Sign In

Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2023

12:07 06/12/2023
(MPI) - Ngày 06/12/2023, Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam lần thứ ba với chủ đề “Khoa học công nghệ thúc đẩy thịnh vượng - Cơ hội cho Việt Nam” được tổ chức dưới sự phối hợp của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Thị Hồng Minh phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thông qua Diễn đàn này, Bộ Kế hoạch Đầu tư và UNDP sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích để bổ sung hoàn thiện hệ thống các giải pháp chính sách phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi năng lượng là cơ hội giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình phát triển, tăng năng suất xuất khẩu, lao động và thâm nhập vào thị trường kinh tế mới, đồng thời tạo động lực vượt bẫy thu nhập trung bình. Đồng thời cho rằng, các ý kiến trao đổi tại Diễn đàn được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực công nghệ, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, tận dụng nguồn lực của cuộc cách mạng công nghiệp làm thứ tư để thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao tính cạnh tranh.

Hình ảnh phiên thảo luận. Ảnh: MPI

Theo Báo cáo tổng quan kinh tế Việt Nam 2023 được trình bày tại Diễn đàn, một số chỉ báo kinh tế vĩ mô đạt chiều hướng tích cực, đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho phát triển, nhất là đầu tư công đạt 461 nghìn tỷ đồng tính chung 11 tháng năm 2023, cao hơn 6,7% và cao hơn 122,6 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt mức cao nhất trong 5 năm qua (tính theo vốn thực hiện), trong đó vốn đăng ký ước đạt 28,8 tỷ USD và vốn thực hiện đạt 20,2 tỷ USD. Lạm phát được kiểm soát tốt ở mức 3,5%, nằm trong kế hoạch điều hành Nghị quyết 01 của Chính phủ.

Tăng trưởng kinh tế cũng theo xu hướng tốt, quý sau cao hơn quý trước với mức tăng trưởng GDP quý III/2023 là 5,23%, cao hơn quý II là 4,05% và quý I là 3,28%.

Tuy nhiên trong năm 2023, những khó khăn, vướng mắc đối với việc tiếp tục phục hồi kinh tế đến từ bên ngoài như địa chính trị thế giới diễn ra phức tạp, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm, khả năng hấp thụ vốn yếu, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, gây áp lực cho điều hành chính sách tiền tệ, giá cả hàng hoá.

Ngoài ra, có những yếu tố rủi ro đến từ trong nước như công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế còn bất cập và các chủ thể kinh tế trong nước yếu sau Covid-19 khiến năng lực hấp thụ vốn giảm.

Nghiên cứu của CIEM và UNDP đưa ra dự báo rằng trong năm 2024 và các năm tiếp theo, dòng vốn FDI có xu hướng dịch chuyển mạnh về các nước châu Á. Việt Nam thuộc nhóm 03 quốc gia trong ASEAN vượt trội trong thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao; bên cạnh đó trọng tâm sẽ được đặt vào việc chuyển đổi sử dụng năng lượng công bằng, bảo vệ môi trường ngày càng chú trọng hơn đòi hỏi mô hình tăng trưởng, sử dụng nguồn lực tiếp tục phải thay đổi.

Tại Diễn đàn, một số chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng theo tầm nhìn xa về công nghệ, công nghệ số là giải pháp quan trọng cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; đưa ra một số khuyến nghị chính sách nhằm nuôi dưỡng và hoàn thiện hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như cần có các khung quy định mở, quy chế thử nghiệm để phân bổ nguồn lực hiệu quả, cũng như từ phía cung - cầu để nâng cao lực lượng lao động có tay nghề cao và hoạt động R&D vượt trội, nâng cao tính cạnh tranh và sáng tạo hơn.

Diễn đàn là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội và các nhà nghiên cứu thảo luận các vấn đề về kinh tế, chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới sự phát triển thịnh vượng hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau./.

 

Tag:

File đính kèm