Diễn đàn cấp cao thường niên năm 2023 Đối tác một sức khỏe về Phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người được phối hợp tổ chức giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định một lần nữa Diễn đàn cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người, tăng cường vai trò đầu mối, chủ trì và điều phối của Bộ NN&PTNT đối với Khung đối tác Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người, đồng thời kêu gọi các bên chủ động, tích cực phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong công tác phòng chống dịch.
"Khi đại dịch xảy ra ở bất kỳ đâu, việc huy động phối hợp đa ngành, hợp tác đa phương là "kim chỉ nam" cho công tác phòng chống dịch bệnh. Một sức khỏe là phương pháp tiếp cận tối ưu để đảm bảo an toàn cho hành tinh và sức khỏe cho cộng đồng. Nếu giai đoạn 2016-2020 có 50 Dự án Một sức khỏe thì tới nay, đã có gần 100 chương trình, dự án Một sức khỏe”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao thường niên năm 2023 Đối tác một sức khỏe về Phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, quá trình toàn cầu hoá sâu rộng, giao thương gia tăng cùng với sự biến đổi khí hậu và đô thị hóa mạnh mẽ đã làm tăng sự tương tác giữa con người - động vật - hệ sinh thái. Điều này làm biến đổi các tác nhân gây bệnh cũ và xuất hiện các tác nhân mới có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe con người. Phương pháp tiếp cận toàn xã hội để kiểm soát dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh từ động vật sang người là một trong những phương pháp thực tế đã chứng minh được tính hiệu quả. Đây cũng chính là phương pháp tiếp cận Một sức khỏe mà Việt Nam đã áp dụng thành công để kiểm soát dịch cúm gia cầm độc lực cao như cúm A H5N1, SARS, đại dịch cúm H1N1 trong những năm đầu thế kỷ 21.
Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện kế hoạch một số hoạt động đã được triển khai và đạt được thành quả bước đầu, trong đó đã thành lập được 05 nhóm công tác kỹ thuật gồm: Phòng chống đại dịch; An toàn thực phẩm; Kháng kháng sinh; Động vật đồng hành; Từ nghiên cứu tới chính sách. Qua đó, tạo diễn đàn cho các bên liên quan trao đổi các lĩnh vực chính của Khung đối tác, là cơ sở triển khai các dự án, chương trình ưu tiên của Chính phủ, chiến lược ngành được cụ thể hóa trong Kế hoạch quốc gia đa ngành về Một sức khỏe giai đoạn 2021-2025.
Bà Aler Grubs, Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam chia sẻ, thông qua quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, USAID cam kết tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong các mục tiêu phát triển ổn định, hoà bình, thịnh vượng trong đó nhấn mạnh tới Chương trình An ninh y tế toàn cầu thông qua Khung đối tác Một sức khỏe về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người của Việt Nam để kiểm soát, ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Bà Aler Grubs nhấn mạnh: Y tế là lĩnh vực được Hoa Kỳ ưu tiên hỗ trợ Việt Nam, Chương trình sẽ phối hợp chặt chẽ với các tổ chức và đối tác khác để tăng cường hoạt động hợp tác và triển khai nội dung chính của Khung đối tác Một sức khỏe để cùng đóng góp trong nỗ lực của toàn cầu. Sự tương tác giữa con người, động vật và hệ sinh thái có quan hệ gần gũi với nhau, điều này đều nằm trong Khuôn khổ Một sức khỏe cần phải tăng cường hơn trong phối hợp giải quyết các vấn đề đến an ninh y tế toàn cầu.
Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bộ và các đối tác xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2022-2030, Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030.
Trước đó, từ nguy cơ các dịch bệnh mới nổi vấn đề sức khỏe công cộng xuất hiện ngày càng nhiều, ngày 23/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đối tác Một sức khỏe giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ lan truyền các tác nhân gây bệnh từ động vật và môi trường sống sang người và kháng kháng sinh thông qua tăng cường phối hợp đa ngành.