Sign In

Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam cần tích cực, chủ động, không ngừng đổi mới, sáng tạo, cho ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách

07:46 04/07/2024
Ngày 3/7, tại Hà Nội, Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ban Quản lý) đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Phạm Văn Quyến đã báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các hoạt động, hoàn thành tốt kế hoạch đề ra. Nội bộ đơn vị đoàn kết, ổn định; công chức, viên chức, người lao động có ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể tiếp tục hoạt động hiệu quả, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Về công tác quản lý, vận hành, khai thác và tổ chức hoạt động tại Làng Văn hóa: Ban Quản lý đã xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức hiệu quả các hoạt động hàng tháng theo chủ đề; hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công trong khuôn khổ 02 sự kiện thường niên: Sự kiện "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc", "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" (19/4)...

Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cần chủ động, không ngừng đổi mới, sáng tạo - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Trong 6 tháng đầu năm, Ban Quản lý đã tổ chức đón tiếp và phục vụ hơn 46 lượt cộng đồng dân tộc với 560 đồng bào dân tộc của 70 địa phương tham gia hoạt động sự kiện; tái hiện 16 lễ hội, nghi lễ, phong tục độc đáo trong đó, 03 lễ hội, nghi lễ do đồng bào hoạt động hàng ngày tổ chức thực hiện và 21 hoạt động trình diễn, giao lưu trong đó, có 02 hoạt động trình diễn giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 05 hoạt động triển lãm, trưng bày giới thiệu; 01 hoạt động giới thiệu Ngày hội văn hóa du lịch địa phương.

Duy trì tổ chức hoạt động hằng ngày của 16 nhóm đồng bào dân tộc như: Nùng, Tày (Thái Nguyên), Mông (Hà Giang), Dao (Ba Vì, Hà Nội) Mường (Hòa Bình), Thái (Sơn La)… Ngoài ra, tiếp tục triển khai tổ chức các hoạt động trải nghiệm gắn với đặc trưng văn hóa của từng dân tộc đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa dân tộc và tham gia các hoạt động trải nghiệm của du khách; tiếp tục triển khai công tác đánh giá việc tổ chức các hoạt động hàng ngày đối với từng nhóm đồng bào gửi địa phương phối hợp.

Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cần tập trung nguồn lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao theo đúng tiến độ, chất lượng - Ảnh 2.

Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung phát biểu tại hội nghị

Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách tham quan khoảng 282.000 lượt khách, đạt 51,2% theo kế hoạch đề ra. Trong đó, khách có thuyết minh viên khoảng 580 đoàn tương đương với khoảng 99.000 lượt khách; khách sử dụng dịch vụ khoảng 350 lượt, với 46.500 khách, đoàn đăng ký trải nghiệm tại các làng dân tộc khoảng 430 lượt.

Về công tác tuyên truyền, quảng bá: Ban Quản lý thực hiện tốt công tác truyền thông, quảng bá trên fanpage, website về hoạt động, chương trình, sự kiện tại "Làng"; Thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin cho các kênh truyền hình, báo chí phục vụ cho công tác tuyên truyền quảng bá về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Về công tác quy hoạch và xúc tiến đầu tư: Ban Quản lý thường xuyên tiếp xúc, trao đổi, làm việc với một số nhà đầu tư tiềm năng; Hoàn thiện Kế hoạch triển khai thực hiện công tác xúc tiến đầu tư năm 2024…

Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cần tập trung nguồn lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao theo đúng tiến độ, chất lượng - Ảnh 3.

Phó Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Phạm Văn Quyến báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Phạm Văn Quyến cũng nêu một số khó khăn, hạn chế như: Mô hình quản lý, tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý đến nay chưa có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên có một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện, nhất là công tác quy hoạch, thu hút đầu tư. Và đây cũng là nguyên nhân khiến cho công tác quản lý điều hành cũng như công tác tham mưu, quản lý nhà nước của Ban Quản lý gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhân sự các phòng/ban/trung tâm còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Do đó, trong 6 tháng cuối năm 2024, Ban Quản lý đã xác định thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau: Tiếp tục tham mưu, tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý; Hoàn thành dự án "Chuyển đổi số nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam, tạo môi trường giáo dục, tra cứu văn hóa và phát triển du lịch tại Làng Văn hóa"; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sự kiện Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam (18-23/11/2024); Phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan nghệ thuật Hát then, Đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII tại Làng Văn hóa…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã ghi nhận những nỗ lực, kết quả đạt được của Ban Quản lý trong 6 tháng đầu năm 2024. Đồng thời, Thứ trưởng cũng chia sẻ những khó khăn tồn, tại của Ban Quản lý.

Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cần tập trung nguồn lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao theo đúng tiến độ, chất lượng - Ảnh 4.

Không gian hội nghị

Qua đó, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị: Ban Quản lý cần tập trung mọi nguồn lực, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Bộ VHTTDL giao theo đúng tiến độ, chất lượng; Phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức thành công 2 sự kiện là Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2024 và Liên hoan nghệ thuật Hát then, Đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII. Ngoài ra, phải tiếp tục tập trung chăm lo cho đời sống đồng bào dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại "Làng".

Bên cạnh đó, Ban Quản lý cần phải nỗ lực trong việc xây dựng, điều chỉnh chức năng nhiệm vụ phù hợp trong giai đoạn mới, cần nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, tuyên truyền nhằm thu hút khách tham quan và thu hút đầu tư từ nguồn ngoài Ngân sách Nhà nước. Đồng thời, cần phải tích cực, chủ động, không ngừng đổi mới, sáng tạo, cho ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách.

Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cần chủ động, không ngừng đổi mới, sáng tạo - Ảnh 5.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy trao cờ thi đua của Bộ VHTTDL cho 02 đơn vị: Ban tổ chức và Ban Quản lý Khu các Làng dân tộc trực thuộc Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đã đạt thành tích xuất sắc trong công tác thi đua năm 2023.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung khẳng định, trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tiếp tục đoàn kết thực hiện những nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước trực tiếp là Bộ VHTTDL giao. Đồng thời, Ban Quản lý mong muốn sẽ thường xuyên nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ VHTTDL đối với sự phát triển của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam./.

Thương Nguyễn

Tag:

File đính kèm