Sign In

Nâng hạng thị trường chứng khoán chờ dòng vốn ngoại

11:35 29/02/2024

Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025, tạo lực đẩy đáng kể cho thị trường vốn khi tăng khả năng tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ với đại biểu bên lề Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK. Ảnh: Tuệ Anh

Bước đi chiến lược

Nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào Đề án Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, đồng thời, cũng đã được đưa vào Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030. Thời gian qua, cơ quan quản lý đã, đang đặt quyết tâm cao để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình nâng hạng của TTCK Việt Nam.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 vừa diễn ra ngày 28/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ sẽ nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm, tương đương đầu tư trực tiếp.

Ông Ketut Ariadi Kusuma, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của World Bank tại Việt Nam cho rằng, khát vọng của Việt Nam trong việc nâng cấp TTCK lên thị trường mới nổi là bước đi chiến lược, phù hợp với tham vọng lớn hơn là chuyển đổi thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Mục tiêu tham vọng này phụ thuộc vào việc tận dụng hiệu quả thị trường tài chính để dẫn vốn đầu tư tới các mục tiêu kinh tế này, trong đó thị trường vốn đóng vai trò rất quan trọng. Cụ thể, TTCK đã đạt được mức vốn hóa khoảng 247 tỷ USD (khoảng 57% GDP) vào năm 2023, và thậm chí từng đạt kỷ lục 93% GDP vào năm 2021, càng nhấn mạnh về tiềm năng huy động vốn cho khu vực doanh nghiệp.

Theo đại diện World Bank, Việt Nam được MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên (FM). Cho đến nay, thị trường Việt Nam vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số FM (hơn 30% tổng tài sản quản lý) và đã đạt đến giới hạn có thể kỳ vọng trong rổ chỉ số cận biên. Kể từ tháng 9/2018, Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russell lên thị trường mới nổi và được MSCI theo dõi xem xét định kỳ.

Việc nâng hạng TTCK sẽ là lực đẩy đáng kể cho thị trường vốn Việt Nam vốn sẽ được coi là có khả năng tiếp cận thị trường thỏa đáng đối với các nhà đầu tư nước ngoài và có mức vốn hóa đạt quy mô cũng như tính thanh khoản hấp dẫn ngang hàng với nhiều nước đang phát triển có trình độ phát triển tương tự như Việt Nam. Ngân hàng Thế giới ước tính việc nâng hạng TTCK có thể mang lại tới 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030. Ngoài ra, nếu Việt Nam cải cách mạnh mẽ ngành bảo hiểm, quỹ đầu tư, cùng giải pháp cải thiện môi trường đầu tư có thể mang lại khoản đầu tư lên tới 78 tỷ USD cho thị trường vốn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, năm 2024 là năm tăng tốc và có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025. Việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực là một trong những trọng tâm năm 2024, trong đó việc huy động vốn thông qua TTCK được xác định là một trong những kênh quan trọng.

“Phải khẩn trương hoàn thành nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Thời gian gần đây, khi tiếp xúc với các tập đoàn, quỹ đầu tư quốc tế, họ đều bày tỏ nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng thì dòng vốn vào Việt Nam tăng lên rất nhiều”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ.

Ông Johan Nyvene, Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán TPHCM đánh giá mục tiêu nâng hạng từ TTCK Việt Nam nói chung sẽ thuận lợi, sẽ tăng tính hội nhập toàn cầu, nâng tầm thị trường Việt Nam và vị thế quốc gia. Với việc thị trường vốn được nâng hạng, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với dòng vốn đầu tư. TTCK Việt Nam sẽ tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và đón nhận dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư trên thế giới. Việc nâng hạng TTCK còn gắn với câu chuyện Việt Nam đang định hướng thành lập một Trung tâm tài chính quốc tế. Đây là một phần lớn trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK thu hút sự quan tâm của nhiều đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các ngân hàng, hiệp hội, doanh nghiệp niêm yết. Ảnh: Tuệ Anh

Quyết tâm theo tinh thần “đã nói là làm”

Những nỗ lực về cả sửa đổi pháp lý cũng như các giải pháp thực tiễn của Việt Nam trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các thị trường vốn của Việt Nam. Cơ quan quản lý cũng thường xuyên trao đổi với hai tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán là MSCI và FTSE Russell nhằm cập nhật thông tin thực tế tới các tổ chức này, cũng như để các cơ quan quản lý hiểu rõ các các yêu cầu, tiêu chí từ các tổ chức, từ đó có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện. Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, các tổ chức, thành viên thị trường để có những giải pháp giải quyết, tháo gỡ các nhóm vấn đề.

Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế lớn, Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, hiện có 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Đó là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài. Cả hai vấn đề này đều cần có sự phối hợp thiết thực của các cơ quan, bộ ngành có liên quan để tháo gỡ, như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Với quyết tâm nâng hạng TTCK, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp yêu cầu các cơ quan quản lý có liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, đặc biệt tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng với tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có sản phẩm, hiệu quả cân đong đo đếm được".

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng, sớm có kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng, báo cáo kết quả trước ngày 30/6/2024.

Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương rà soát, đề xuất việc sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết nhằm xử lý các vấn đề kỹ thuật còn vướng mắc, nâng cao tính minh bạch trên TTCK, tháo gỡ ngay những rào cản để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, công bố đầy đủ tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài; cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Bộ bằng song ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh.

Ngân hàng Nhà nước được giao khẩn trương xem xét, rà soát để đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài; nghiên cứu công cụ thanh toán bù trừ phù hợp quy luật thị trường; tiếp tục triển khai các giải pháp, chỉ đạo các ngân thương mại tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay.

Thủ tướng nêu rõ, năm 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, giữ vững ổn định chính trị - xã hội để nhà đầu tư yên tâm, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025.

Tuệ Anh

Tag:

File đính kèm