Sign In

Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ của quốc tế trong quá trình phát triển kinh tế xanh

16:10 02/11/2023

(MPI) - Chiều ngày 02/11/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tham dự và phát biểu tại Diễn đàn kinh tế xanh 2023 - phiên họp toàn thể. Diễn đàn vinh dự có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.

Tham dự Diễn đàn có ông Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu; ông Gabor Gluit, Chủ tịch Eurocham; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam và Hà Lan; cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức quốc tế. Diễn đàn nhấn mạnh cam kết thống nhất của các doanh nghiệp, cơ quan quốc tế, cơ quan chính phủ trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của EuroCham trong việc tổ chức Diễn đàn hằng năm; Đây cũng là hoạt động mang tính khuyến nghị chính sách quan trọng nhằm hướng đến sự phát triển bền vững. Đồng thời cho rằng, nếu phát triển không chú ý đến môi trường và phát triển bền vững thì chắc chắn dẫn đến hệ lụy và kết quả đạt được sẽ thấp hơn so với con số phải bỏ ra để đạt được tăng trưởng bền vững.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, định hướng xuyên suốt của Việt Nam là phát triển bền vững dựa trên hiệu quả kinh tế. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, đang chuyển đổi nhưng cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu; cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này thể hiện cam, quyết tâm rất mạnh mẽ của Việt Nam; khẳng định vai trò, quyết tâm đối với vấn đề chung của quốc tế.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, câu chuyện kinh tế xanh, hay hướng đến mục tiêu “net 0” là bài toán vô cùng khó khăn, phải giải quyết hài hòa giữa mục tiêu nâng cao tốc độ tăng trưởng để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh là quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Theo đó có hai vấn đề lớn được đặt ra. Về phía Việt Nam, đây là bài toán của cả hệ thống chính trị, của các cơ quan từ trung ương đến địa phương và từng người dân; đó là, vấn đề môi trường không chỉ xuất phát từ sản xuất mà còn xuất phát từ khía cạnh tiêu dùng. Về quản trị tổng thể, khung chính sách tổng thể của Chính phủ đóng vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo phát triển bền vững.

Từ phía các đối tác phát triển và cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng nhấn mạnh, đối với các tổ chức quốc tế, các nước phát triển, nhất là các nước trong EU, trong đó có Hà Lan đóng vai trò lớn đối với các nước đang phát triển như Việt Nam để đạt lợi ích tối đa.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, trong đó có điểm nhấn nổi bật là cân bằng hài hòa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hướng tới phát triển bền vững, góp phần tái cấu trúc lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đây là lợi ích mang tính dài hạn và nếu được triển khai sớm sẽ càng mang lại hiệu quả và giảm bớt rủi ro.

Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đã hệ thống hóa, bổ sung các chính sách liên quan đến khía cạnh sản xuất và tiêu dùng; đồng thời, đề cập đến công tác thống kê, dự báo nguồn phát thải và khả năng tích tụ CO2 trong không khí theo kịch bản tối ưu và khả thi.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, để hạn chế phát thải ròng trong khi thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh cần chú trọng đổi mới công nghệ đi kèm với các giải pháp loại bỏ CO2 bằng các giải pháp công trình, phi công trình. Theo đó, các chính sách ưu đãi, chính sách thuế và công tác thanh tra, kiểm tra phải được rà soát, điều chỉnh phù hợp. Từ góc độ doanh nghiệp, đổi mới công nghệ và giảm thiểu phát thải cần sự khuyến khích về mặt tài chính từ phía Nhà nước.

Thứ trưởng cho rằng, Việt Nam cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ ban đầu để thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, mạnh dạn đổi mới công nghệ, giảm phát thải; đây là thông điệp minh bạch, ổn định lâu dài cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất; “hỗ trợ này chỉ mang tính chất ban đầu còn trong xu thế phát triển thì việc sản xuất xanh, bền vững là tất yếu”, Thứ trưởng nêu rõ.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI

Với vai trò là cơ quan đầu mối trong triển khai Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quốc gia cũng như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai các hoạt động nhằm huy động các nguồn lực, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân cho hoạt động chuyển đổi xanh, trong đó tập trung vào các khía cạnh cụ thể.

Một là, nhà nước sẽ đóng vai trò dẫn dắt, tạo khung khổ pháp lý, tạo sân chơi và có sự hỗ trợ ban đầu cho doanh nghiệp; cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, tiên phong trong quá trình chuyển đổi xanh. Chính phủ Việt Nam thực hiện quan điểm dùng đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư nhân. Theo đó, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục sử dụng phù hợp nguồn lực đầu tư công từ ngân sách nhà nước để tạo bước đi, dẫn dắt đầu tư tư nhân.

Hai là, hoàn thiện cơ chế về đầu tư để tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư chuyển đổi xanh, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai Tuyên bố chính trị về chuyển đổi năng lượng công bằng. Theo đó, hoàn thiện khung pháp lý hiện hành của Việt Nam về đầu tư cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế ưu đãi về đầu tư công vào các dự án, giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng dụng công nghệ sạch, hiện đại, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường; sửa đổi các quy định về quản lý và sử dụng nguồn lực ODA để nguồn lực được huy động từ các tổ chức phát triển, tổ chức quốc tế đối với hoạt động tăng trưởng xanh thuận lợi, minh bạch và hiệu quả hơn.

Ba là, Việt Nam đang thực hiện chương trình hành động nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân để phát triển xanh và bền vững; triển khai, đánh giá và công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững; đây là nội dung quan trọng thực hiện quá trình tăng trưởng xanh, kinh tế xanh.

Bốn là, quá trình chuyển dịch kinh tế xanh thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, lấy con người làm trung tâm; phải có lộ trình để giảm thiểu tác động đối với nhóm người yếu thế, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía Chính phủ bởi câu chuyện chuyển đổi phải cần nguồn lực và nếu chuyển đổi chậm thì khu vực yếu thế sẽ chịu ảnh hưởng nhất.

Năm là, Việt Nam là đất nước đang phát triển, đang chuyển đổi, nguồn lực còn hạn chế và Việt Nam không thể thực hiện được thành công mục tiêu tăng trưởng xanh nếu không có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các bên có liên quan, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Việt Nam mong muốn các nước phát triển, các tổ chức quốc tế hỗ trợ, chia sẻ trong quá trình hoạch định chính sách để phát triển xanh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh hiệu quả; đối với các doanh nghiệp, tập đoàn, Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế để nhà đầu tư kinh doanh hiệu quả.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc mong muốn thông qua Diễn đàn được nghe các ý kiến trong việc thúc đẩy nền kinh tế xanh với nhiều thông tin mang tính tổng hợp, đa chiều. Đồng thời khẳng định, với chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn sẵn sàng lắng nghe các ý kiến nhằm triển khai các hoạt động về tăng trưởng xanh một cách cụ thể, hướng tới phát triển bền vững./.

Tag:

File đính kèm