong muốn OECD tiếp tục đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam cả trong ngắn, trung và dài hạn; hướng đến mục tiêu phát triển bao trùm, nhanh và bền vững; tập trung thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050 và phát triển nền kinh tế xanh, bền vững.
Phát biểu tại buổi tiếp, ông Matthias Cormann cảm ơn những thông tin chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng; đồng thời cho biết, Việt Nam là đối tác quan trọng của OECD, mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chiến lược của mình trong thời gian tới.
Ông Matthias Cormann bày tỏ mong muốn OECD và Việt Nam sớm nâng cấp quan hệ hợp tác toàn diện hơn nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư; đồng thời mong muốn Việt Nam tiếp tục thực hiện các hoạt động tốt nhất để trở thành là quốc gia đầu tiên trong khu vực sẵn sàng thu hút đầu tư chất lượng cao theo tiêu chuẩn.
Ông Matthias Cormann cũng bày tỏ ấn tượng với những kết quả đạt được của Việt Nam trong thời gian qua và cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là trong việc thực hiện các mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; khẳng định cam kết, trên cơ sở các kết quả đã đạt được, OECD tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu đề ra.
Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đang tiến hành nội luật hóa Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu của OECD và mong muốn OECD sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện Quy tắc này.
Cùng với đó, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải để thực hiện các cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tuy nhiên, Việt Nam lại là quốc gia đang phát triển, nguồn lực còn hạn chế. Do vậy, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, các định chế tài chính, tập đoàn, doanh nghiệp, trong đó có OECD trong việc thực hiện mục tiêu này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với OECD để triển khai xây dựng Báo cáo rà soát chính sách quản trị doanh nghiệp nhà nước và chuẩn bị triển khai xây dựng Báo cáo đánh giá chất lượng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Bộ trưởng mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp, nghiên cứu, xây dựng báo cáo, trong đó đưa ra đánh giá thực trạng, xu thế, yêu cầu về môi trường đầu tư hướng tới tiêu chuẩn của OECD để thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao. Đồng thời khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cam kết đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để OECD triển khai các hoạt động hợp tác, nghiên cứu tại Việt Nam nói chung và với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư