Sign In

Nâng cao chất lượng xây dựng thể chế pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

15:59 04/04/2024
Chiều 3/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị chuyên đề nâng cao chất lượng xây dựng thể chế pháp luật và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết trong lĩnh vực NN&PTNT. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì.


Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh vai trò của xây dựng thể chế trong lĩnh vực NN&PTNT và cho rằng Hội nghị là cơ hội tốt để hai bên trao đổi thẳng thắn, lắng nghe, “soi mình” trong công tác xây dựng văn bản; làm sao pháp luật thực sự là công cụ quản lý xã hội, phát huy thực sự hiệu lực, hiệu quả trên thực tiễn. Theo Bộ trưởng, trên thực tế “tuổi thọ” của một số văn bản quy phạm pháp luật rất ngắn và nhiều khi vẫn còn xung đột với nhau do các ngành khác chưa thống nhất được về cách tiếp cận. Do đó, cần tăng cường tính đối thoại giữa các bộ, ngành, từ cấp Trung ương đến địa phương để mở ra không gian, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với từng đối tượng. Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn, qua Hội nghị, những khó khăn trong công tác xây dựng pháp luật được nghiên cứu, xem xét tháo gỡ.

Trình bày Báo cáo chuyên đề tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Nam cho biết: Hiện nay hệ thống văn bản QPPL do Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì soạn thảo, ban hành, trình ban hành đang có hiệu lực thi hành là 446 văn bản. Với 446 văn bản QPPL, cùng với hệ thống văn bản QPPL của quốc gia đã tạo khung pháp lý cơ bản đầy đủ các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn).

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành nông nghiệp liên tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, xu thế phát triển kinh tế nông nghiệp tích hợp đa giá trị, tham gia sâu vào hội nhập. Tuy nhiên, vẫn còn một số lĩnh vực hoạt động nông nghiệp và PTNT chưa có đầy đủ văn bản QPPL điều chỉnh như: thương hiệu nông sản quốc gia; tiếp tục phát triển đa dạng của rừng (nuôi, trồng phát triển dược liệu trong rừng phát triển cây dược liệu trong rừng; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí; tín chỉ các ban bon rừng); đồng quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với du lịch, văn hóa cộng đồng (hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế liên kết, khuyến nông); điều chỉnh, bổ sung các chính sách, pháp luật về nông nghiệp để thích ứng biến đổi khí hậu

Đại diện một số đơn vị của Bộ NN&PTNT đã thẳng thắn trao đổi một số khó khăn trong công tác xây dựng Luật, đó là yêu cầu rất cao sự hiểu biết về luật pháp cũng như kiến thức chuyên ngành, áp lực về thời gian; về khó khăn khi có những vấn đề chưa thống nhất giữa các Bộ, ngành; khó khăn trong quá trình lấy ý kiến vào dự thảo văn bản; về ứng dụng công nghệ thông tin…

Toàn cảnh Hội nghị

Một trong những nguyên nhân được các đại biểu đưa ra là do quá trình ban hành văn bản pháp luật chịu sức ép lớn do thời gian ngắn, gây khó khăn cho việc xin ý kiến từ các bên liên quan. Có những vấn đề chưa thống nhất giữa các bộ, ngành buộc phải xin ý kiến nhiều lần, giải trình và tiếp thu để đạt được sự đồng thuận tuyệt đối. Trong khi có những nghị định thời gian phải trình Chính phủ xem xét và ban hành rất gấp, gây khó khăn cho cơ quan soạn thảo.

Đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đánh giá cao sự phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT thời gian qua, đồng thời làm rõ, giải đáp, đề xuất nhiều vấn đề về xây dựng văn bản quy định chi tiết,; nâng cao vai trò của tổ chức pháp chế; hiệu quả công tác phối hợp, truyền thông chính sách; một số lưu ý trong theo dõi thi hành pháp luật cũng như hợp tác quốc tế; về xử phạt hành chính trong một số lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ NN&PTNT; việc kiểm tra, rà soát văn bản theo thẩm quyền; những khó khăn trong thi hành án tài sản là tàu cá theo Nghị định 67/CP…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao công tác phối hợp giữa hai Bộ trong thời gian qua. Bộ trưởng ghi nhận các ý kiến và cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, tránh tình trạng chậm ban hành văn bản, chậm thẩm định, vướng mắc trong quá trình lấy ý kiến giữa các cơ quan.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Bộ trưởng cho rằng, cần sự chủ động từ phía người làm chính sách, dự đoán các diễn biến của công tác sửa đổi luật, tránh sự bị động trong quá trình lấy ý kiến các bên liên quan. Đánh giá hệ thống pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới còn nhiều khó khăn, thách thức cả về số lượng và tính chất phức tạp, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tháo gỡ từng nội dung, từng vấn đề; từ những quy định của chính sách, từ thực tiễn thực thi, từ quá trình thi hành luật, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

HNN (mard.gov.vn)

Tag:

File đính kèm