|
Quang cảnh Hội thảo |
Theo báo cáo dự thảo Đề án Chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Đề án) cho biết, mục tiêu chung của Đề án nhằm phát triển Học viện trở thành trung tâm quốc gia có uy tín ngang tầm khu vực châu Á - Thái Bình Dương về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; về đào tạo nhân lực chất lượng cao trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, về nghiên cứu, tư vấn về hành chính, lãnh đạo, quản lý, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước.
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025: Hoàn thiện các quy định pháp lý đáp ứng yêu cầu phát triển Học viện trong giai đoạn mới; ổn định về tổ chức và hoạt động, tạo lập khuôn khổ thể chế, văn hóa cho sự phát triển bền vững của Học viện; xây dựng đội ngũ viên chức, giảng viên Học viện có chuyên môn cao, có năng lực sáng tạo, phẩm chất đạo đức tốt; duy trì quy mô đào tạo, bồi dưỡng của Học viện. Dự kiến quy mô bồi dưỡng cán bộ, công chức hằng năm là trên 30.000 lượt học viên; quy mô đào tạo đại học, sau đại học ở quy mô 4.000 học viên, sinh viên; hoàn thành các nhiệm vụ về đầu tư xây dựng cơ bản, tạo cơ sở vật chất cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ của Học viện trong giai đoạn tiếp theo.
Đến năm 2030: Trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu về hành chính, lãnh đạo, quản lý hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, có năng lực tham gia các chương trình bồi dưỡng quốc tế chất lượng cao; xây dựng và vận hành hiệu quả Học viện số; mở rộng quy mô bồi dưỡng trên 40.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức với các chương trình bồi dưỡng đa dạng, chuyên sâu, cập nhật; có ít nhất 5 ngành đào tạo trình độ đại học, sau đại học thuộc nhóm cơ sở đào tạo hàng đầu ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; học viên, sinh viên của Học viện được đánh giá cao trên thị trường lao động ở trong nước và quốc tế; 60% công bố quốc tế có chất lượng thuộc nhóm Quartiles 1, Quartiles 2 trên tổng số công bố quốc tế.
Đến năm 2045: Học viện trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng hàng đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; có năng lực thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng quốc tế; có năng lực tham gia vào thị trường đào tạo, bồi dưỡng toàn cầu; có ít nhất 10 ngành đào tạo đại học, sau đại học thuộc nhóm cơ sở đào tạo hàng đầu ở khu vực châu Á.
Đề án cũng nêu 07 giải pháp trọng tâm sau: 1) Phát triển đội ngũ viên chức Học viện ngang tầm nhiệm vụ; 2) Đổi mới và nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; 3) Đào tạo nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm và chất lượng cao; 4) Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học; 5) Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế; 6) Đổi mới trong tổ chức quản trị; 7) Nâng cao năng lực tài chính, hiện đại hóa cơ sở vật chất.
|
Các đại biểu cho ý kiến tại Hội thảo |
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận những nội dung: bổ sung các cơ sở pháp lý cho Đề án; kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Học viện; bổ sung các số liệu trong Đề án; bổ sung một số mục tiêu cụ thể cho Đề án; giải pháp về hợp tác quốc tế; giải pháp nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và hoạt động nghiên cứu khoa học; bổ sung mục kiến nghị, đề xuất;...
|
Thứ trưởng Triệu Văn Cường phát biểu tổng kết Hội thảo |
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Triệu Văn Cường đánh giá cao kết quả xây dựng Đề án và ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, quản lý trong quá trình hoàn thiện dự thảo Đề án, trong đó, lưu ý nghiên cứu một số nội dung: tại phần 2 của Đề án cần bổ sung định hướng chỉ đạo; bổ sung mục tiêu cụ thể, các giải pháp trọng tâm của Đề án, giải pháp cụ thể về hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học..../.
Mạnh Quân