Sign In

Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững

20:19 30/12/2023
(MPI) - Phát biểu tại Hội nghị Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chưa bao giờ ngành nông nghiệp nông dân nông thôn có vai trò, sứ mệnh quan trọng như hiện nay từ các kết quả đạt được đến các tư duy chuyển dịch. Các doanh nghiệp đến người nông dân đang góp sức rất lớn cho sự tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định xã hội. Mục tiêu cuối cùng làm sao cho người nông dân luôn nở nụ cười trên môi tức là có một thu nhập ổn định, cao trên mảnh đất của mình.

 

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ và trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội; đặc biệt có sự tham dự của hơn 4 nghìn đại biểu đại diện cho nông dân trong cả nước.

 
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhandan.vn

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chúng ta chuyển mạnh, chuyển ngay, chuyển sớm từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tối ưu hóa về mặt giá trị, chứ không tối ưu hóa về mặt sản lượng. Đạt giá trị cao nhất trên một diện tích sản xuất mới là mục tiêu cuối cùng. Muốn làm được điều đó chúng ta phải dựa trên công nghệ cao nhưng không phải công nghệ cao là mục tiêu cuối cùng mà công nghệ cao chỉ là công cụ, phương tiện.

Chuyển đổi tư duy rất quan trọng để làm sao chúng ta không cần sản xuất quá nhiều, gây tổn hại môi trường, hủy hoại đất đai, tốn sức lao động và vốn liếng, nhưng giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích rất thấp. Người nông dân vẫn bấp bênh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, điều quan trọng nhất hiện nay là chuyển đổi tư duy, chúng ta không chỉ nói là sản xuất được bao nhiêu mà bây giờ phải chuyển sang là bán được bao nhiêu và giá trị mang lại cho người nông dân là bao nhiêu. Vấn đề này đã được thể hiện qua Nghị quyết Đại hội XIII cũng như các Nghị quyết của Trung ương gần đây.

Đồng thời nhấn mạnh, trong nông nghiệp hiện nay có 4 vấn đề mấu chốt: Giống; phân bón, thuốc trừ sâu; nuôi trồng và thu mua, chế biến, bảo quản, bán ra thị trường. Người nông dân đang làm đúng khâu thứ 3, là nuôi, trồng. Tức là 3 khâu còn lại chưa làm được, mỗi một khâu giả sử giá trị gia tăng đó chiếm 25% và trong thời gian tới, cần phải nghiên cứu sâu vào khâu giống.

Hiện nay, trong quy hoạch các vùng đều đưa ra yêu cầu mỗi vùng, mỗi khu vực nông sản của mình, phải có một trung tâm giống; phải hỗ trợ người dân về lưu trữ, bảo quản, phát triển các loại giống và cung cấp các loại giống giá rẻ. Cùng với đó, phải hình thành các trung tâm chế biến, trung tâm đổi mới khoa học sáng tạo cho các khu vực, nâng cao được giá trị nông sản bởi các mặt hàng nông sản của chúng ta rất nhiều, rất tốt nhưng làm sao phải sử dụng nông nghệ cao, sử dụng đòn bẩy để làm sao nâng cao được giá trị nông sản.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cùng các bộ, ngành chuyên gia, nhất là các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và Học viện Nông nghiệp để hình thành trung tâm ở Hòa Bình, sau đó sẽ nhân rộng ra các vùng khác, các địa phương khác, để có trung tâm nghiên cứu hỗ trợ người nông dân giảm chi phí, nâng cao giá trị, nâng cao hiệu quả.

Hội nghị diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, hiệu quả, đề cập tới nhiều vấn đề khác nhau như tình hình thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030"; vai trò của nông dân trong thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

 
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Nhandan.vn

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để cụ thể hóa nhiều vấn đề lớn, tầm chiến lược về nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo các nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 vừa qua.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, chiến lược, khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong tiến trình phát triển đất nước. Đồng thời điểm lại thành tựu nổi bật của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước và là trụ đỡ, tiền đề, nền tảng để góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Bên cạnh bày tỏ vui mừng và tự hào về những thành tựu trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, trong đó, tập trung triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp; chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh đối ngoại nhân dân; tập trung triển khai nguồn lực, nhân lực để thực hiện tốt các đề án, chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng đến các chương trình, đề án về giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cần tập trung nguồn lực để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; trong đó ngành nông nghiệp cần triển khai có hiệu quả kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, khí mê-tan trong sản xuất nông nghiệp./.

 

Tag:

File đính kèm