Bảo đảm để luật sư thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình
Báo cáo tại phiên thẩm định, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Đặng Kim Hoa cho biết, trong thời gian qua, nhiều Nghị quyết, văn kiện của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã được ban hành, xác định rõ chủ trương, định hướng cũng như giải pháp quy định về đổi mới nâng cao chất lượng, hoạt động tư pháp, hoạt động bổ trợ tư pháp. Trong đó có xây dựng hoàn thiện thể chế về luật sư (LS) và hành nghề luật sư (HNLS), nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn LS; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của LS; tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong HNLS.
Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Đặng Kim Hoa báo cáo tại phiên họp.
Ngay sau khi Luật Luật sư được ban hành, thể chế, pháp luật về tổ chức và hoạt động của LS đã tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho LS và tổ chức HNLS phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến ngày 31/12/2023 cả nước có hơn 18.200 luật sư hoạt động trong hơn 5.400 tổ chức hành nghề luật sư (tăng khoảng 14.000 luật sư so với năm 2006) đã dần đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý của cá nhân, tổ chức. Một số tổ chức hành nghề luật sư bước đầu phát huy được thế mạnh, thương hiệu của mình, tạo được sự tín nhiệm trên thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực và quốc tế.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Luật sư năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục như: sự phân bố của đội ngũ LS không đồng đều, chất lượng LS chưa đồng đều; một số quy định trong Luật Luật sư còn dẫn đến cách hiểu và áp dụng không thống nhất cần được nghiên cứu, hoàn thiện; một số quy định chưa cụ thể hoặc không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thực tiễn phát triển nghề luật sư ở Việt Nam…
Do đó, việc ban hành Luật Luật sư (thay thế) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về LS và HNLS, bảo đảm để LS thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của LS, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động LS; xây dựng và phát triển đội ngũ LS có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi kỹ năng hành nghề, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển tổ chức và hoạt động của LS phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thông lệ quốc tế.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư
Cho ý kiến về việc đề nghị xây dựng Luật Luật sư (thay thế), đa số các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị tài liệu, hồ sơ của cơ quan chủ trì soạn thảo; đồng thời cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật… Ngoài ra, các thành viên Hội đồng thẩm định còn đóng góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật.
Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội Đào Ngọc Chuyền.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội Đào Ngọc Chuyền cho rằng cần nghiên cứu kỹ hơn về việc quy định cơ sở đào tạo nghề LS. Về vấn đề này, đại biểu khác đề nghị cần có quy định cụ thể để nâng cao vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ LS.
Về kỳ thi LS quốc gia, theo Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Minh Hằng, khảo sát tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, đơn vị, cơ quan quản lý nào cấp chứng chỉ hành nghề LS thì đồng thời là chủ trì đối với kỳ thi quốc gia. Điều này phù hợp với Việt Nam và xu thế phát triển của thế giới. Phó Giám Học viện cho rằng cần thiết phải bổ sung cơ quan quản lý nhà nước là đơn vị chủ trì để tổ chức kỳ thi quốc gia. “Trước đây và trong các quy định của Luật Luật sư hiện hành, Bộ Tư pháp là đơn vị chủ trì và đã thực hiện tốt vai trò này trong việc tổ chức kỳ thi quốc gia”, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp nêu thực tiễn.
Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Minh Hằng đóng góp ý kiến tại phiên họp
Về thành phần Hội đồng kỳ thi LS quốc gia, theo Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, quy định như dự thảo hiện nay rất khó đảm bảo độ linh hoạt, cần bổ sung thêm thành phần tham gia là đơn vị đại diện cho các tổ chức hành nghề LS, Liên đoàn luật sư và cơ sở đào tạo nghề LS. Tương tự, một đại biểu khác cũng cho rằng cần tính toán kỹ lưỡng và đánh giá tác động về tính khả thi của của việc mời các bộ, ngành khác tham gia Hội đồng.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp Lại Thị Vân Anh.
Tại phiên họp, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp Lại Thị Vân Anh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu kỹ, áp dụng các cam kết quốc tế về nhân sự điều hành tổ chức HNLS nước ngoài; đồng thời nên có cơ chế cấp phép chặt chẽ hơn, nâng cao kiểm tra, giám sát trong lựa chọn các tổ chức nước ngoài.
Đối với quy định về Luật sư công, Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Thị Mai cho rằng đây là ý tưởng hay nhưng còn nhiều thách thức và khó khăn. Theo đại biểu này, để đảm bảo chất lượng đội ngũ Luật sư công, cần có sự thay đổi hoàn toàn về cơ chế chính sách…
Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Thị Mai.
Cần quy định chặt chẽ về xử lý vi phạm Luật Luật sư
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao thủ tục, quy trình chuẩn bị hồ sơ thẩm định của cơ quan chủ trì soạn thảo. Qua phiên họp thẩm định hôm nay, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ; bổ sung thêm một số vấn đề liên quan Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; rà soát lại tính tương thích với các Điều ước quốc tế,…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận phiên họp thẩm định.
Hiện nay tình trạng vi phạm các quy định của Luật LS vẫn còn tồn tại, nhưng phương thức xử lý vẫn chưa thật sự đầy đủ. Do đó, Thứ trưởng đề nghị cần xây dựng, quy định trách nhiệm cụ thể cho từng văn phòng/công ty luật; tăng cường đào tạo về đạo đức nghề nghiệp, tính cống hiến cho xã hội của LS; cần khuyến khích LS cống hiến, tham gia nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về vấn đề Luật sư công, Thứ trưởng cho rằng chỉ nên thiết kế theo phương án thuê theo vụ việc; cần quy định cụ thể về vấn đề đào tạo LS hội nhập; thiết kế rõ quy định về nhiệm kỳ, tuổi của LS quy hoạch… Trên cơ sở đó, Thứ trưởng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện báo cáo đánh giá, kịp thời trình Chính phủ theo đúng thời hạn./.
Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo, cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng đề xuất thay thế Luật Luật sư tập trung vào 3 nhóm chính sách lớn: (1) Xây dựng đội ngũ LS có đạo đức, bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp và năng lực chuyên môn; (2) Hoàn thiện pháp luật về LS, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi phát triển nghề LS, phát triển thị trường dịch vụ pháp lý lành mạnh ở Việt Nam; (3) Nâng cao trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của LS; chủ động trong thực hiện quản lý nhà nước nhằm bảo đảm vị trí, vai trò của cơ quan quản lý, kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức và hoạt động của LS. |
Thu Nga