Sign In

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trò chuyện, chia sẻ với lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên báo Tiền phong

22:11 21/11/2023
Sáng ngày 21/11/2023, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã đến thăm, làm việc và trao đổi, chia sẻ cùng cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động của Báo Tiền phong. Buổi làm việc được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 6 điểm cầu là Văn phòng đại diện của Báo Tiền phong trên toàn quốc.


Tại buổi làm việc, báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Đoàn công tác của Bộ TT&TT, ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền phong đã giới thiệu khái quát về lịch sử hình thành, phát triển và hoạt động của Báo. Theo đó, Báo Tiền phong vừa kỷ niệm 70 năm ngày Báo ra số đầu  (1953 - 2023). Đến nay, đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Báo là 250 người; Báo hiện có 5 Văn phòng đại diện tại các thành phố lớn trên cả nước.

20231121-pg1-Bo-truong-phat-bieu.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi trò chuyện với lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên báo Tiền phong

Có xuất phát điểm là cơ quan báo chí in với nhiều ấn phẩm, đến nay Báo Tiền phong đã nỗ lực đưa báo điện tử vào vị trí trung tâm và đang phấn đấu trong 1-2 năm tới sẽ trở thành hạt nhân của Báo. Báo Tiền phong cũng là đơn vị báo chí đầu tiên thành lập công ty cổ phần từ rất sớm (1999), hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, tổ chức sự kiện và hệ thống nhà sách ở một số thành phố lớn. Hiện nay, Báo đang thực hiện đa dạng hoá nguồn thu nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào quảng cáo trong bối cảnh mạng xã hội đang phát triển rất nhanh.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng Báo Tiền phong với 70 năm trưởng thành và phát triển. Theo Bộ trưởng, 70 năm là một truyền thống vẻ vang và 70 năm có cách nào để không già?. Bộ trưởng cho biết, đây là câu hỏi được đặt ra cho tất cả các tổ chức, doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng, một tổ chức muốn làm cho mình trẻ ra, tránh được khủng hoảng thì cần phải có sự tái tạo mới sau mỗi 10 năm. Tổ chức ấy muốn không già đi thì phải kế thừa quá khứ, hướng tới tương lai, phải kể được câu chuyện của thế hệ mình. Một tổ chức lúc nào cũng ý thức về sự đi đầu, sự tiên phong, sẵn sàng đối mặt với thách thức mới sẽ sẽ không bao giờ già đi. Tương tự như vậy, một cơ quan báo chí nếu phản ánh được hơi thở cuộc sống sẽ không bao giờ già đi. Báo Tiền phong ít phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, là một trong số ít các tờ báo có nguồn thu đa dạng, tự chủ về kinh tế, đây là một truyền thống tốt.

20231121-Bo-truong-trao-doi-voi-doi-ngu-CBNBPV.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã dành hơn 2 giờ đồng hồ để trao đổi, giải đáp nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của lãnh đạo, phóng viên, biên tập của Báo Tiền phong

Cũng theo Bộ trưởng, Báo Tiền phong muốn tiếp tục phát triển thì phải lấy đổi mới làm động lực thúc đẩy phát triển. Đổi mới chỉ xảy ra khi ta làm một việc, thất bại và tiếp tục đứng dậy, tiếp tục nỗ lực. Đối mới cũng xảy ra khi ta đặt một mục tiêu rất cao trong khi chưa biết cách làm thế nào để đạt mục tiêu đó.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã dành phần lớn thời gian để trao đổi, giải đáp các câu hỏi về khó khăn, vướng mắc của lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên Báo Tiền phong.

Đối với câu hỏi về sự hỗ trợ của Nhà nước để báo chí phát triển trong bối cảnh mạng xã hội đang phát triển như vũ bão, Bộ trưởng cho biết, báo chí cách mạng có vai trò rất quan trọng đối với Đảng và Nhà nước ta vì Đảng lãnh đạo thông qua truyền thông. Do đó, Luật Báo chí quy định, cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản báo chí. Từ đó xác định truyền thông không phải là nhiệm vụ của cơ quan báo chí mà là nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, của các cấp chính quyền. Báo chí chỉ là một trong những phương tiện truyền thông. Các cấp chính quyền phải có ngân sách thường xuyên thực hiện công tác truyền thông, thực hiện đặt hàng các cơ quan báo chí để truyền thông chính sách cho cơ quan, tổ chức mình. Trong đó có cơ quan báo chí thuộc chủ quản của mình và các cơ quan báo chí khác.

20231121-chup-anh-luu-niem-voi-CBPV.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên báo Tiền phong

Bộ trưởng cho biết, Bộ TT&TT đang sửa văn bản pháp luật liên quan để hoàn thiện cơ chế đặt hàng báo chí, nhất là nghị định, thông tư về nhuận bút, định mức kinh tế kỹ thuật sao cho phù hợp với thị trường.

Tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về việc buộc các mạng xã hội phải ký thoả thuận với cơ quan báo chí để sử dụng sản phẩm báo chí vì báo chí là một sản phẩm được bảo vệ quyền tác giả, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Cục Báo chí, Cục PTTH&TTĐT đưa vào dự thảo Nghị định 72 sửa đổi các nội dung này. Đây là một hướng đi đúng mà thế giới đang làm.

Trên nền tảng mạng xã hội, xu hướng là nhiều trang có nhiều nội dung xấu lại được nhiều người xem, nhiều người theo dõi. Các nhãn hàng lại có xu thế đẩy quảng cáo vào các trang này. Trong 2 năm trở lại đây, Bộ TT&TT đã nhận thức được việc này và đầu năm nay đã công bố “Danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng (White List) sử dụng cho hoạt động quảng cáo”, kiến nghị các nhãn hàng Việt Nam không quảng cáo trên các trang trong danh sách đen (blacklist).

Bộ trưởng nêu lên một xu hướng hiện nay về mạng xã hội đời mới. Hiện chúng ta đang sử dụng các nền tảng mạng xã hội lớn miễn phí. Chúng ta sử dụng các mạng xã hội này miễn phí vì nếu chúng ta không trả tiền cho sản phẩm thì chính chúng ta trở thành sản phẩm, thông tin cá nhân bị sử dụng nhiều hơn, bị lộ lọt nhiều hơn. Nhưng nay người dùng có xu hướng sử dụng các mạng xã hội gần gũi hơn, có nhiều người có sở thích, nhu cầu giống mình hơn.

Với xu hướng như vậy, các cơ quan báo chí có nên trở thành nền tảng mạng xã hội hay không? Bộ trưởng khẳng định là rất nên phát triển theo hướng này. Đồng thời cũng nên suy nghĩ đến việc sản xuất ra các sản phẩm báo chí có tính phân tích nhiều hơn, dữ liệu nhiều hơn, tạo ra giá trị nhiều hơn thì sẽ thu phí được nhiều hơn. Một số báo chí nước ngoài đã có thể thu phí từ sản phẩm báo chí.

Bộ trưởng cũng khuyến khích lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí nên đi ra thế giới học hỏi mô hình các toà báo xem họ hoạt động thế nào. Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số báo chí đầu tiên là học hỏi.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã dành hơn 2 giờ đồng hồ để trao đổi, giải đáp nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của lãnh đạo, phóng viên, biên tập của Báo Tiền phong. Đặc biệt, đối với những vấn đề về chuyển đổi số báo chí, định mức kinh tế kỹ thuật, báo điện tử thu phí… đã được Bộ trưởng và các Trưởng đơn vị thuộc Bộ trực tiếp trả lời, giải đáp chi tiết, cụ thể.

Giang Phạm, Ảnh: Đức Huy

Tag:

File đính kèm