Sign In

Năm thứ 9 liên tiếp, Bộ Tài chính duy trì Top 3 trong xếp hạng PAR Index

17:11 19/04/2023
Sáng ngày 19/4, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức Phiên họp thứ tư với chủ đề cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số và công bố Chỉ số CCHC năm 2022 (PAR Index) của các bộ, ngành, địa phương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022.

 

Tiên phong trong cải cách hành chính lĩnh vực tài chính ngân sách

Theo kết quả được công bố, Bộ Tài chính xếp vị trí thứ 3 với kết quả Chỉ số CCHC đạt 89,76%. Đây là năm thứ 9 liên tiếp (từ 2014 - 2022), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về PAR Index.

Trong đó, các chỉ số cụ thể lần lượt là: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính đạt 98,27%; Cải cách thể chế đạt 83,47%; Cải cách thủ tục hành chính đạt 92,70%; cải các ổổ chức bộ máy đạt 90,19%; cải cách chế độ công vụ đạt 81,57%; cải cách tài chính công đạt 96,28% và xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số đạt 90,38%.

Kết quả trên cho thấy, nhìn chung trong năm 2022, công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tiếp tục được Bộ Tài chính quan tâm thực hiện, triển khai các nội dung, nhiệm vụ theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của Bộ Tài chính đã được triển khai một cách thường xuyên, liên tục theo kế hoạch và trên cơ sở thực hiện các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ số cải cách thủ tục hành chính ghi nhận sự biến động về kết quả và sự vào cuộc thực chất trong công tác cải cách thủ tục hành chính tại Bộ Tài chính. Năm 2022 chỉ số này của Bộ Tài chính tăng 5,38% (từ 87,32% năm 2021 lên 92,70% năm 2022). Riêng năm 2022, Bộ Tài chính đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản QPPL để cắt giảm 134 TTHC; đơn giản hoá 169 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý. Theo đó, hiện nay tổng số TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính còn hiệu lực là 800 TTHC, đã giảm 96 TTHC so với cùng kỳ năm 2021 (tương ứng khoảng 12%).

Chỉ số cải cách tổ chức bộ máy cũng thể hiện những kết quả tích cực đạt được của Bộ Tài chính năm 2022 trong việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, trong việc sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy những năm qua.

Về chỉ số cải cách tài chính công, Bộ Tài chính tiếp tục là một trong số các Bộ dẫn đầu, đạt tỷ lệ trên 96%. Điều này cũng thể hiện rõ vai trò tiên phong của Bộ trong quản lý và thực hiện các quy định pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước. Đặc biệt, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước; cân đối đảm bảo nguồn lực hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Toàn cảnh phiên họp thứ 4 của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính

Năm 2022, chỉ số xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số của Bộ Tài chính tiếp tục đạt cao trên 90%. Với việc xác định “đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số” là một trong các đột phá trong Chiến lược Tài chính đến năm 2030, Bộ Tài chính đã tập trung triển khai có hiệu quả các hệ thống thông tin lớn, cốt lõi bám sát chương trình chuyển đổi số, trong đó đặc biệt chú trọng hỗ trợ trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp như lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc.

Dư địa để tiếp tục cải cách

Bên cạnh các chỉ số có sự cải thiện so với năm 2021, một số chỉ số năm 2022 của Bộ Tài chính có sự giảm điểm với tỷ lệ giảm khoảng 6-8%. Cụ thể:

Chỉ số thành phần về cải cách thể chế của Bộ Tài chính giảm 6,16% từ 89,63% năm 2021 xuống còn 83,47% năm 2022. Các nội dung dẫn đến việc giảm điểm chủ yếu tập trung vào đánh giá tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ và việc thực hiện đánh giá tác động của thủ tục hành chính tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Chỉ số về cải cách chế độ công vụ của Bộ Tài chính, năm 2022 đã đạt được những kết quả trong đổi mới, nâng cao công tác tuyển dụng, bổ nhiệm; xây dựng và hoàn thiện vị trí việc làm; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng; … nhưng vẫn có sự giảm điểm so với năm 2021 (giảm 8,12% từ 89,69% xuống còn 81,57%). Nguyên nhân giảm điểm là do việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật tại một số đơn vị thuộc Bộ chưa được đảm bảo.

Kết quả đánh giá PAR Index năm 2022 tiếp tục khẳng định là công cụ quản lý quan trọng, thước đo giúp xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của Bộ Tài chính nói riêng và các Bộ, ngành, địa phương nói chung. Đồng thời, việc đánh giá PAR Index năm 2022 đã nâng cao mức độ cá thể hóa trách nhiệm tới từng cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

CCHC

Tag:

File đính kèm