1. Cầm trên tay văn bản báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 được Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Lạc (Vĩnh Phúc) giao cho trên cương vị người đứng đầu, đồng chí Phạm Văn Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nguyệt Đức bày tỏ: “Năm 2022, tôi được giao thực hiện 21 nhiệm vụ, cơ bản là việc khó và mới. Đáng mừng là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ trên giao, nhiều phần việc hoàn thành vượt chỉ tiêu hoặc hoàn thành trước tiến độ”.
Nhiệm vụ Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Lạc giao rất cụ thể, rõ ràng, kết hợp với định hướng, hỗ trợ kịp thời giúp Bí thư Đảng ủy xã Nguyệt Đức nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, tìm tòi cách làm mới và huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị để hiện thực với trách nhiệm cao nhất. Không chỉ ở Nguyệt Đức mà trong toàn hệ thống tổ chức đảng ở Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, việc giao nhiệm vụ cho cán bộ chủ trì các cấp được tổ chức đảng cấp trên một cấp triển khai nền nếp, nhịp nhàng, hiệu quả. Phần việc này bắt đầu từ đầu năm 2021, khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao chỉ tiêu cho các ngành và địa phương. Đến tháng 7-2021, Tỉnh ủy tiếp tục giao nhiệm vụ trọng tâm cho các ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh... Ngày 22-9-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 371-QĐ/TU về thực hiện thí điểm giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đối với 6 giám đốc sở và bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND của 9 huyện, thành phố.
|
|
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc tham quan gian trưng bày những sản phẩm nông nghiệp được sản xuất, chế biến bởi các doanh nghiệp trong tỉnh. |
Tại nhiều địa phương ở Vĩnh Phúc, sau khi nhận nhiệm vụ của cấp ủy cấp trên và người đứng đầu giao phó, đội ngũ cán bộ chủ trì không thể không trăn trở kiếm tìm chủ trương, giải pháp triển khai thực hiện nhiều việc khó, việc mới và tạo nên nhiều dấu ấn bứt phá rất đáng ghi nhận; góp phần đưa Vĩnh Phúc phát triển như thời điểm hiện tại. Ví như, tại Đảng bộ TP Vĩnh Yên, nhờ cách giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm rất rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ các cấp dấn thân, xắn tay vào việc. Hình ảnh các đồng chí cán bộ, đảng viên năng nổ, trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo, giải quyết hàng chục vụ việc phức tạp về giải phóng mặt bằng; trực tiếp đến với những nơi quần chúng đang gặp nhiều bức xúc tiến hành đối thoại, tháo gỡ... để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân.
2. Khoán sản phẩm nhưng không phải “khoán trắng” cho cán bộ, đảng viên, mà tổ chức đảng cấp trên và cơ quan chức năng còn có trách nhiệm đồng hành, hỗ trợ về nguồn lực, cơ chế, chính sách, điều kiện để mỗi tổ chức, cá nhân hiện thực các nhiệm vụ. Theo đó, hằng quý hoặc đột xuất, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thẩm định mức độ, tiến độ thực hiện phần việc được khoán. Hằng năm, người đứng đầu báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, chỉ rõ những đầu việc đã hoàn thành, chưa hoàn thành; đồng thời phát hiện những bất cập, vướng mắc, xin ý kiến chỉ đạo và hiến kế, đề xuất cơ chế, điều kiện bảo đảm cho việc vận hành khoán sản phẩm đạt kết quả thực chất. Đặc biệt, kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp ủy cấp trên giao phó của người đứng đầu còn được hội đồng tư vấn (cùng cấp) đánh giá bằng cách chấm điểm cho từng chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể...
Cùng với giao nhiệm vụ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, đầu việc được giao. Có thời điểm, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp riêng với người đứng đầu 9 huyện, thành phố và 6 sở, ngành để nhắc nhở, khẳng định quan điểm nhất quán “nói đi đôi với làm” và đã làm phải có hiệu quả. Chính nhờ sự quyết liệt đó, các ngành và địa phương phải chạy đua với thời gian để hoàn thành các chỉ tiêu được giao khoán. Nhiều huyện ủy, thành ủy tổ chức hội nghị chuyên đề về xử lý điểm nghẽn, xử lý vi phạm đất đai. Thậm chí, không khó để bắt gặp bí thư huyện ủy, thành ủy trực tiếp đi vận động thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Nhờ giao nhiệm vụ một cách bài bản, khoa học, cụ thể, cán bộ nhận nhiệm vụ cam kết và quyết liệt hành động, không chỉ giúp địa phương phát triển mà còn mang lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực, nhất là trong công tác cán bộ. Các đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đánh giá, việc giao khoán nhiệm vụ gắn với đánh giá cán bộ bằng sản phẩm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là bước đột phá, giúp công tác đánh giá cán bộ thực chất hơn, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc hơn. Điểm mấu chốt là xác định rõ trách nhiệm cá nhân. Giao sản phẩm cũng giống như đi thi, có giao đề bài, có chấm bài, người dự thi sẽ phải cố gắng làm bài cho tốt. Cán bộ bị đánh giá kém, không đạt, dứt khoát sẽ bị điều chuyển công tác.
Trao đổi về hiệu quả của phương pháp đánh giá cán bộ bằng sản phẩm, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: Giao sản phẩm, nhiệm vụ cụ thể là một biện pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Quá trình triển khai, tinh thần trách nhiệm của cán bộ nâng lên rõ rệt. Nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới, quyết liệt được giám đốc các sở, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện mạnh dạn thực hiện.
Trên tinh thần đó, trong các năm 2022 và 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy rà soát, hoàn thiện quy trình giao nhiệm vụ và quy trình đánh giá người đứng đầu; mở rộng đối tượng giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đối với người đứng đầu các cấp theo hướng tăng việc mới, việc khó, việc cần đột phá, sáng tạo để giải quyết các điểm nghẽn bất cập còn tồn tại của các sở, ngành, địa phương.
NGUYỄN SÔNG TRÀ