Dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa. Ảnh: Lâm Hiển
Cùng dự có: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà; Ủy viên Thường trực Ban Thư ký, Vụ trưởng Vụ Thư ký - VPQH Phan Thị Thùy Linh; lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Khánh Hòa...
Quy mô kinh tế vượt mốc 100 nghìn tỷ đồng
Khánh Hòa là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 5.197 km2, với 2 thành phố, 1 thị xã và 6 huyện (trong đó, có huyện đảo Trường Sa); đường bờ biển dài 385 km, hội tụ nhiều lợi thế vượt trội cho phát triển kinh tế biển và tiềm năng lớn trong phát triển du lịch, dịch vụ, như: địa lý, vị thế địa chiến lược đặc thù; tầm quan trọng đặc biệt của huyện đảo Trường Sa, quân cảng Cam Ranh và cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế Vân Phong; các giá trị toàn cầu và quốc gia của vịnh đẹp Nha Trang và bán đảo Hòn Gốm; nơi tập trung các cơ quan nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực biển, và là một trong 5 trung tâm nghề cá của cả nước…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân nêu rõ, năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ và cả hệ thống chính trị tỉnh Khánh Hòa luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai toàn diện các nhiệm vụ và đạt nhiều kết quả cụ thể.
Theo đó, Khánh Hòa có 20/22 chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, trong đó, GRDP tăng 10,35%, đưa tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 8,15% (kế hoạch là 7,5%); quy mô nền kinh tế lần đầu vượt mốc 100 nghìn tỷ đồng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển
Tỉnh đã đón hơn 7,2 triệu lượt khách lưu trú, đạt doanh thu hơn 31.778,9 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2022. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 1.750,1 triệu USD, tăng 5,9%. Thu ngân sách nhà nước đạt 18.012,7 tỷ đồng, vượt 16,6% dự toán và tăng 9,2% so với năm 2022. Toàn tỉnh thu hút được 17 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 100.865,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, có 2 chỉ tiêu chưa đạt là: số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ che phủ rừng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Khánh Hòa đã hoàn thành công tác lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch. Công tác cải cách hành chính, hỗ trợ sản xuất kinh doanh được quan tâm. Công tác giải ngân đầu tư công được tập trung thực hiện. Đến hết ngày 31.1.2024, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 so với kế hoạch, đạt 73,2%. Tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm của quốc gia.
Các đại biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển
Lĩnh vực an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm bảo đảm. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,11%; không còn hộ nghèo có thành viên trong hộ là người có công với cách mạng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân trong các dịp lễ, Tết, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện tốt các nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ kết hợp phòng thủ dân sự tỉnh.
Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo triển khai toàn diện, đồng bộ công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đạt hiệu quả rõ nét. Công tác chính trị tư tưởng được chú trọng; tập trung kiện toàn, đổi mới sắp xếp bộ máy tổ chức. Hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng ngày càng được nâng lên; công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, toàn diện hơn với quyết tâm chính trị cao. Nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng có nhiều đổi mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Đáng chú ý là công tác phát triển đảng viên, đạt 124,6% kế hoạch, bằng 4,6% tổng số đảng viên của tỉnh, đứng thứ 7 cả nước về tỷ lệ kết nạp đảng viên, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Công tác bố trí cán bộ được đặc biệt quan tâm, phát huy hiệu quả; cán bộ được điều động, luân chuyển đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ mới, phát huy được năng lực, trách nhiệm trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Triển khai nghiêm túc, hiệu quả các cơ chế đặc thù của Quốc hội
Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo khẩn trương cụ thể hoá, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện và đem lại kết quả tích cực. Đến nay, Trung ương và tỉnh đã ban hành đầy đủ các quy định để cụ thể hoá Nghị quyết. Trong đó, HĐND tỉnh đã ban hành 6 Nghị quyết và UBND tỉnh ban hành 2 quyết định triển khai Nghị quyết. Tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương liên quan xây dựng 1 Nghị định của Chính phủ và 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ triển khai Nghị quyết số 55/2022/QH15.
Về kết quả cụ thể, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết bổ sung tăng định mức phân bổ chi cơ quan, quản lý nhà nước, đảng và các tổ chức chính trị - xã hội bình quân từ 31 triệu đồng/biên chế/năm tăng lên 45 triệu đồng/biên chế/năm (tăng so với năm 2022 là 14 triệu đồng/biên chế/năm, tương ứng tăng 50%), tăng chế độ lễ, Tết so với quy định trước đây và bố trí nguồn để thực hiện công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất khi nhà nước thu hồi đất tại Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Tấn Tuân phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ huyện Khánh Vĩnh, huyện Khánh Sơn. Trong năm 2023, các huyện, thị xã, thành phố đã hỗ trợ cho 2 huyện 158 tỷ đồng, địa phương đã xây dựng phương án phân bổ kinh phí hỗ trợ cho huyện Khánh Vĩnh và huyện Khánh Sơn, trong đó tập trung nguồn lực để hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn và bố trí cho các công trình, dự án có tính liên kết, kết nối các địa bàn xã, cải thiện đời sống người dân thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Có 2 dự án thuộc danh mục dự án đã được HĐND tỉnh cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, đến nay đã hoàn thành thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư và đang thực hiện thủ tục phê duyệt quyết định đầu tư các dự án thành phần, gồm: Dự án Đường giao thông liên vùng huyện Diên Khánh và Dự án Nâng cấp và làm mới đường Tỉnh lộ 6 - ĐT.651G (đoạn 2).
Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển
HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết quy định việc sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất khi Nhà nước thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm, Nghị quyết về trình tự, thủ tục thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm. Đến nay, trên địa bàn Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm, chưa có dự án đầu tư được tổ chức điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất khi Nhà nước thu hồi đất theo 2 Nghị quyết nêu trên. Dự kiến, trong năm 2024 sẽ tổ chức thực hiện quy định này ngay sau khi các quy hoạch được cấp có thẩm quyền thông qua.
Một số cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược đã bước đầu phát huy hiệu quả. Hiện có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã triển khai dự án, ký biên bản ghi nhớ, đăng ký khảo sát tại Khu kinh tế Vân Phong.
Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Thực hiện Quyết định UBND tỉnh về việc ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường đối với dự án đầu tư trong Khu kinh tế Vân Phong và các khu công nghiệp, đến nay, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong đã tiếp nhận 14 hồ sơ lĩnh vực Môi trường trên địa bàn Khu kinh tế Vân Phong. Qua đó, góp phần giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho các dự án.
Về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa, Chính phủ đã ban hành Nghị định về thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hoà. UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định liên quan đến Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá và tổ chức Lễ ra mắt và phát động ủng hộ Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hoà ngày 12.8.2023. Hiện nay, Quỹ đã huy động được số tiền là 25,895 tỷ đồng và 10 thiết bị lọc nước với số tiền 2,376 tỷ đồng. Sở NN&PTNT đang phối hợp với UBND huyện Trường Sa và Quân chủng Hải quân đề xuất các hoạt động, dự án, công trình… đầu tư tại huyện Trường Sa sử dụng kinh phí từ Quỹ trong thời gian tới.
Tận dụng tối đa cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội
Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển năm 2024: tỉnh Khánh Hòa xác định tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; 4 chương trình kinh tế - xã hội, phát triển Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề cương nhiệm vụ tổng thể xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch quan trọng của tỉnh, Kế hoạch sử dụng đất. Đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược để tận dụng tối đa cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 55/2022/QH15. Tập trung triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm ưu tiên trong giai đoạn 2023 - 2025. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công đường bộ cao tốc.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án xây dựng huyện đảo Trường Sa, Đề án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trở thành bệnh viện tuyến cuối, Đề án tổng thể giảm nghèo bền vững 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh; Đề án về chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030.
Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển
Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Khánh Hòa xác định: tập trung làm tốt công tác chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Tiếp tục tăng cường lãnh đạo công tác củng cố, kiện toàn tổ chức đảng gắn với đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; công tác đào tạo, bồi dưỡng, chế độ, chính sách đúng quy định.
Chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi có dấu hiệu, với phương châm lấy xây là chính. Tiếp tục triển khai công tác dân vận, công tác dân tộc, công tác tôn giáo và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục lãnh đạo tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc do BCĐ Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Tỉnh Khánh Hòa cũng kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội một số nội dung. Trong đó, Khánh Hòa đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, trong đó “ngân sách nhà nước tham gia hỗ trợ không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt”, tương tự như cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 106/2023/QH15, ngày 28.11.2023 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.
Về tài chính ngân sách, tỉnh Khánh Hòa cũng đề xuất Quốc hội xem xét điều chỉnh khoản 2, Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước bởi theo quy định này, nguồn tăng thu và nguồn tiết kiệm chi chỉ được bố trí chi an sinh xã hội, chi đầu tư, bổ sung nguồn cải cách tiền lương..., không được bố trí nhiệm vụ chi thường xuyên. Theo tỉnh Khánh Hòa, việc giới hạn nhiệm vụ chi như vậy gây khó khăn cho địa phương trong việc điều hành, cân đối nguồn lực để thực hiện một số nhiệm vụ an ninh - quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Tỉnh Khánh Hòa cũng nêu một số đề xuất liên quan đến việc áp dụng lãi suất ưu đãi khi cho ngư dân vay vốn để chuyển đổi mô hình nuôi lồng truyền thống sang mô hình nuôi biển công nghệ cao tại tỉnh Khánh Hòa; hỗ trợ từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2024 – 2030 để tỉnh đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu vào các vùng nuôi biển tập trung...