Sign In

Quan hệ hợp tác Việt Nam - Đức ngày càng được tăng cường và bền chặt hơn

20:08 01/11/2023

(MPI) - Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm hợp tác Việt Nam - Đức trong lĩnh vực Kinh tế - Tài chính diễn ra tối ngày 01/11/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng các thành quả hợp tác giữa hai bên và mong muốn quan hệ hợp tác song phương này sẽ được tăng cường và bền chặt hơn nữa trong thời gian tới.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: MPI

Tham dự buổi Lễ có Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Guido Hildner, đại diện Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức trong nước và quốc tế và cơ quan thông tấn báo chí. Đây là cơ hội để cùng nhau nhìn lại những thành quả đã đạt được của quá trình hợp tác chặt chẽ, đáng tin cậy Việt Nam - Đức trong suốt 30 năm qua.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn ghi nhận và biết ơn sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế đối với sự nghiệp phát triển đất nước, trong đó có sự giúp đỡ hết sức quý báu của Chính phủ Đức. Việt Nam luôn coi Đức là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu; coi trọng việc củng cố, phát triển quan hệ hợp tác sâu rộng, thực chất và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, nhất là hợp tác phát triển ODA.

Kể từ năm 1990 đến nay, Chính phủ Đức đã cung cấp trên 02 tỷ Euro thông qua các dự án ODA hỗ trợ phát triển Việt Nam, trong đó có rất nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật đã được thực hiện bởi GIZ.

Đối với hợp tác phát triển trong lĩnh vực Kinh tế - Tài chính, kể từ năm 1993, Chính phủ Đức đã cam kết hỗ trợ vốn ODA cho Việt Nam để thực hiện 03 Dự án hỗ trợ kỹ thuật thuộc lĩnh vực cải cách kinh tế ở Việt Nam, gồm: Dự án “Hỗ trợ cải cách kinh tế” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện; Dự án “Hỗ trợ cải cách ngân sách nhà nước” do Bộ Tài chính chủ trì thực hiện; và Dự án “Hỗ trợ cải cách hệ thống ngân hàng” do Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện. Đây là các dự án có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc cải cách kinh tế ở Việt Nam khi Việt Nam vừa thoát khỏi khủng hoảng tài chính 1990-1991.

Toàn cảnh buổi Lễ. Ảnh: MPI

Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, trong hơn 10 năm hoạt động, các dự án trên đã hỗ trợ cho các cơ quan đối tác Việt Nam nâng cao năng lực, từng bước đóng góp cho quá trình xây dựng khung pháp lý vững chắc cho nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Hợp tác xã, Luật Khuyến khích Đầu tư trong nước, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng.

Cùng với đó, nhiều đề án, báo cáo trình Chính phủ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế, như Đề án “Đổi mới công tác kế hoạch hóa”, Đề án “Phân cấp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư”. Những kết quả này đã góp phần tạo dựng và củng cố nền tảng kinh tế thị trường của Việt Nam, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, tăng cường quản lý ngân sách phù hợp với kinh tế thị trường và thực sự hình thành hệ thống ngân hàng hai cấp ở Việt Nam.

Để nâng cao hiệu quả và thống nhất cách thức tổ chức, kể từ năm 2005 đến nay, hai Chính phủ đã hợp nhất các Dự án thành “Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh” với mục tiêu chính là đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; hỗ trợ các cơ quan đối tác Việt Nam đưa ra những đề xuất về chính sách, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo tính bền vững của quá trình phát triển.

Đồng thời, đưa các chỉ tiêu xã hội và bảo vệ môi trường vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và hằng năm; điều chỉnh các chính sách thuế, sử dụng các công cụ tiền tệ và tín dụng; khuyến khích huy động mọi nguồn lực trong xã hội nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường; hỗ trợ Việt Nam xây dựng và thực hiện “Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh”; hỗ trợ ban hành các chính sách liên quan đến “tài khóa xanh”, “tài chính xanh” để phù hợp với xu thế vận động và phát triển của thế giới.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, mặc dù quá trình chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức lớn, nhất là về tăng trưởng nhanh và bền vững đi kèm với cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng như giải quyết những thách thức mới phát sinh từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cạn kiệt nguồn tài nguyên,…

Hình ảnh tại buổi Lễ. Ảnh: MPI

Chính vì vậy, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ thiết thực hiệu quả hơn nữa từ Chính phủ Đức, các tổ chức của Chính phủ và người dân Đức như sự hợp tác liên tục và kết quả có được trong suốt 30 năm hợp tác thông qua các Dự án/Chương trình nêu trên.

Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho những đóng góp thiết thực của Chính phủ Đức giúp Việt Nam vượt qua những thách thức trong thời gian qua và cả trong giai đoạn tới vì nền tảng phát triển bền vững cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai và hợp tác của hai quốc gia, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nêu rõ.

Thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cảm ơn Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đã và đang đóng góp tích cực và hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Đồng thời khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng các thành quả hợp tác giữa hai bên và mong muốn quan hệ hợp tác song phương này sẽ được tăng cường và bền chặt hơn nữa trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, đại diện lãnh đạo một số đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đối tác chính của phía Đức trong suốt thời gian qua như: Vụ Kinh tế đối ngoại, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường đã tham gia các phiên Tọa đàm để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như thảo luận về những vấn đề phía Việt Nam rất quan tâm và tiếp tục mong muốn phía Đức hỗ trợ trong lĩnh vực kinh tế - tài chính./.

Tag:

File đính kèm