Sign In

Sẽ thiết kế lại để việc thanh toán nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thông thoáng hơn

16:12 07/06/2023
Chiều 7/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đinh Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ. Phát biểu làm rõ thêm về chi ngân sách cho hoạt động khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, do còn một số quy định chưa phù hợp nên các nhà khoa học khi thanh toán cảm thấy phiền phức, do đó, thời gian tới sẽ sửa đổi quy định của pháp luật, đảm bảo thông thoáng, chủ động và căn cứ vào kết quả sản phẩm đầu ra và hiệu quả công việc để thực hiện.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp Quốc hội chiều 7/6

Đã rất mở trong thực hiện khoán chi đối với nghiên cứu khoa học

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, năm 2017, NSNN chi cho KHCN là 1.390 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ chi NSTW là 8.731 và NSĐP là 2.512 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ là 1,18% tổng chi NSNN.

Năm 2022, tỷ lệ chi NSNN là 1,01% trên tổng chi NSNN. Năm 2023 chi NSNN: 2.076 tỷ đồng, chiếm 0,82%, trong đó chi đầu tư là 0,23% và chi thường xuyên là 0,28%.

Về quyết toán chi NSNN, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2014/NĐ-CP, Bộ Tài chính và Bộ KHCN đã ban hành Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC về cơ chế khoán nhiệm vụ chi KHCN có sử dụng ngân sách, theo hướng thiết kế, căn cứ vào hiệu quả và kết quả đầu ra để chi ngân sách. Thông tư này giao quyền chủ động cho đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài được điều chỉnh các mục chi, nội dung chi, định mức kinh phí được giao khoán. Với kinh phí không giao khoán thì thực hiện theo đề xuất của tổ chức chủ trì và cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Chúng ta đã rất mở trong thực hiện khoán chi trong KHCN. Tuy nhiên, hiện nay, còn một số tồn tại như quy trình tuyển chọn và giao đề tài và nhiệm vụ nghiên cứu phức tạp, kéo dài. Thực hiện giao không theo hướng giao khoán mà thực hiện theo chứng từ và thực chi. Điều này sẽ gây khó khăn trong thực hiện nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học khi thanh toán cảm thấy rất phiền phức”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thẳng thắn chia sẻ.

 

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều 7/6

Thanh toán theo đơn đặt hàng

Về những giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Bộ KHCN sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan khác để sửa Nghị định số 95/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC và trên cơ sở lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý và nhân dân, sửa đổi quy định của pháp luật, đảm bảo thông thoáng, chủ động và căn cứ vào kết quả sản phẩm đầu ra và hiệu quả công việc để thực hiện.

Theo Bộ trưởng, cơ chế quản lý KHCN, cần thiết kế hoàn thiện lại phù hợp hơn theo hướng là về sản phẩm đầu ra và hiệu quả của sản phẩm nghiên cứu khoa học.

Đối với Nhà nước nên đặt hàng và thanh toán theo đặt hàng, trong đó có thể đấu thầu hoặc chỉ định thầu, lập dự toán, căn cứ dự toán để đưa ra đấu thầu, chọn các tổ chức nghiên cứu, đảm bảo sản phẩm đầu ra và khi thanh toán thuận lợi hơn, tránh vấn đề như chấm công, chi phí vật tư, chi phí hội nghị công tác…

Ngoài ra, phải quy định chuyển giao, ứng dụng đề tài được nghiên cứu trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Người đứng đầu ngành Tài chính cũng kiến nghị: Đối với các đơn vị nghiên cứu khoa học ngoài nhà nước, cần phát huy tính sáng tạo và sáng kiến, phát minh, có cơ chế thưởng, hỗ trợ, mua lại các phát minh và sáng kiến, cũng như có cơ chế về chuyển giao, ứng dụng đề tài khoa học.

Nêu ý kiến trước Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến nghiên cứu khoa học, bởi vì có nghiên cứu khoa học và ứng dụng KHCN mới phát triển được sản phẩm, hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh. Đây là vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp lớn luôn chú trọng đối với lĩnh vực nghiên cứu.

Lấy ví dụ về việc quy định điều kiện đối với chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp… phải có đề tài khoa học, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng nên bỏ các quy định bất cập kiểu này vì như vậy dẫn đến tình trạng làm cho đủ điều kiện hình thức chứ không có ứng dụng trong thực tiễn, không đảm bảo hiệu quả trong quá trình nghiên cứu đề tài.

Bộ trưởng đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân khi cho rằng: “muốn đột phá phát triển KHCN là phải coi trọng nhân tài, muốn có nhân tài thì phải có cơ chế chính sách hết sức phù hợp. Ngày xưa, trong khó khăn, chúng ta đã có những nhà khoa học rất nổi tiếng như nhà các khoa học: Trần Đại Nghĩa sản xuất bom ba càng, súng bazooka; Đặng Văn Ngữ sản xuất Penicillin nước, hay nhà bác học Lương Định Của… chúng ta phải thu hút được nguồn lực nhân tài để đảm bảo sáng kiến, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học”./.

PV

 

Tag:

File đính kèm