Sign In

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu việc làm và nhu cầu của người sử dụng lao động

09:22 15/04/2024
Chiều ngày 15/4, Sở LĐTBXH Thái Bình cùng Trường cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội tổ chức hội nghị kết nối, hợp tác đào tạo và cung ứng lao động cho doanh nghiệp tỉnh Thái Bình năm 2024. Mục tiêu của hợp tác nhằm cụ thể hoá chương trình phối hợp giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) và UBND tỉnh Thái Bình về tăng cường hợp tác đào tạo, cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho các doanh nghiệp trên địa địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở LĐTBXH Thái Bình cho biết: Dân số của tỉnh Thái Bình hiện có gần 2 triệu người, lực lượng lao động trong độ tuổi khoảng 1,2 triệu người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 75%.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 1 khu kinh tế, 10 khu công nghiệp, 50 cụm công nghiệp với 11.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, thu hút trên 720.000 lao động; bình quân hàng năm đào tạo nghề cho 35.000 lao động, tạo việc làm mới cho trên 34.000 lao động. 

Qua khảo sát năm 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu sử dụng khoảng 12.000 lao động, trong đó lao động có trình độ cao đẳng là 3.200 người, trung cấp là 2.800 người, sơ cấp 4.000 người và 2.000 lao động phổ thông. Dự báo đến năm 2030, nhu cầu sử dụng tăng lên trên 82.000 lao động.

Khảo sát tại 5 doanh nghiệp ở Khu công nghiệp (KCN) Liên Hà Thái đã có hoạt động, thì nhu cầu sử dụng lao động khi nhà đầu tư đi vào hoạt động với 100% công suất (theo số liệu đăng ký tại IRC là 26.955 người và dự kiến trong năm 2024 và đến Quý II/2025 khoảng 1.253 người.

Trong đó, nhân lực trình độ đại học 200 nhân sự, nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp 243 nhân sự, nhân sự sơ cấp, lao động phổ thông 810 nhân sự; tập trung chủ yếu vào các nghành nghề như: Điện, Điện tử, Cơ khí, Chế tạo máy móc, Công nghệ thông tin, Logitics, Kinh tế, Hành chính, Ngôn ngữ Anh/Hàn/Trung...

Để đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, Sở đã phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đề xuất thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đào tạo lao động vào làm việc trong Khu kinh tế Thái Bình.

Đồng thời, khảo sát năng lực đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao để lựa chọn hợp tác đào tạo, cung ứng lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Sở LĐTBXH Thái Bình ký kết hợp đồng đào tạo, cung ứng lao động với Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Trần Phong, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park nhận định, việc đào tạo nghề cho lao động tại các KCN hiện nay còn khá nhiều những hạn chế cần khắc phục. Trong đó, vấn đề kỹ năng nghề gồm chuyên môn tay nghề cao và các kỹ năng mềm như: khả năng giao tiếp, phối hợp làm việc nhóm, thái độ làm việc, tính kỷ luật... chưa được quan tâm đúng mức, khiến chỉ số chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động tính theo giờ làm việc và năng lực cạnh tranh thấp, đây là vấn đề không riêng ở các địa phương mà là thực trạng về nhân lực của Việt nam nói chung so với các nước trong khu vực; và đó cũng là vấn đề làm tăng nguy cơ mất việc làm của nhiều lao động trong tương lai.

Bên cạnh đó, nếu các cơ sở đào tạo tự mình tìm hiểu và để đáp ứng được mọi yêu cầu của thị trường lao động mà không có sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp thực tế cũng là một khó khăn và có rào cản lớn…

Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Trần Phong đề xuất; Các cơ sở đào tạo nên sớm xây dựng đa dạng các khóa học ngắn hạn hoặc dài hạn tập trung vào phát triển cả về chuyên môn kỹ thuật, đến quản lý và phát triển kỹ năng mềm cho CBNV, công nhân tại KCN.

Trên cơ sở nội dung khảo sát, các cơ sở đào tạo nên sớm phối hợp và xây dựng nên các gói chương trình đào tạo chuyên sâu theo yêu cầu cụ thể của từng nhà đầu tư thứ cấp trong KCN

Cũng như hợp tác đầu tư cùng các chủ KCN trong việc đầu tư xây dựng và mở rộng cơ sở đào tạo tại chính khuôn viên khu văn phòng của các KCN (trường trong KCN). 

Phối hợp với các chủ đầu tư KCN để đầu tư máy móc thiết bị cho các cơ sở thực hành hoặc phối hợp với các đơn vị sản xuất trong KCN để đào tạo thực hành chuyên sâu về chuyên môn trên các dây chuyền sản xuất hiện đại.

Ưu tiên xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa, hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị dạy học các phần mềm mô phỏng… và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết kế bài giảng theo hướng nâng cao năng lực sáng tạo, tự học, thích nghi của người học. 

Ông Phong cho biết: Nếu làm được các vấn đề trên thì không chỉ giúp các doanh nghiệp tại KCN đáp ứng ngay nguồn nhân lực chất lượng tức thời, mà còn giúp sinh viên tại các cơ sở đào tạo và người lao động có cơ hội tiếp cận với kiến thức và kỹ năng thực tế với chuyên môn cao ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động.

Đây cũng là tiền đề quan trọng tạo ra việc làm ổn định và cơ hội phát triển nghề nghiệp, góp phần tăng cường sự ổn định và phát triển kinh tế của địa phương.

Tag:

File đính kèm