Sign In

Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố toàn cầu và ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới

20:17 23/02/2024
(MPI) - Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, chiều ngày 23/02/2024, phiên họp Hội đồng thẩm định quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thành nội dung đề ra và tiến hành biểu quyết với kết quả 100% đồng ý thông qua với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh chủ trì phiên họp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại phiên họp. Ảnh: MPI

Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển thời gian qua, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển, đó là quy hoạch đề xuất mục tiêu phát triển thành phố là Thủ đô văn hiến - văn mình - hiện đại, nơi hội tụ tinh hoa của cả nước và nhân loại; là trung tâm kinh tế - tài chính lớn của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đi đầu về giáo dục - đào tạo theo chuẩn quốc tế; hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại; đời sống an sinh được bảo đảm toàn diện; có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước tiên tiến trong khu vực.

Quy hoạch cũng đưa ra 06 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, nổi bật là giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm các dòng sông, xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, sông Đáy để đảm bảo nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp; giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các khu vực đô thị, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cho các vùng địa hình thấp trũng; giải quyết căn bản tình trạng kẹt xe tại các cửa ngõ thành phố và tình trạng ùn tắc giao thông đô thị vào giờ cao điểm.

Xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: Văn hóa và di sản; Phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; Hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; Xã hội số, đô thị thông minh, kinh tế số; Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo và 04 khâu đột phá chiến lược bao gồm: Tạo lập thể chế quản trị vượt trội; Phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, đồng bộ; đặc biệt là đường sắt đô thị; Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; Phát triển đô thị, cải tạo môi trường và cảnh quan.

Với các trụ cột phát triển và khâu đột phá chiến lược trên, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đề xuất phát triển theo hướng thông minh và kinh tế số; chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ. Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm cơ sở dữ liệu lớn, hoạt động xã hội được vận hành và quản lý trên nền tảng số, điều hành thông minh.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng như định hướng trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học; phát triển sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, các loại giống cây con có vai trò dẫn dắt phát triển nông nghiệp các tỉnh phía Bắc; phát triển dịch vụ và kinh tế đô thị là trụ cột kinh tế với việc phát triển các trung tâm thương mại phức hợp cung cấp các dịch vụ tổng hợp, không gian ngầm là nơi kinh doanh, buôn bán tổng hợp thay cho các hoạt động buôn bán trên vỉa hè, đường phố; phát triển các ngành, lĩnh vực khác (y tế và chăm sóc sức khỏe người dân; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao; lao động, việc làm, an sinh xã hội; khoa học và công nghệ; an ninh, quốc phòng, đối ngoại) đảm bảo cân đối, hài hòa.

Phát triển công nghiệp văn hóa kết hợp với dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc sắc của Thủ đô gắn với phục dựng các di tích lịch sử, di sản văn hóa kết hợp truyền thống với ứng dụng công nghệ để tái hiện lịch sử trong không gian thực tế ảo và hình thành không gian văn hóa sông Hồng với con đường di sản bai bên sông để tái hiện lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước.

Chuyên gia phản biện Cao Viết Sinh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: MPI

Tham gia ý kiến, các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh là đại diện các Bộ, cơ quan ngang bộ và các chuyên gia là ủy viên phản biện đánh giá, Hồ sơ quy hoạch được xây dựng công phu khoa học, phù hợp với Nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 07/3/2022. Đồng thời nhấn mạnh đến một số nội dung về việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Quy hoạch; Việc tích hợp các nội dung đề xuất của các sở, ban, ngành và quận, huyện đưa vào nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội; Sự phù hợp của nội dung quy hoạch với quy định tại Điều 20, Điều 21 và Điều 27 Luật Quy hoạch về nội dung quy hoạch, đặc biệt là về các vấn đề như vị thế, vai trò của Hà Nội đối với vùng, quốc gia, thế giới; xác định các vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết, các khâu đột phá phát triển, cơ cấu lại mô hình tăng trưởng.

Các ý kiến cũng nhấn mạnh đến các trục động lực phát triển, đặc biệt là trục Sông Hồng, với định hướng dịch chuyển các cơ quan hành chính của Hà Nội sang phía bắc sông Hồng; Việc phân chia và phát triển các tiểu vùng kinh tế; các khu vực khuyến khích phát triển và các khu vực hạn chế phát triển; Các cực tăng trưởng giữ vai trò là trung tâm; về khả năng kiến tạo không gian sống và làm việc hấp dẫn, thu hút nguồn lực tinh hoa trong và ngoài nước xây dựng và phát triển Thủ đô;...

Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: MPI

Phát biểu tại phiên họp, thay mặt lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cảm ơn những ý kiến tham gia góp ý sâu sắc và tâm huyết của các thành viên Hội đồng thẩm định, các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời cho biết, thành phố Hà Nội đang thực hiện cùng lúc 3 nhiệm vụ lớn để tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới cho thành phố, đó là: lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của Hội đồng không chỉ giúp Hà Nội hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch Thủ đô, mà còn có nhiều gợi ý đối với nhiệm vụ nghiên cứu, Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); nhiều ý kiến của Hội đồng đưa ra những gợi ý rất xác đáng cho Hà Nội trong quá trình triển khai Quy hoạch Thủ đô sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; gợi mở, định hướng cho Thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn với tầm nhìn mới, tư duy mới để tạo ra cơ hội mới, giá trị mới cả trong trước mắt và lâu dài.

Ông Đinh Tiến Dũng cũng làm rõ thêm một số nội dung được các đại biểu nêu về tiếp tục rà soát, hoàn thiện để làm rõ hơn chức năng, vị trí, vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong suốt quá trình lịch sử; rà soát, đánh giá cụ thể các tồn tại, hạn chế để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó có các giải pháp phù hợp để phát triển; về sắp xếp, phân bố không gian phát triển kinh tế - xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; các phương án quy hoạch để phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù, phát triển kinh tế đô thị, giúp kinh tế Hà Nội có những bước phát triển đột phá trong giai đoạn tới, đồng thời nâng cao chất lượng đô thị, chất lượng cuộc sống, gia tăng thu nhập cho người dân đô thị; sắp xếp, phân bố không gian hợp lý để tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xác định việc cấp bách cần ưu tiên tập trung thực hiện ngay là bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng; về quan điểm phát triển hài hòa đô thị và nông thôn hướng tới không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cả khu vực đô thị và nông thôn;…

Đồng thời nhấn mạnh, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ tiếp theo, với tinh thần cầu thị, thành phố Hà Nội luôn lắng nghe và mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý tham gia đóng góp nhiều ý tưởng, các giải pháp khả thi và đồng hành cùng với Thành phố, góp phần để Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố “Văn hiến - Văn Minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, là thành phố kết nối toàn cầu, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: MPI

Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các ý kiến phát biểu của thành viên Hội đồng, chuyên gia phản biện cũng như các ý kiến phát biểu tiếp thu, giải trình của lãnh đạo thành phố Hà Nội, thể hiện tầm nhìn, khát vọng phát triển mang tính đột phá. Đồng thời nhấn mạnh, quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và môi trường; quá trình chuẩn bị nghiêm túc, khoa học, kết tinh được nhiều trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học. Nội dung quy hoạch thể hiện khá rõ nét những tư duy, tầm nhìn, khát vọng phát triển; thể hiện sự liên kết và đồng bộ trong định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, việc sắp xếp không gian của các hoạt động kinh tế - xã hội.

Để sớm hoàn thiện và trình phê duyệt theo quy định, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiên cứu, tiếp thu, giải trình hợp lý các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ; đồng thời rà soát đồng bộ, thống nhất với các Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, trong đó cần tập trung làm rõ một số vấn đề như cần đánh giá rõ hơn nguyên nhân của tồn tại, hạn chế; xác định điểm nghẽn, nút thắt phát triển của Thành phố trong thời gian qua; làm rõ hơn vai trò, vị trí, sứ mệnh của Thành phố trong vùng; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển và có các giải pháp phù hợp; Phát triển Thủ đô Hà Nội phải đi đầu, dẫn dắt và lan tỏa, là cực tăng trưởng của vùng động lực phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng và trở thành thành phố toàn cầu và ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Đồng thời, Quy hoạch cũng cần bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị cùng các quy hoạch cấp quốc gia, định hướng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng và nhiệm vụ của quy hoạch Thủ đô Hà Nội, đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm; hạ tầng đồng bộ, giao thông hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và chú trọng bảo vệ môi trường.

Xác định các ngành, lĩnh vực quan trọng, tổ chức không gian phát triển; bám sát Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, trong đó lấy khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy nguồn lực, trí tuệ con người và xây dựng một số ngành, sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; đẩy mạnh gia tăng cơ cấu kinh tế công nghiệp, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, phát triển du lịch bản sắc riêng.

Tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với giá trị truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực mới phát triển cho Thủ đô; khẳng định giá trị cốt lõi của giá trị văn hóa trong quy hoạch Thủ đô, xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa của Hà Nội; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực; tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế, xã hội của Hà Nội một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại; có giải pháp đột phá để giải quyết ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; khai thác mạnh mẽ không gian ngầm gắn với các tuyến giao thông ngầm và phát triển hạ tầng số;…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị thành phố Hà Nội khẩn trương lập báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến hoàn thiện hồ sơ ý kiến để trình các cấp có thẩm quyền theo quy định và chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu trong các báo cáo quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.

Tag:

File đính kèm