Hội thảo do Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS tổ chức ngày 23/5/2024 tại Hà Nội, với sự tham dự của đại diện các nhà hoạch định chính sách đến từ các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
|
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, trên cả bình diện quốc gia và quốc tế, tăng trưởng xanh đều xuất phát từ vấn đề hiệu quả. Vì vậy, vấn đề tăng trưởng xanh đã đạt được sự đồng thuận rất cao từ các học giả, các chuyên gia, nhà khoa học và tổ chức quốc tế cũng như Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Trong hành trình phát triển xanh, ESG (Environment - Môi trường, Social - Xã hội, và Governance - Quản trị) là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp; ESG là cuộc chơi mới về trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Theo đó, hiện nay, ngoài vấn đề lợi nhuận thì doanh nghiệp còn phải quan tâm đến môi trường và xã hội. Các doanh nghiệp lớn hiện nhận ra rằng thúc đẩy và tuân thủ các quy định của ESG không chỉ là để phát triển bền vững mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho cổ đông, cộng đồng. Qua quan sát cho thấy, các nhà đầu tư lớn trên thế giới ngày càng coi trọng yếu tố ESG khi quyết định đầu tư. Các quỹ đầu tư quốc tế, các tổ chức tài chính lớn đều đã tích hợp yếu tố ESG vào chiến lược đầu tư của mình. “Đây là cuộc chơi bắt buộc với các doanh nghiệp nếu muốn đi dài hơi”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.
Thứ trưởng cho biết, ở Việt Nam, Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh, hướng đến thịnh vượng kinh tế, bền vững môi trường, công bằng xã hội không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà là cơ hội để phát triển, trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực để bắt kịp xu thế thế giới, hướng tới mục tiêu thực hiện cam kết mang tính bước ngoặt trong lịch sử là đưa phải thác ròng bằng 0 năm 2050.
Việt Nam cũng đang trong quá trình phát triển, đang chuyển đổi, vì vậy cần giải bài toán vừa phải giữ nhịp độ tăng trưởng cao, nhưng vẫn phải phát triển bền vững. Đứng từ góc độ là cơ quan tham mưu chiến lược của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng, đây là bài toán vô cùng khó. Qua ý kiến của các chuyên gia, học giả tại các hội thảo cho thấy rằng, phát triển bền vững, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi công bằng đòi hỏi phải có sự tham gia của 3 bên đó là vai trò quản trị và hành động của khu vực doanh nghiệp, sự tham gia của tổ chức hội đoàn, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ…”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Xét trên phạm vi toàn cầu, hiện có nhiều quốc gia có nhiều chiến lược mạnh mẽ về thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thông qua các cơ chế ưu đãi, khoản hỗ trợ, các khoản đầu tư công để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh phù hợp, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, một số quốc gia đã tăng cường các biện pháp để giảm thiểu cacbon thông qua việc áp dụng thuế cacbon. Trong hành trình hướng tới tăng trưởng xanh, các quốc gia, trong đó có Việt Nam rất chú trọng việc thúc đẩy doanh nghiệp thực hành ESG. Đây không chỉ là yêu cầu về mặt pháp lý mà còn là yếu tố quyết định, mang tính cốt lõi để duy trì sự phát triển bền vững.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết thêm, tại Việt Nam, phát triển bền vững là chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước và được thể hiện rất rõ tại các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ; đặc biệt tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã đặt ra mục tiêu, Việt Nam phải phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Nhận thức được tầm quan trọng này, Việt Nam đã triển khai hàng loạt các chính sách để thúc đẩy khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế cacbon thấp; tiếp tục kiên trì, kiên định mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược cho Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các bên có liên quan để triển khai một cách tích cực Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm tiếp tục đổi mới cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đặc biệt là để nâng cao khả năng, năng lực cạnh tranh quốc gia, khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài, đóng góp trực tiếp vào việc giảm phác thải khí nhà kính để thực hiện nền kinh tế trung hòa cacbon trong dài hạn.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Hiện các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nỗ lực triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Thứ nhất, xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh, huy động nguồn lực tài chính cho phát triển xanh và bền vững thông qua các kênh như tín dụng xanh, trái phiếu xanh, bảo hiểm xanh; đẩy nhanh việc hình thành thị trường tín chỉ cacbon.
Hai là, cải cách và xây dựng cơ chế ưu đãi mới để phù hợp với định hướng phát triển xanh, để khuyến khích các hoạt động chuyển đổi xanh một cách phù hợp.
Ba là, xây dựng danh mục các nhiệm vụ, dự án tăng trưởng xanh trọng điểm để chuyển đổi tăng trưởng xanh; kiến nghị các giải pháp đặc thù để huy động nguồn lực triển khai nhóm các dự án này.
Bốn là, xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức song phương, đa phương. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hệ thống đo lường, giám sát và báo cáo quá trình thực hiện.
Năm là, xây dựng bộ tiêu chí phân loại xanh. Đây là khuôn khổ pháp lý rất quan trọng để triển khai mục tiêu tăng trưởng xanh, là cơ sở để các bộ, ngành và địa phương lựa chọn các dự án đầu tư, để phân bổ các nguồn lực trong nước và quốc tế, phân bổ nguồn tín dụng xanh và nhất là để các nhà đầu tư có thể đối chiếu các tiêu chí có thể tiếp cận chính sách ưu đãi đầu tư, cũng như nguồn tài chính xanh từ các tổ chức.
Thứ trưởng chia sẻ, Việt Nam nhận thức được rằng, ESG sẽ ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng đến các doanh nghiệp; nhưng việc áp dụng các quy định, thực hành ESG không chỉ giúp đáp ứng các tiêu chí về thị trường, đối tác, nhà đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nguồn lực thông qua việc thành lập các dự án mới, thu hút nguồn đầu tư xanh, nâng cao vị thế, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ động nghiên cứu, đề xuất các chủ trương nhằm hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp trong việc thực hiện ESG. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện pháp lý liên quan đến ESG, bao gồm các quy định hướng dẫn cụ thể; kiến nghị đưa các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các dự án có yếu tố phù hợp với ESG. Cùng với đó là nâng cao hỗ trợ nhận thức, năng lực cho doanh nghiệp về ESG.
Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hành tốt ESG, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với USAID công bố sáng kiến ESG năm 2024, với chủ đề “Đón đầu cơ hội xanh”. Đây là năm thứ hai sáng kiến này được phát động với mong muốn giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đón đầu các cơ hội đầu tư mới, trong bối cảnh chuyển đổi xanh và nâng cao sức cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, thực hiện các hoạt động thúc đẩy hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các quốc gia có nền tảng ESG tiên tiến để học tập kinh nghiệm, nâng cao khả năng và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong nhận được tham gia, vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, của các đối tác phát triển. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm đưa ra các chính sách hỗ trợ thực hiện ESG đảm bảo tính thực tiễn, hiệu quả. Đặc biệt là các chia sẻ về các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, các bài học kinh nghiệm trong thực hiện ESG tại Việt Nam; về kinh nghiệm quốc tế, trên cơ sở đó nghiên cứu, áp dụng phù hợp với Việt Nam; về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến ESG.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc mong muốn thông qua Hội thảo này sẽ mang lại những thông tin hữu ích trong việc tiếp cận ESG. Đây cũng là dịp để kết nối các doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước nhằm tiếp tục hoàn thiện các khung pháp lý liên quan đến thúc đẩy và thực hành ESG, đặc biệt là liên quan đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư