Sign In

Xây dựng một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng, có trách nhiệm về xã hội và lấy người dân làm trung tâm

09:59 15/08/2024
Trong hai ngày 12-13/8, tại Thủ đô Viên chăn (Lào) đã diễn ra Đối thoại của Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) về Kế hoạch chiến lược ASCC sau 2025. Đối thoại diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Thông tin - Văn hóa và Du lịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Đây là hoạt động cấp Bộ trưởng đặc biệt của ASCC trong năm 2024. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Văn Hồi làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị.

Khuyến khích người dân tham gia xây dựng, cụ thể hoá Tầm nhìn ASEAN 2045 - 1Đây là hoạt động cấp Bộ trưởng đặc biệt của ASCC trong năm 2024.

Sự kiện gồm 3 Phiên Đối thoại của các Bộ trưởng/Trưởng đoàn phụ trách ASCC các nước thành viên ASEAN với các Thành viên Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA); các Cố vấn cao cấp trong lĩnh vực văn hóa – xã hội; và Chủ tịch/Đại diện 15 Cơ quan chuyên ngành cấp Bộ trưởng thuộc ASCC. Đoàn đại biểu đến từ Đông Timo tham gia Đối thoại với tư cách quan sát viên. 

ASCC nỗ lực trong việc xây dựng Kế hoạch chiến lược sau năm 2025

Phát biểu khai mạc, bà Suanesavanh Vignaket, Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hoá và Du lịch Lào nhấn mạnh, năm 2024 là thời điểm quan trọng của tiến trình xây dựng Cộng đồng với nhiệm vụ cụ thể hoá Tầm nhìn ASEAN 2045. Cùng với hai Cộng đồng Chính trị - An ninh và Kinh tế, Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN đã và đang rất nỗ lực trong việc xây dựng Kế hoạch chiến lược sau năm 2025. 

Bà Suanesavanh Vignaket tin tưởng và mong đợi, Đối thoại của ASCC với các nghị sĩ, cố vấn cao cấp và các cơ quan chuyên ngành sẽ đưa ra được những quan điểm, ý tưởng quan trọng, đóng góp cho việc hoàn thiện bản Kế hoạch chiến lược một cách toàn diện và tổng thể. 

"Việc xây dựng thành công Kế hoạch chiến lược sẽ góp phần tạo ra một Cộng đồng năng động và kiên cường, không chỉ bảo vệ phúc lợi của người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng và tiến bộ trong khu vực", Bộ trưởng Suanesavanh Vignaket nói. 

Tại Phiên Đối thoại thứ nhất, đại diện AIPA các nước thànnh viên ASEAN đã lần lượt phát biểu, chia sẻ quan điểm về vai trò của Quốc hội, vai trò của các Nghị sĩ trong việc hỗ trợ cho quá trình xây dựng Kế hoạch chiến lược ASCC sau năm 2025 và đặc biệt là việc triển khai thực hiện Kế hoạch trong tương lai. 

Hai Bên đã thảo luận về các chiến lược và cách tiếp cận nhằm tăng cường hoạch định chính sách trong lĩnh vực văn hóa - xã hội; đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện thành công và hiệu quả Kế hoạch như hài hòa hóa luật pháp giữa các quốc gia. 

Khuyến khích người dân tham gia xây dựng, cụ thể hoá Tầm nhìn ASEAN 2045 - 2Đối thoại của Hội đồng ASCC về Kế hoạch chiến lược ASCC sau 2025 tổ chức tại Thủ đô Viên Chăn, Lào.

Việc thiết lập các cơ chế giám sát và đánh giá mạnh mẽ cũng rất cần thiết để nâng cao trách nhiệm của các Chính phủ và theo dõi tiến độ thực hiện. 

Hai Bên thống nhất tăng cường hợp tác nghị viện, thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại hoặc thành lập các nhóm công tác chung để triển khai các ưu tiên chung, thúc đẩy mục tiêu cải thiện cuộc sống của người dân ASEAN sau 2025. Cơ quan lập pháp các nước cần tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp, ủng hộ lập trường của nhau về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Phiên đối thoại của ASCC với các Cố vấn cao cấp đến từ các nước thành viên ASEAN đã ghi nhận nhiều ý kiến, ý tưởng hữu ích đóng góp cho Kế hoạch chiến lược ASCC sau 2025. 

Trong đó tập trung vào việc đề xuất những lĩnh vực cần ưu tiên và tập trung để đảm bảo thúc đẩy, tăng trưởng bền vững cũng như phúc lợi của người dân; tăng cường hệ thống chăm sóc y tế; nâng cao tính tự cường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa và dịch bệnh; chú trọng công tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân trong bối cảnh thế giới có nhiều đổi thay; 

Đồng thời nâng cao cách tiếp cận và chiến lược nhằm tăng cường hội nhập khu vực và xây dựng cộng đồng, đồng thời thúc đẩy Bản sắc ASEAN; tăng cường, đổi mới và mở rộng quan hệ đối tác trong ASCC...

Khuyến khích người dân tham gia xây dựng, cụ thể hoá Tầm nhìn ASEAN 2045 - 3Đại diện các nước ASEAN tham dự chụp ảnh lưu niệm

3 đột phá chiến lược của Việt Nam

Cuối cùng, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn ASCC có Phiên Đối thoại với đại diện 15 cơ quan chuyên ngành (cấp Bộ trưởng) thuộc Trụ cột ASCC. Trên cơ sở xem xét các xu hướng hiện nay và mới nổi cũng như những thay đổi về địa chính trị, kinh tế xã hội trong 10, 20 năm tới, Phiên họp ghi nhận đề xuất của các cơ quan về tầm nhìn và những biện pháp chiến lược cần tập trung của Kế hoạch chiến lược ASCC sau 2025 nhằm duy trì bền vững, năng động, kiên cường và thích ứng. 

ASCC có thể tận dụng lợi thế và xu hướng công nghệ để triển khai hợp tác, tạo sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các lĩnh vực chuyên ngành; tăng cường và mở rộng quan hệ đối tác; thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của tất cả mọi người, bao gồm các nhóm dễ bị tổn thương, hướng đến một hình ảnh ASEAN năng động, hoà nhập và phát triển bền vững trên trường quốc tế.

Trong các Phiên Đối thoại, Trưởng đoàn Việt Nam cùng các Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước thành viên ASEAN, đều bày tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao những ý kiến chia sẻ từ các đại diện AIPA, các cố vấn cao cấp cũng như đại diện các cơ quan chuyên ngành của ASCC. 

Từng cơ quan chuyên ngành đều đã và đang góp phần giải quyết những vấn đề thiết thực với cuộc sống của toàn thể người dân trong khu vực như y tế, văn hoá, giáo dục, an sinh xã hội, lao động-việc làm, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, già hóa dân số, bảo đảm các quyền con người.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi - Trưởng đoàn Việt Nam đã chia sẻ về 3 đột phá chiến lược của Việt Nam được xác định để phát triển đất nước đến năm 2030, trong đó coi phát triển nguồn nhân lực là đột phá quan trọng bởi con người là trung tâm, là mục tiêu và cũng là động lực của quá trình phát triển. 

Nhận định về bối cảnh tình hình thế giới và khu vực hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề nghị tiếp tục chú trọng giải quyết những vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống và những thách thức mới nổi. 

Trong tương lai, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi hi vọng, AIPA nói chung, Quốc hội/Nghị viện của các nước ASEAN nói riêng sẽ cùng Chính phủ nỗ lực triển khai thêm nhiều hoạt động hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2045, xây dựng một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng, có trách nhiệm về xã hội và lấy người dân làm trung tâm. 

Việc đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN sẽ thúc đẩy sự gắn kết người dân giữa các quốc gia, khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng, đồng thời bổ trợ tích cực cho việc xây dựng hai Cộng đồng Chính trị - An ninh và Kinh tế. 

Tag:

File đính kèm