Sign In

Lễ kỷ niệm 30 năm hợp tác Việt Nam - Đức trong lĩnh vực kinh tế và tài chính

19:39 01/11/2023

(MPI) - Tối ngày 01/11/2023 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 30 năm hợp tác Việt Nam - Đức trong lĩnh vực kinh tế và tài chính. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung tham dự và phát biểu tại buổi Lễ. Tham dự buổi Lễ có Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Guido Hildner, đại diện các bộ, ngành liên quan của Việt Nam cùng các tổ chức trong nước và quốc tế.

Năm 2023 ghi nhận một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức trong lĩnh vực kinh tế và tài chính. Từ đầu thập niên 90, Đức đã trở thành bạn đồng hành của Việt Nam trong quá trình đổi mới và phát triển kinh tế đất nước. Trên hành trình trải dài suốt ba thập kỷ này, chính phủ Đức, cùng với Liên minh châu Âu trong một số giai đoạn, luôn tích cực hỗ trợ Việt Nam thông qua các sáng kiến hợp tác kỹ thuật giữa Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và các đối tác Việt Nam, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Giai đoạn 1993-2005 là sự khởi đầu có ý nghĩa to lớn trong hợp tác Việt Nam - Đức, khi ba lĩnh vực ưu tiên gồm cải cách kinh tế, cải cách ngân sách nhà nước và cải cách hệ thống ngân hàng đã được lựa chọn và bắt đầu triển khai thực hiện. Sự hợp tác này đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là góp phần xây dựng khung pháp lý cơ bản cho sự hình thành nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung dự Lễ kỷ niệm 30 năm hợp tác Việt Nam - Đức trong lĩnh vực kinh tế và tài chính. Ảnh: MPI

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đánh giá cao các kết quả hợp tác trong 30 năm qua và cho biết, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ thiết thực hiệu quả hơn nữa từ Chính phủ Đức, các tổ chức của Chính phủ và người dân Đức. Đồng thời khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng các thành quả hợp tác giữa hai bên và mong muốn quan hệ hợp tác song phương này sẽ được tăng cường và bền chặt hơn nữa trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi Lễ, Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner cho biết, trong ba thập kỷ qua, Chính phủ Đức, với sự tham gia của Liên minh châu Âu trong hai thời kỳ đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Sự hợp tác lâu dài và tin cậy này đã và đang được phối hợp thực hiện bởi cơ quan thực hiện GIZ và các đối tác Việt Nam, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) cùng nhiều đối tác khác từ cả khu vực công và tư nhân.

Ông Guido Hildner cho rằng, Việt Nam đã có sự phát triển kinh tế vượt bậc, hiện là nền kinh tế lớn thứ 35 trên thế giới và có triển triển vọng phát triển tích cực hơn nữa. Đồng thời bày tỏ tự hào rằng sự hợp tác giữa Việt Nam và Đức là một phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Điểm lại những cột mốc chính của hành trình hợp tác 30 năm qua trong lĩnh vực kinh tế và tài chính, ông Guido Hildner cho biết, Đức bắt đầu hợp tác hỗ trợ cải cách nền kinh tế, ngân sách nhà nước và hệ thống ngân hàng nhằm tạo ra một khu vực kinh tế tư nhân tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng Luật Ngân sách Nhà nước với quyền tự chủ hơn trong lập kế hoạch tài chính ở cấp địa phương và tạo ra một hệ thống ngân hàng tư nhân độc lập hơn để đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế thị trường.

Đức cùng với các đối tác nhận ra rằng, tăng trưởng kinh tế đang làm tăng tác động tiêu cực đến môi trường. Biến đổi khí hậu và chuyển đổi số cũng mang đến những thách thức và cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, Đức cùng với các đối tác đã điều chỉnh sự hợp tác của mình để hỗ trợ sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, điều này được phản ánh trong Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Đức đang nỗ lực thực hiện tăng trưởng xanh ở cấp địa phương, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tăng cường tài chính công và tạo ra các công cụ tài chính để hỗ trợ đóng góp cho nền kinh tế xanh. Điều này cũng sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam trên hành trình trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, đạt được các SDGs và giảm phác thải ròng bằng 0 và năm 2050.

Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner phát biểu. Ảnh: MPI

Ông Guido Hildner tin tưởng rằng, sự hợp tác lâu dài trong lĩnh vực kinh tế và tài chính trong 30 năm qua và những năm tới, góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Đức.

Trong suốt ba thập kỷ qua, hợp tác kỹ thuật Đức đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam, với trọng tâm ban đầu là hỗ trợ phát triển nền kinh tế thị trường và hiện nay là thúc đẩy phát triển một nền kinh tế trung hòa khí hậu, có trách nhiệm với môi trường và xã hội bao trùm.

Trong đó, Dự án “Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì phối hợp cùng GIZ thực hiện nhằm mục tiêu hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (về thực chất là phát triển khu vực kinh tế tư nhân); Cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước; Chuyển đổi mô hình Hợp tác xã theo hướng phù hợp với kinh tế thị trường; Đổi mới công tác kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Bước đầu xây dựng chính sách cạnh tranh.

Trong lĩnh vực cải cách kinh tế vĩ mô gắn với tăng trưởng, GIZ hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nâng cao năng lực điều phối của cơ quan này trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, và đạt được những kết quả chính như hướng dẫn và giúp đỡ các bộ, ngành và các tỉnh trong việc xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh. Đồng thời, hỗ trợ trong việc điều phối thực hiện, đánh giá, giám sát và báo cáo việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); Lồng ghép một số chỉ tiêu về xã hội và môi trường vào quá trình xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Ban hành một số chính sách khuyến khích huy động nguồn lực toàn xã hội thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; Xây dựng Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn  2021-2030, tầm nhìn 2050.

Tại buổi Lễ đã diễn ra tọa đàm về nhìn lại 30 năm hợp tác Việt Nam - Đức về kinh tế và tài chính; Bối cảnh hiện tại, cơ hội, thách thức và triển vọng hợp tác Việt Nam - Đức trong tương lai. Các ý kiến nhấn mạnh, hợp tác Việt Nam - Đức sẽ tiếp tục giữ một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam gặt hái những thành tựu tiếp theo, đặc biệt là giải quyết các vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng tăng trưởng, các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng. Đồng thời bày tin tưởng rằng, 30 năm hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và tài chính đã góp phần bồi đắp tình hữu nghị lâu dài và bền chặt giữa hai quốc gia, cho tới ngày hôm nay và nhiều năm sau nữa./.

Tag:

File đính kèm