Sign In

Doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng kinh doanh tại Việt Nam

19:13 27/02/2024
(MPI) - Tại buổi làm việc giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) diễn ra chiều ngày 27/02/2024, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội nhấn mạnh, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư triển vọng của các doanh nghiệp Nhật Bản khi 54,3% doanh nghiệp kỳ vọng kinh doanh có lãi trong năm 2023.

Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội Nakajima Takeo phát biểu. Ảnh: MPI

Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2023 được JETRO thực hiện đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại 20 quốc gia/khu vực tại châu Á và châu Đại Dương. Trong số 4.982 doanh nghiệp trả lời hợp lệ, có 849 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, chiếm số lượng nhiều nhất trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có doanh nghiệp Nhật Bản tham gia khảo sát.

Theo ông Nakajima Takeo, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng “có lãi” trong năm 2023 là 54,3%, thấp hơn 6,6 điểm so với mức bình quân của ASEAN là 60,9%. Tỷ lệ doanh nghiệp báo “lỗ” là 24.4% (tăng 3.6 điểm so với năm trước).

Lý giải nguyên nhân về tỷ lệ này, đại diện JETRO cho hay, nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước giảm, chi phí thu mua, phí nhân công tăng và cạnh tranh với các công ty đối thủ,… là những lý do chính dẫn đến việc kinh doanh thua lỗ.

Vể triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2024, dự báo “cải thiện” đạt 50,4%, dự báo “đi ngang” đạt 41,3% và 8,3% doanh nghiệp cho rằng sẽ “xấu đi”.

Về phương hướng triển khai kinh doanh trong 1-2 năm tới, tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là 56.7%, giảm 3.3 điểm so với năm trước. Mặc dù tham vọng mở rộng vẫn cao, nhưng tỷ lệ trả lời mở rộng ở Việt Nam có mức giảm so với năm trước.

Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho biết, Việt Nam được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá là có tình hình chính trị xã hội ổn định, quy mô thị trường, chi phí nhân công rẻ, dễ tuyển dụng nhân lực và chất lượng nhân viên cao.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam kỳ vọng hứa hẹn về tiềm năng tăng trưởng nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Số doanh nghiệp cho rằng tăng trưởng thị trường là lợi thế cao hơn 14.6 điểm so với mức trung bình của ASEAN, nhưng số doanh nghiệp cho rằng còn phải đối mặt với thách thức về cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp luật, thủ tục hành chính,…

Đáng chú ý hơn cả, về xu hướng thu mua tại chỗ trong 1-2 năm tới, tỷ lệ doanh nghiệp phản hồi sẽ “mở rộng” tại Việt Nam là 43.2%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 28.8% của ASEAN. Xét theo quốc gia và khu vực, tỷ lệ này chỉ sau Ấn Độ và Pakistan, đứng đầu trong khu vực ASEAN.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc. Ảnh: MPI

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá cao vai trò của JETRO trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp và thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt khảo sát của JETRO sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng cho các bộ, ngành và địa phương Việt Nam.

Thứ trưởng cho biết, để tiếp tục phát triển quy mô thị trường trong nước, ổn định môi trường vĩ mô, tình hình chính trị - xã hội, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan, bộ ngành luôn nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ, khắc phục các khó khăn còn tồn tại; nỗ lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tăng cường giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cũng như tăng cường sự phối hợp giữa Nhà nước, viện/trường và doanh nghiệp.

Với bề dày truyền thống hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản và quan hệ “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”, Thứ trưởng đề nghị JETRO tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cùng tháo gỡ một số vấn đề cụ thể, sớm tạo thuận lợi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư thuận lợi, có lợi nhuận tốt, tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân Việt Nam./.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, từ năm 2020 đến năm 2023 đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh, cụ thể là tổng vốn đăng ký của các nhà đầu tư Nhật Bản lần lượt là 2,73 tỷ USD, 3,9 tỷ USD, 4,8 tỷ USD. Trong 3 năm trở lại đây Việt Nam vẫn luôn là quốc gia được các nhà đầu tư Nhật Bản chú trọng nhất trong khu vực Đông Nam Á.

 

Tag:

File đính kèm