Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nhấn mạnh, tọa đàm là dịp để các đại biểu, nhà khoa học, các cán bộ quản lý di tích nghiên cứu, trao đổi và tôn vinh những công lao to lớn, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, độc lập tự do cho nhân dân Việt Nam; bổ sung thêm những tư liệu về ngôi nhà sàn, những sự kiện lịch sử trong thời gian Người sống và làm việc tại đây; làm sâu sắc thêm tình cảm, sự quan tâm của Đảng và nhân dân đối với Bác Hồ…
Tọa đàm cũng là dịp để những người làm công tác bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị Di tích Nhà sàn trao đổi, chia sẻ và rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Nhà sàn và nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan ngày một tốt và hiệu quả hơn.
Các đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận và phân tích, làm rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Di tích Nhà sàn trong quần thể Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp để làm tốt hơn nữa công tác sưu tầm tư liệu, tài liệu, hiện vật, những cứ liệu khoa học giúp cho việc chỉnh lý, bổ sung trưng bày Di tích Nhà sàn ngày một đầy đủ, chính xác hơn, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Nhà sàn ngày một tốt hơn…
Các ý kiến tập trung vào việc nghiên cứu các giải pháp khoa học, khả thi nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo quản, bảo tồn Di tích Nhà sàn; vấn đề áp dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Nhà sàn trong giai đoạn hiện nay…
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của quân và dân ta, tháng 10.1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội. Giữa tháng 12.1954, Người bắt đầu chuyển về sống và làm việc tại Khu vực Phủ Chủ tịch, kể từ đó đến ngày 2.9.1969. Trong suốt 15 năm – nơi đây đã ghi những dấu ấn sâu đậm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn liền với các bước phát triển của cách mạng Việt Nam.
Sau 4 năm đầu Người sống và làm việc trong ngôi nhà nhỏ của người thợ điện phục vụ cho Phủ Toàn quyền Đông Dương. Nhiều lần Trung ương Đảng đề nghị làm cho Bác ngôi nhà mới để ở và làm việc được tốt hơn, nhưng Người đều từ chối. Đến tháng 3.1958, trong chuyến đi thăm huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, trên đường trở về Thủ đô Hà Nội, Bác nhìn thấy bản làng có nhiều đổi thay, nhiều nếp nhà sàn mới, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao. Người rất vui và nói với đồng chí Vũ Kỳ: nhiều lần Trung ương Đảng đề nghị làm cho Bác một ngôi nhà mới, theo Bác nên làm một ngôi nhà nhỏ ở bên kia bờ ao, theo kiểu ngôi nhà của đồng bào Việt Bắc.
Thực hiện mong muốn của Người, sau hơn một tháng thi công, ngôi nhà được hoàn thành ngày 17.5.1958. Ngay sau đó, Bác Hồ chính thức chuyển về ở và làm việc tại đây. Ngôi nhà có hai tầng, tầng dưới để thoáng và thường được Bác sử dụng làm nơi họp với Bộ Chính trị, gặp các cán bộ đầu ngành đến báo cáo công việc và thỉnh thoảng, Bác tiếp thân mật một số đoàn khách trong nước và quốc tế. Tầng trên có hai phòng, diện tích mỗi phòng khoảng 10m2, với những tiện nghi sinh hoạt đơn giản.
Ngôi nhà tuy đơn sơ, giản dị, nhưng là nơi gắn bó với cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 11 năm cuối đời (1958 - 1969). Tại đây, trên cương vị là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người đã ngày đêm suy nghĩ để cùng Bộ Chính trị đề ra đường lối chiến lược, sách lược cho cách mạng Việt Nam, tiếp tục lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn có tầm tư tưởng mang dấu ấn thời đại như: tác phẩm “Đạo đức cách mạng” (1958); “Tài liệu Tuyệt đối bí mật” (1965), “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước”(1966)...
Hiện nay, công tác bảo vệ, bảo quản và giữ gìn nguyên trạng, lâu dài Khu di tích nói chung và Di tích Nhà sàn nói riêng, là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết nhằm phục vụ tốt công tác nghiên cứu, tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh cho đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế khi đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch.
Theo bà Nguyễn Thu Hà, nguyên Trưởng Phòng Sưu tầm Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong không gian tôn vinh, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ba Đình, Hà Nội, Nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch giữ vai trò trọng tâm, yếu tố đặc biệt, là nhân tố “cốt lõi” góp nên những giá trị lịch sử - văn hóa. Khách tham quan đến đây được trải nghiệm, tiếp thu và có cơ hội bày tỏ niềm tin, lòng kính yêu và sự biết ơn đối với một con người đã “ trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó...”.
Bà Nguyễn Thu Hà nhấn mạnh, thực tiễn trong các hoạt động tưởng niệm Hồ Chí Minh ở Ba Đình, trong đó có Nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch cho thấy mỗi người khi ở đây sẽ không chỉ cảm nhận, lý giải những giá trị lịch sử - văn hóa bằng tên địa danh, tên người, gắn với các câu chuyện lịch sử, từ các kiến thức về tiểu sử của một danh nhân, lịch sử của một dân tộc, về những di tích lịch sử, các hiện vật bảo tàng, câu chuyện kể,…mà còn trực tiếp trải nghiệm “mắt thấy tai nghe” ở chính tại nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống, làm việc, sẽ giúp cho sự cảm nhận những cung bậc cảm xúc thực chất đúng với những giá trị văn hóa đạo đức nhân văn của một con người có nếp sống giản dị, cần kiệm, trong sáng, một con người mà cốt cách không chỉ đã trở thành biểu trưng của Việt Nam mà còn còn là một trong những yếu tố cơ bản góp phần kiến tạo xã hội tương lai, bằng những phẩm chất, những nét tiêu biểu trong hình mẫu đạo đức Hồ Chí Minh.