Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đại diện các bộ, ngành và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tại điểm cầu các địa phương vùng Đông Nam Bộ có đại diện lãnh đạo UBND, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan của các địa phương trong Vùng.
|
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, thực hiện Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tại Văn bản số 1247/VPCP-KTTH ngày 27/02/2024 của Văn phòng Chính phủ về xây dựng các báo cáo rà soát cơ chế, chính sách đặc thù của các vùng kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan hoàn thành các Báo cáo rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù 6 vùng kinh tế - xã hội. Theo đó, Bộ đã dự thảo Báo cáo rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Đông Nam Bộ được xem là một trong ba tam giác tăng trưởng của cả nước và hiện nay đây là vùng kinh tế lớn nhất, phát triển nhất, năng động nhất của cả nước; là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước. Trong thời gian qua, các địa phương trong Vùng đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Vùng cũng như của đất nước, đặc biệt là các đầu tàu như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… trên nhiều lĩnh vực có đóng góp cho nền kinh tế, ngân sách, xuất nhập khẩu, tạo công ăn việc làm.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao về tham mưu, xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có những phân tích, đánh giá về các kết quả đạt được, chỉ ra một số tồn tại, thách thức mà các địa phương đang phải đối mặt. Các thách thức, tồn tại này cũng đã làm chậm lại quá trình phát triển, tăng trưởng của Vùng cũng như các địa phương trong Vùng trong thời gian qua.
|
Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: MPI |
Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đánh giá, rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù của các vùng, trong đó các chính sách có thể thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành liên quan để giúp các địa phương tháo gỡ các tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua và các định hướng, giải pháp phát triển trong thời gian tới nhằm phát huy hết các tiềm năng, lợi thế, đóng góp mạnh mẽ hơn vào kinh tế của Vùng và đặc biệt là của đất nước.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng nhấn mạnh đến các vấn đề của Vùng Đông Nam Bộ như phát triển kết cấu hạ tầng, hạ tầng chiến lược, hạ tầng liên vùng; các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực; chính sách phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; các thách thức về nhà ở cho người thu nhập thấp; nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất;… đồng thời đề nghị các đại biểu tham dự cho ý kiến vào các nội dung cụ thể của dự thảo Báo cáo. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm phát huy tiềm năng lợi thế, khắc phục tồn tại hạn chế nhưng đảm bảo không phá vỡ các quy định của phạm pháp luật.
Theo dự thảo Báo cáo được trình bày tại cuộc họp, Báo cáo rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù được xây dựng trên các căn cứ như mục tiêu chủ yếu phát triển Vùng đã được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 24-NQ/BCT; Những tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua và các định hướng, giải pháp phát triển Vùng đã được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 24-NQ/BCT; Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và đang trong quá trình xây dựng và đề xuất của các địa phương trong Vùng.
|
Bà Bùi Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày dự thảo Báo cáo. Ảnh: MPI |
Để tháo gỡ các tồn tại, hạn chế trong phát triển vùng thời gian vừa qua và các định hướng, giải pháp phát triển Vùng đã được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 24-NQ/BCT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, đề xuất 5 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Vùng, gồm: nhóm chính sách về đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và huy động nguồn lực; Nhóm chính sách về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Nhóm chính sách về phát triển khu công nghiệp; Nhóm chính sách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Nhóm chính sách về phân cấp điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; phát triển nhà ở xã hội.
Tham gia ý kiến tại cuộc họp, đại diện các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và các bộ, ngành liên quan bày tỏ thống nhất cao với nội dung dự thảo Báo cáo. Đồng thời tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung liên quan đến các chính sách đề xuất đã bảo đảm giải quyết được những tồn tại, “nút thắt” về phát triển của vùng Đông Nam Bộ hay chưa; về nội dung, nội hàm các chính sách đề xuất, sự phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của vùng Đông Nam Bộ, thẩm quyền ban hành, căn cứ đề xuất, khả năng nguồn lực thực hiện; đề xuất các chính sách cụ thể, mới để thực hiện các mục tiêu, định hướng mà Bộ Chính trị đã đề ra về phát triển Vùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức bày tỏ thống nhất với dự thảo Báo cáo; đồng thời đề xuất thêm các cơ chế, chính sách liên quan đến huy động nguồn lực thực hiện các dự án giao thông liên vùng; và các cơ chế, chính sách liên quan đến việc di dời các nhà máy, hỗ trợ đầu tư nhân lực đối với người dân, doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp chuyển đổi công năng.
|
Hình ảnh tại các điểm cầu. Ảnh: MPI |
Về phía tỉnh Bình Dương, ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh cũng bày tỏ thống nhất với các dự thảo Báo cáo; đồng thời cho biết, trong quá trình phát triển, tỉnh Bình Dương đã phối hợp với các địa phương trong Vùng nhằm tạo điều kiện phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội, môi trường, hài hòa giữa tiềm năng của tỉnh và lợi thế vùng Đông Nam Bộ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và thông thoáng. Điều này tiếp tục được khẳng định qua quy hoạch của tỉnh với quyết tâm đặt Bình Dương với các tỉnh thành lân cận trở thành mắt xích liên kết chặt chẽ, quan trọng.
Theo ông Phạm Trọng Nhân, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù dựa trên lợi ích chung của Vùng, tận dụng lợi thế tuyệt đối của vùng Đông Nam Bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong nhiều năm qua; có quan điểm rõ ràng, mục tiêu cụ thể, thể hiện rõ tinh thần Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị. Đồng thời nhấn mạnh thêm các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư hạ tầng vùng và kết nối vùng; quy mô đầu tư các dự án đầu tư văn hóa, xã hội theo hình thức PPP; liên quan đến tỷ lệ điều tiết nguồn ngân sách địa phương tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh, liên vùng; huy động nguồn lực để đáp ứng thế mạnh về phát triển ngành công nghiệp trong Vùng theo xu hướng xanh, sạch, giảm phát thải nhà kính; chính sách hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, trong các lĩnh vực ưu tiên;…
Đại diện các bộ, ngành liên quan cũng làm rõ thêm các nội dung đề xuất, kiến nghị của các địa phương. Đồng thời nhấn mạnh đến các nút thắt của Vùng hiện nay như mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng; Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đóng góp nhiều vào đổi mới mô hình tăng trưởng; chưa làm chủ được công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn trong những ngành chủ lực; Công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hợp lý; Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; Phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa đáp ứng yêu cầu.
Do vậy, các cơ chế, chính sách được đề xuất thực sự mang tính đặc thù, nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của Vùng, tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển của Vùng để đạt được mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra. Đồng thời, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù của Vùng để có thể áp dụng được ngay, đồng thời rà soát nghiên cứu các chính sách đặc thù khác đang thực hiện thí điểm cho các địa phương khác mà phù hợp với điều kiện thực tế áp dụng cho Vùng để đề xuất nghiên cứu, áp dụng, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng và tuân thủ Hiến pháp và đặt trong tổng thể các cơ chế, chính sách áp dụng cho cả ngước và các vùng khác./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư