Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan tiếp ông Christoph Hoffman – Nghị sỹ Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức
Vui mừng được tiếp đón ông Christoph Hoffman, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhận thấy, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – CHLB Đức thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lao động. Đồng thời khẳng định, CHLB Đức là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam ở châu Âu nói nói chung và của Bộ LĐTBXH nói riêng. “Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ Lao động và Xã hội CHLB Đức đã thống nhất tổ chức Diễn đàn Lao động Việt Nam – CHLB Đức trong năm 2025 tại CHLB Đức. Diễn đàn là một bước quan trọng trong công tác chuẩn bị tổ chức các sự kiện hợp tác liên quan đến lĩnh vực lao động, đặc biệt trong dịp hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, xứng tầm với mối quan hệ hợp tác lao động truyền thống và lâu đời của hai nước” - Thứ trưởng chia sẻ.
Đề cập về lĩnh vực đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại CHLB Đức, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan thông tin, trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa trên 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài và hiện nay có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau. Tại khu vực châu Âu nói chung, CHLB Đức nói riêng, mặc dù có nhu cầu lớn tiếp nhận lao động nước ngoài nhưng hiện nay lao động Việt Nam sang làm việc tại khu vực này còn hạn chế.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại buổi tiếp
Theo Thứ trưởng, Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, phần lớn người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại CHLB Đức đã được đào tạo kỹ năng nghề và CHLB Đức đã thông qua dự luật nhập cư mới. Đây là cơ hội tốt cho việc hợp tác lao động giữa hai nước. Tuy nhiên, hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại CHLB Đức gặp một số vướng mắc, trong đó có vướng mắc về ngoại ngữ.
Theo quy định của CHLB Đức, người lao động Việt Nam phải đạt trình độ B2 tiếng Đức mới được đi làm việc tại CHLB Đức. Với quy định này, người lao động Việt Nam phải tham gia khóa học tiếng Đức từ 12 tháng đến 18 tháng mới đạt trình độ này. Do đó, Thứ trưởng đề nghị, đối với công việc liên quan đến ngành y tế (điều dương viên) thì người lao động phải có trình độ B1 tiếng Đức trở lên; đối với công việc còn lại thì người lao động phải có trình độ A1 tiếng Đức trở lên. Người lao động sau khi nhập cảnh CHLB Đức làm việc phải tiếp tục học tập tiếng Đức để đáp ứng yêu cầu công việc.
Về hợp tác trong lĩnh vưc giáo dục nghề nghiệp, CHLB Đức là một trong những đối tác truyền thống và chiến lược của Việt Nam. Trong thời gian qua, CHLB Đức đã hợp tác, hỗ trợ Bộ LĐTBXH triển khai và hoàn thành 10 dự án. Quá trình triển khai các dự án đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động của các dự án.
Cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đã dành thời gian tiếp đón, trao đổi về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Christoph Hoffman cho biết, hệ thống đào tạo nghề kép (có sự kết hợp giữa các công ty và các trường dạy nghề) là hệ thống đào tạo rất nổi tiếng của CHLB Đức, được nhiều nước trên thế ưa chuộng, lựa chọn.
Ông Christoph Hoffman - Nghị sỹ Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức (ngồi giữa)
Ông Christoph Hoffman đánh giá cao đối với những học viên học nghề của Việt Nam khi tham gia hệ thống đào tạo nghề kép của Đức. Khi tham gia chương trình sẽ giúp các học viên có cơ hội nâng cao tay nghề, có cơ hội thực hành với máy móc thiết bị hiện đại và sát với môi trường làm việc thực tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần phát triển đất nước.
Về thị trường lao động của CHLB Đức, CHLB Đức đã và đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số. Theo thống kê, từ nay đến năm 2030, CHLB Đức dự kiến thiếu hơn 5 triệu người lao động. Vì thế, CHLB Đức đang có những chính sách mở, tạo cơ hội cho nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam đến Đức làm việc và định cư.
“Tuy nhiên không phải ai cũng nói được tiếng Đức, bởi tiếng Đức không phải là một ngôn ngữ dễ học, hầu hết mọi người đều gặp không ít thử thách từ thứ tiếng này. Điều này cũng là cản trở đối với người lao động” – ông Christoph Hoffman chia sẻ.
Với đề xuất của Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan về tiêu chuẩn đạt trình độ tiếng Đức, cá nhân ông Christoph Hoffman cho rằng, nếu học viên chỉ đạt trình độ A1, A2 sẽ không đảm bảo chất lượng cho việc học tập và làm việc tại CHLB Đức.
Ông cho biết, theo số liệu thống kê có đến 50% các học viên, người lao động trượt kỳ thi tiếng Đức. Hiện CHLB Đức đang cân nhắc mô hình mới về đào tạo tiếng Đức. Phía CHLB Đức có thể cử giáo viên đã về hưu sang Việt Nam đào tạo học viên, người lao động về tiếng Đức với tinh thần hỗ trợ, thiện nguyện là chính. Sau thời gian học tiếng, các em sẽ tham dự kỳ thi lấy chứng chỉ.
Ông Christoph Hoffman cũng đề xuất một kỳ thi tiếng đánh giá đầu vào trước khi các em tham gia khóa đào tạo tiếng Đức để xem các em có khả năng học ngoại ngữ không và có sẵn sàng, sự nỗ lực, quyết tâm để học tập, làm việc tại CHLB Đức không.
Một nội dung khác được ông Christoph Hoffman trao đổi liên quan đến thông tin báo chí của Đức phản ánh có doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam sang CHLB Đức làm việc vi phạm trong việc thu khoản tiền lớn của người lao động, thiếu trách nhiệm với người lao động. Ông Christoph Hoffman mong muốn phía Bộ LĐTBXH phối hợp với các đơn vị liên quan của Đức để làm rõ, giải quyết vấn đề trên.
Hai bên chụp ảnh lưu niệm
Thứ trưởng Hoan hoan nghênh và đồng tình với ý tưởng của ông Christoph Hoffman. Thứ trưởng cho biết, Bộ LĐTBXH có 20 trường đại học, cao đẳng nghề trực thuộc Bộ, có đủ khả năng để đào tạo người lao động về tiếng Đức. Thứ trưởng đề xuất 03 nội dung mà ông Christoph Hoffman đưa ra có thể gộp vào thành dự án để triển khai thí điểm tại Việt Nam.
Về phản ánh doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam sang CHLB Đức làm việc trái phép, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan thông tin, theo quy định pháp luật Việt Nam, chỉ những đơn vị được Bộ LĐTBXH cấp giấy phép mới được phép đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có thị trường CHLB Đức. Thứ trưởng khẳng định sẽ chỉ đạo việc kiểm tra, nếu doanh nghiệp nào vi phạm sẽ đình chỉ, rút giấy phép; đồng thời đề nghị phía CHLB Đức cung cấp thông tin về doanh nghiệp vi phạm đã được báo chí phía CHLB Đức đề cập đến. Trường hợp doanh nghiệp đó không nằm trong danh sách các doanh nghiệp được Bộ cấp phép, Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp với Bộ Công an, các địa phương để điều tra, làm rõ trách nhiệm.